CẬP NHẬT: Nội dung Tọa đàm "Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới"

18/10/2021 09:07

Tại Tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia đã phân tích, bình luận, làm rõ hơn các thông tin, nội dung cụ thể liên quan đến Nghị quyết; tư duy và sự chuyển hướng chiến lược của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch cũng như việc đưa Nghị quyết vào thực thi hiệu quả trong cuộc sống...

Tiếp tục cập nhật...

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên:Chúng ta đã hết sức cố gắng, đồng tâm hiệp lực, quyết liệt thực hiện các chủ trương, biện pháp, cùng sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy đảng, chính quyền và sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nên cơ bản khống chế được dịch, đặc biệt là đợt dịch thứ 4.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thưa Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, với tư cách là lãnh đạo Bộ Y tế, ông có thể nêu khái quát những kết quả nổi bật trong phòng chống dịch thời gian qua và chúng ta đã vượt qua những khó khăn như thế nào, lớn như thế nào trong phòng chống dịch, nhất là tại TPHCM thời gian qua? Những bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng chống dịch?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Đất nước chúng ta đến hôm nay đã trải qua 4 đợt dịch. Về kết quả nổi bật trong công tác chống dịch thời gian qua, nhất là đợt dịch lần thứ 4, với sự nỗ lực đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hết sức cố gắng, đồng tâm hiệp lực, quyết liệt thực hiện các chủ trương, biện pháp, cùng sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy đảng, chính quyền và sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nên cơ bản khống chế được dịch, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 (với biến chúng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong dự báo).

Qua đợt dịch này, Bộ Y tế tham mưu Ban Chỉ đạo quốc gia ban hành các hướng dẫn về cách ly, khoanh vùng, dập dịch, xác định các địa bàn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao để có biện pháp cụ thể, khoanh vùng hẹp nhất có thể.

Chúng ta xét nghiệm thần tốc, tiến độ xét nghiệm đi trước khả năng lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, xác định biện pháp, giải pháp phòng chống dịch phù hợp với từng thời điểm, từng diễn biến dịch bệnh.

Đồng thời, tích cực làm tốt ngoại giao vaccine, huy động được nguồn vaccine trong bối cảnh cả thế giới khan hiếm. Đến ngày hôm nay, chúng ta đã đạt được diện bao phủ vaccine nhất định trong cộng đồng, tạo tiền đề cho việc khôi phục lại phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội của người dân.

Tiếp theo, chúng ta ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch, đặc biệt Việt Nam là 1 trong những nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2. Cùng với đó, chúng ta đang tích cực nghiên cứu đẩy mạnh sản xuất vaccine trong nước. Chúng ta đã có vaccine đang triển khai thí điểm giai đoạn 3 và các loại vaccine khác đang triển khai thử nghiệm. Chúng ta đã có hệ thống kết nối được trên 1.000 điểm cầu để tiến hành hội chẩn, thảo luận; gần đây nhất, tất cả điểm cầu xã phường, thị trấn đã kết nối được với điểm cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia để thuận tiện trong công tác chỉ đạo, điều hành chống dịch. Đặc biệt ứng dụng công nghệ mạnh mẽ trong truy vết, khai báo y tế, thông qua hợp nhất các ứng dụng phòng, chống COVID-19 thành PC-Covid, tạo thuận lợi cho người dân truy cập và trong công tác phòng, chống dịch.

Cùng với đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực đồng hành cùng các cấp ủy đảng, chính quyền để làm tốt phòng, chống dịch bệnh.

Về khó khăn, không chỉ ở tất cả các tỉnh, thành phố khác trên cả nước mà đặc biệt là TPHCM và các tỉnh phía nam trong đợt dịch thứ 4 vừa qua với bến chủng Delta, lúc đầu công tác chỉ đạo điều hành ở một số nơi còn lúng túng, chưa thống nhất, còn bị động. Công tác chỉ đạo một số biện pháp cụ thể còn nóng vội, chưa kịp thời điều chỉnh theo tình hình dịch bệnh. Các quy định chưa bao quát hết được các tình huống để ứng phó với dịch bệnh vì đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện.

Tôi nhận thấy khâu tổ chức vẫn yếu. Việc tổ chức thực hiện ở từng khu vực, từng vùng, từng địa bàn, nhưng chưa tính đến hết nhu cầu của ngươi dân và khả năng đáp ứng tại chỗ nên một số nơi thực hiện còn lúng túng, chưa đảm bảo theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên.

Hệ thống y tế còn bộc lộ một số hạn chế, nhất là y tế cơ sở y, y tế dự phòng chưa đáp ứng được nhu cầu phòng dịch diễn biến nhanh với chủng Delta. Người dân rất khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế khi dịch bùng phát rộng dẫn đến tình trạng quá tải, tăng nguy cơ tử vong. Hầu hết trang thiết bị y tế, sinh phẩm, thuốc men, vaccine chúng ta đều phải nhập khẩu, chưa sản xuất được nên bước đầu còn bị động, chưa đảm bảo phương châm 4 tại chỗ ở các địa phương.

Công tác truyền thông có lúc có nơi chưa được chuẩn bị kỹ, kịp thời, nên còn lúng túng nhất trong thời gian đầu. Ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn đầu chưa được tích hợp thành 1 nền tảng thống nhất.

Từ tồn tại, hạn chế ở TPHCM và ở một số địa phương khác mà chúng tôi đã rút kinh nghiệm, thấy rằng để làm tốt công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, chúng ta cần có bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành và phải huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động tất cả các nguồn lực ở trong nước cũng như nước ngoài, nguồn lực của người dân, doanh nghiệp để tham gia phòng, chống dịch.

Phân cấp phân quyền và phát huy tính chủ động linh hoạt ở từng cấp để tổ chức thực hiện, nhất là cấp cơ sở, đi đôi với tăng cường kiểm tra giám sát hướng dẫn hỗ trợ thực hiện, kết hợp hài hòa giữa việc thực hiện 4 tại chỗ. Kịp thời huy động mọi người lực từ Trung ương đến địa phương, tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương đang hoặc có nguy cơ bùng phát dịch.

Bám sát thực tiễn, nắm chắc và dự báo sát tình hình dịch bệnh để đưa ra các biện pháp kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, chủ động xây dựng kịch bản, phương án chống dịch từ sớm, đồng bộ tại các cấp để thực hiện.

Bình tĩnh, không hốt hoảng, đồng thời không lơ là chủ quan vì chúng ta chống dịch chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; kịp thời tham khảo kinh nghiệm của các nước và các biện pháp, giải pháp mà chúng ta đã thực hiện, được chứng minh hiệu quả. Đồng thời kiên định, kiên trì, nhất quán trong lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch, đặc biệt khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, xác định rõ mục tiêu, biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời triển khai các biện pháp một cách linh hoạt theo phạm vi, đối tượng, thời gian và thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội cũng như trật tự an toàn xã hội.

Huy động tổng lực ngành y tế và điều trị từ sớm từ xa để giảm nguy cơ tử vong. Hình thành được trạm y tế lưu động để cung cấp dịch vụ y tế cho người dân ngay từ cơ sở, đặc biệt là các địa bàn thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách, để đảm bảo cho người dân tiếp cận được dịch vụ y tế ban đầu, không chỉ y tế cho phòng chống dịch mà cả chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cùng với đó, chúng ta phải tiếp cận và chuẩn bị các nguồn lực vaccine, thuốc điều trị để chủ động trong phòng chống dịch.

Cuối cùng, làm tốt công tác thông tin, truyền thông tạo sự đồng thuận cho người dân. Thông tin phải chủ động đi trước một bước từ đó để người dân hiểu, đồng cảm, thống nhất, đồng thuận với các biện pháp để thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp cách ly để phòng chống theo các Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ. Các biện pháp cách ly đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động vận tải và ngành giao thông vận tải đã có những phải pháp gì để khắc phục những khó khăn, bảo đảm liên tục chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông hàng hóa, thưa Thứ trưởng Lê Đình Thọ?

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ:Trước hết, chúng ta phải hiểu và nhận thức đúng là trong mọi điều kiện, kể cả trạng thái bình thường hay trong giai đoạn chống dịch thì ngành GTVT luôn luôn phải đáp ứng được mọi yêu cầu. Từ nhận thức đó và từ quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ và của ngành, chúng tôi xác định là khi đất nước đang ở trạng thái bình thường bắt đầu phòng chống dịch thì chúng ta chuyển sang trạng thái mới. Khi đã chuyển sang trạng thái mới rồi thì ngành GTVT phải thích ứng kịp thời và chúng ta phải đảm bảo phục vụ lưu thông hàng hoá, phục vụ đi lại của người dân và phục vụ phòng chống dịch tốt nhất.

Chính từ quan điểm chỉ đạo, từ nhận thức đó, trước hết chúng tôi quán triệt toàn ngành, từ Trung ương đến địa phương, phải nắm được quan điểm này để tổ chức thực hiện đồng bộ, thể hiện vai trò của ngành trong phòng, chống dịch. Kết quả này cho thấy tuy chúng ta tổ chức triển khai giãn cách xã hội, có những địa phương thực hiện theo Chỉ thị 15, nhưng cũng có địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16, và có những địa phương thực hiện trên Chỉ thị 16, điều kiện còn ngặt nghèo hơn. Hoặc sau này, chúng ta thực hiện theo Chỉ thị 19. Tức là theo cấp độ phòng chống dịch thì ngành GTVT cũng phải thích ứng kịp thời.

Có thể nói năm 2020, trong lĩnh vực vận tải hàng hoá và vận tải hành khách, đến giờ chúng tôi nhận định và đánh giá ngành GTVT vẫn đang đáp ứng được nhu cầu phục vụ phòng, chống dịch đồng thời thực hiện mục tiêu kép là phục vụ phát triển kinh tế và sự đi lại của người người dân, đáp ứng rất kịp thời, thể hiện ở một số lĩnh vực.

Thứ hai, đối với ngành GTVT, trước tình hình diễn biến như thế, ngoài đưa ra quan điểm chỉ đạo sát tình hình, sát chủ trương của Đảng, của Chính phủ trong chỉ đạo phòng, chống dịch, chúng tôi còn đưa ra giải pháp cụ thể sát với tình hình của ngành.

Đó là chúng tôi xác định không thể đứt được chuỗi cung ứng, trong đó khâu lưu thông là vấn đề vô cùng quan trọng phục vụ cho phòng chống dịch. Chúng tôi đã xác định những nơi áp dụng cấp độ khác nhau nhưng vẫn phải tổ chức vận tải, kể cả vùng có dịch hay vùng không có dịch. Rồi vấn đề phối kết hợp, ví dụ như chúng tôi phải duy trì được cầu hàng không vận chuyển từ Hà Nội tới TPHCM, vừa vận chuyển vật tư thiết yếu, thuốc men, đồng thời, vận chuyển nguồn nhân lực để hỗ trợ cho các tỉnh phía nam phòng, chống dịch; phục vụ sự đi lại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Đối với hàng hoá, chúng tôi cũng xác định không để đứt gãy chuỗi hàng hoá nên phải duy trì bằng mọi cách, ví dụ như tại TPHCM là khu vực cảng Cát Lái, và một số cảng của Đồng Nai , Bình Dương gắn liền với những khu công nghiệp, khu chế xuất. Ở đây, chúng ta vẫn tổ chức thực hiện sản xuất tại chỗ, duy trì sản xuất để vẫn có sản phẩm cho xuất khẩu hàng hoá. Do đó, chúng tôi phải tổ chức làm sao giữ vững được chuỗi vận tải và đến bây giờ, có thể khẳng định hàng hoá xuất khẩu trong dịp vừa rồi, nhất là qua cảng biển lớn như Hải Phòng, khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải, khu vực Đồng Nai, Quy Nhơn… vẫn được duy trì.

Vấn đề thứ hai nữa là khi tổ chức giao thông, chúng tôi cũng phải đưa ra những giải pháp đế thích ứng kịp thời. Ví dụ như phải xác định đối tượng vận chuyển được ưu tiên, ưu tiên thì phải có nhận diện. Từ đó, chúng tôi đưa ra những mã QR để nhận diện những phương tiện được ưu tiên để cho phép lưu thông kịp thời.

Một vấn đề nữa là khi phòng chống dịch, chúng tôi cũng đã chỉ đạo một trong những giải pháp chúng ta phải sẵn sàng là phương tiện và nguồn nhân lực để khi có yêu cầu là chúng ta đáp ứng. Việc này vừa rồi đã thể hiện rất rõ, đặc biệt tại TPHCM, lực lượng giao thông ở Thành phố đã có kế hoạch thích ứng rất kịp thời trong từng giai đoạn nên khi có điều động, có huy động người, phương tiện, nhân vật lực để phục vụ chống dịch là chúng tôi đáp ứng được.

Ví dụ như thiếu phương tiện vận chuyển hay cấp cứu người bệnh, đã phải huy động đến lực lượng taxi 7 chỗ, chúng ta đưa những điều kiện y tế để huy động được lực lượng taxi phục vụ. Hoặc chúng ta sử dụng lực lượng shipper vận chuyển bằng xe máy có điều kiện để phục vụ đời sống nhân dân cũng như vận chuyển hàng hoá, phòng chống dịch. Có thể nói, chúng ta đều có những phương án rất cụ thể, rất chi tiết.

Chúng ta đều biết, vừa rồi người dân trở về quê, đi qua các tỉnh, thành phố. Các địa phương đã chỉ đạo và các sở đã chuẩn bị sẵn sàng từ xe vận chuyển hàng hoá, đến vận chuyển người, khi có điều kiện là đưa lực lượng này tiếp ứng kịp thời… Tất cả những việc này, chúng tôi phải có chỉ đạo theo ngành dọc để luôn sẵn sàng và đáp ứng được mọi yêu cầu. Có thể khẳng định đến thời điểm này, lĩnh vực GTVT, từ huy động nguồn lực đến phương tiện, con người để phục vụ vận chuyển hàng hoá, đi lại của nhân dân… chưa bị đứt gãy.

Là địa phương ứng phó khá tốt với dịch bệnh thời gian qua, xin ông cho biết, đến nay tình hình dịch bệnh tại địa phương đã được kiểm soát như thế nào, đâu là những kết quả nổi bật trong công tác phòng chống dịch của địa phương? Những bài học kinh nghiệm được rút ra?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu: Khánh Hòa là một trong những tỉnh mà tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, trong đó tập trung ở hai địa bàn TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa.

Ngày 30/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã nhận được thông báo của tỉnh liền kề xác định có ca nhiễm COVID-19 từng đến cảng cá Hòn Rớ của tỉnh Khánh Hòa. Qua truy vết, chúng tôi thấy ca F0 đi qua rất nhiều địa bàn của tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt tiếp xúc với các F1 ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Qua đánh giá cho thấy, tình hình dịch hết sức phức tạp, F2 cũng thành F0. Chính vì vậy, ngày 9/8, sau 10 ngày xác định ca nhiễm đầu tiên, tỉnh Khánh Hòa quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Tỉnh dự kiến ban đầu trong khoảng thời gian 14 ngày sẽ kiểm soát tình hình dịch bệnh. Giải pháp ban đầu chúng tôi đưa ra theo hướng dẫn chung của ngành y tế là giãn cách triệt để và về mặt y tế sẽ tổ chức tầm soát xét nghiệm, đưa các ca F0 đi điều trị, F1 đi cách ly tập trung. Tuy nhiên, đây là lần đầu dịch bệnh bùng phát mạnh, biến chủng Delta lây lan rất nhanh, nguồn lây xuất phát từ các chợ truyền thống nên ăn sâu vào cộng đồng; địa bàn truy vết cũng rất phức tạp, nhiều khu dân cư chật chội, điều kiện sinh sống rất khó khăn nên việc giãn cách không được triệt để. Trong các lần tầm soát cũng để bị sót đối tượng. Vì vậy, sau 2 lần giãn cách, tỉnh quyết định giãn cách thêm 2 lần nữa, tức là đã thực hiện giãn cách 4 lần với tổng thời gian giãn cách 56 ngày.

Bắt đầu từ ngày 8/9, Khánh Hòa cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh và nới lỏng giãn cách; các hoạt động sản xuất kinh doanh, các công trình xây dựng bắt đầu tổ chức hoạt động lại. Đến ngày 1/10, tỉnh Khánh Hòa nới lỏng thêm một lần nữa, các hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi.

Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.600 ca bệnh, đã điều trị bệnh hơn 8.000 ca; trong các cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến còn hơn 500 ca bệnh. Trong tổng số các ca bệnh, chúng tôi xác định chưa tới 2% các ca bệnh nặng và nguy kịch. Hiện nay các ca bệnh đang điều trị chỉ có 11 bệnh nhân ở mức độ nặng, không có trường hợp nào phải sử dụng biện pháp can thiệp xâm lấn. Có 89 người tử vong, chiếm tỉ lệ 1,02%, đa số từ 60 tuổi trở lên và có bệnh nền. Như vậy, công tác điều trị cũng đạt được kết quả đáng mừng.

Trong quá trình triển khai công tác phòng chống dịch, chúng tôi thấy, diễn biến dịch diễn ra từng ngày, công tác lãnh đạo chỉ đạo cũng phải điều chỉnh linh hoạt từng ngày, cảm xúc và áp lực của lãnh đạo tỉnh cũng theo từng ca nhiễm. Thời gian đầu mặc dù đã có kịch bản, đã xây dựng phương án cụ thể, nhưng công tác phòng chống dịch còn lúng túng, nhất là khi ca nhiễm tăng nhanh, trong khi vật lực nhân lực, trang thiết bị còn thiếu. Nhưng sau đó, lãnh đạo của tỉnh từ Tỉnh ủy đến Ủy ban, từ cấp tỉnh đến cấp xã bắt đầu củng cố lại, điều chỉnh công tác tổ chức phòng chống dịch. Hằng ngày, vào 7h sáng Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp giao ban về phòng chống dịch COVID-19, để xử lý các tình huống phát sinh một cách kịp thời. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch đã có chuyển biến và sau 4 lần giãn cách tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát.

Thực tiễn phòng chống dịch cho thấy, ở giai đoạn đầu, công tác truy vết xét nghiệm thần tốc, đưa nhanh các F0 ra cộng đồng, đây là việc làm rất cần thiết. Chính nhờ vậy mới nhanh kiểm soát được dịch bệnh. Tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là thành phố Nha Trang, có lúc đã huy động trong một ngày nguồn nhân lực ở tất cả địa bàn với 6.500 người phục vụ, 1.300 tổ lấy mẫu. Lấy mẫu trên toàn địa bàn thành phố Nha Trang đến 8h-9h đêm. Qua đợt lấy mẫu đó, chúng tôi cố gắng không để sót đối tượng, bởi những đối tượng bỏ sót sẽ trở thành F0, F1 tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Danh sách được rà soát đến từng thôn, xóm. Qua đợt xét nghiệm lớn như vậy, tỉnh Khánh Hòa đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Trong quá trình tổ chức phòng chống dịch, phát sinh nhiều việc làm mới, Khánh Hòa xác định mức độ nguy cơ đến cấp thôn, tổ dân phố, như vậy công tác quản lý được đưa vào diện hẹp hơn, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quá trình thực hiện còn có khó khăn như các đối tượng nghiện ma túy là các F0, điều trị các đối tượng này rất vất vả. Khánh Hòa đã truy vết và xác định có 94 đối tượng F0 là đối tượng nghiện ma túy, tỉnh đã thành lập riêng một bệnh viện dã chiến để điều trị cho họ. Đến nay 94 đối tượng nghiện ma túy vừa cắt được cơn vừa được điều trị khỏi COVID-19.

Công tác an sinh xã hội là việc rất quan trọng giúp người dân trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội yên tâm hơn, đảm bảo được cuộc sống tối thiểu. Ngoài các chính sách của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa cũng có những chính sách riêng của tỉnh. Đến nay đã hỗ trợ được hơn 125.000 người với kinh phí khoảng 245 tỷ đồng. Trong thời gian giãn cách, tỉnh Khánh Hòa đã huy động rất nhiều doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã có đóng góp tích cực để hỗ trợ cho người dân bớt khó khăn. Tỉnh đã lập Trung tâm cứu trợ xã hội để thực hiện ngay nhiệm vụ này, đáp ứng được nhu cầu của người dân khi gặp khó khăn.

Qua quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch thời gian qua, chúng tôi đã đúc kết những bài học kinh nghiệm của tỉnh. Trước hết là sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, từ tỉnh đến cơ sở, và sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đây là bài học sâu sắc được thể hiện trong đợt huy động 6.500 người trong vòng 1 giờ để hỗ trợ 1.300 tổ lấy mẫu xét nghiệm.

Một bài học nữa là các cấp dù ở đâu, ngưởi đứng đầu tập trung chỉ đạo thì ở đó công tác phòng, chống dịch đạt kết quả.

Một vấn đề nữa là công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân cùng tham gia phòng chống dịch bệnh, đây là nhân tốt quyết định thành công trong công tác phòng chống dịch. Người dân thực hiện giãn cách tốt, thực hiện phòng bệnh tốt thì công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao.

Bài học nữa là sự chia sẻ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã nhận được rất nhiều hỗ trợ về cả nhân lực, trang thiết bị y tế, lương thực thực phẩm để giúp cho Khánh Hòa kiểm soát được dịch bệnh.

Bên cạnh đó, công tác truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị phù hợp với tình hình, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, linh hoạt xử lý các tình huống xảy ra. Đó là những nội dung mà tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện trong thời gian vừa qua.

Chúng ta đã chịu một cú sốc lớn nhưng không rơi vào hỗn loạn

Ông đánh giá, nhìn nhận như thế nào về vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận, tích cực chủ động vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống dịch thời gian qua?

Việc thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân vừa khôi phục phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, ông có nhận định gì về những khó khăn, thách thức trong thực hiện mục tiêu này thời gian tới?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta phải khẳng định nếu không có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, không có sự tuân thủ một các nghiêm túc và đặc biệt là sự hợp tác, đồng thuận của người dân trong thời gian vừa qua thì có lẽ công cuộc phòng chống dịch bệnh và duy trì sinh hoạt xã hội và sản xuất chắc chắn sẽ không đạt được kết quả như hiện nay. Chúng ta không chỉ đạt mục tiêu kép, mà còn hướng tới thực hiện đa mục tiêu, có 2 mảng rõ rệt: Mảng thứ nhất là phòng, chống dịch bệnh, thứ hai là duy trì toàn bộ hoạt động của xã hội bao gồm những vấn đề:

Duy trì được hệ thống sản xuất của chúng ta, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, có thể ở mức độ này, mức độ khác, địa phương này, địa phương khác, lĩnh vực này, lĩnh vực khác… còn có những khó khăn nhưng có thể nói, Chính phủ cũng như các địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp vẫn duy trì được những hoạt động căn bản. Chúng ta chỉ chịu dừng lại một số hoạt động mà ở đó chúng ta không có điều kiện để duy trì hoặc dịch bệnh tàn phá nặng nề, còn lại vẫn tiếp tục duy trì sản xuất.

Thứ hai, chúng ta đã biết khi Hà Nội phát hiện bệnh nhân số 17, thì có xu hướng vơ vét tất cả nguồn lực xã hội, tất cả siêu thị tràn ngập người dân mua tích trữ lương thực, nhà nào cũng phòng bị, nhưng đến đợt dịch lần thứ 4, câu chuyện đó không tồn tại nữa. Nhưng lại vướng phải vẫn đề do quá trình phòng, chống dịch lâu dài, dẫn đến thiếu thốn của các hộ gia đình. Lúc đó chúng ta đã tăng cường năng lực an sinh xã hội và sự giúp sức của người dân, cho nên chúng ta đã bảo đảm một phần rất lớn sinh hoạt của người dân và giúp người dân tiếp tục trụ vững.

Tuy nhiên quá trình chống dịch quá lâu dẫn đến một số người dân và đặc biệt là đối tượng nông thôn về đô thị kiếm công ăn việc làm gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta có rất nhiều vấn đề chưa dự báo hết tình hình, thậm chí còn lúng túng, trong đó có việc tập hợp và phân bổ các nguồn lực, kể cả nguồn lực phục vụ cho phòng, chống dịch cũng như nguồn lực phục vụ cho đời sống của người dân. Trung ương đã có chỉ đạo nhưng các địa phương cũng không dự liệu được hết, dẫn đến lúng túng.

Hệ thống y tế chưa dự phòng, dự liệu đến trường hợp dịch càn quét quá nặng nề như giai đoạn này, chúng ta đã bị động. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng có cách làm sáng tạo, Trung ương cũng quyết liệt cho nên chúng ta đã có các Chỉ thị 15, 16 và 19; chúng ta cũng có hai nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết 105 và 116. 2 Nghị quyết vô cùng quý giá, chúng ta thực hiện rất nhiều. Chúng ta cũng thực hiện nhiều biện pháp khác như vấn đề nghiên cứu sản xuất vaccine, ngoại giao vaccine… các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đề cập đến vấn đề vaccine và công nghệ sản xuất vaccine trong cuộc gặp với các phái đoàn.

Chúng ta đã chịu đựng một cú sốc lớn nhưng đã không chấp nhận đóng băng toàn bộ hoạt động xã hội, nếu chúng ta để mạch máu giao thông đứt tức là cơ thể rơi vào trạng thái hôn mê và sẽ chết, chúng ta rất may không rơi vào tình trạng đó, không rơi vào tình trạng hỗn loạn, đây là vấn đề rất tốt đối với khía cạnh quản lý xã hội.

Vấn đề thứ hai, chúng ta rất trân trọng người dân đã đóng góp lớn, không chỉ về công sức mà còn cả sự đồng thuận bằng toàn bộ nguồn lực của mình, vai trò to lớn của các nhà thiện nguyện, các nhà hảo tâm, vượt qua tưởng tượng của chúng ta.

Với tư cách là đại diện cũng như tiếp xúc nhiều ý kiến của cử tri, tôi cho rằng sức mạnh to lớn của người dân đã kịp thời để cho chúng ta duy trì được trạng thái như bây giờ. Và nếu không có điều đó, Chính phủ cũng không có điều kiện để ban hành Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 để dần sớm trở về trạng thái bình thường mới; chúng ta đã giữ ổn định mới bắt đầu từ trạng thái mới.


    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    CẬP NHẬT: Nội dung Tọa đàm "Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới"
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO