Cập nhật Covid-19 ngày 4/8: Toàn cầu vượt 200 triệu ca bệnh; Mỹ tăng sốc hơn 100.000 ca; Hiệu quả của vaccine Pfizer, AstraZeneca và Coronavac

Việt Hà| 04/08/2021 11:53

Baoquocte.vn. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 200,2 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có gần 4,26 triệu ca tử vong và hơn 180,5 triệu bệnh nhân bình phục.

Cập nhật Covid-19 ngày 4/8: Toàn cầu vượt 200 triệu ca bệnh; Mỹ tăng sốc hơn 100.000 ca mắc; Hiệu quả của vaccine Pfizer, AstraZeneca và Coronavac

Tình hình dịch

Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 200 triệu trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, gây những đợt bùng phát mới tại nhiều nước và khu vực.

Theo Worldometers, tính đến 8h ngày 4/8 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận thêm 610.047 ca mắc và 9.747 ca tử vong trong 24 giờ qua.

* Xét theo khu vực, hiện châu Á có số ca mắc cao nhất thế giới, với hơn 62,8 triệu ca mắc và 909.685 ca tử vong. Tổng số ca mắc trong 24 giờ qua là 269.774 ca và 4.500 ca tử vong.

Châu Âu là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới với khoảng 52,8 triệu ca bệnh, nhưng lại đứng đầu thế giới về số bệnh nhân tử vong, 1.136.581 ca.

Đứng thứ ba về số ca nhiễm là Bắc Mỹ với tổng số ca bệnh xấp xỉ 43 triệu, trong đó có 943.024 ca tử vong.

Nam Mỹ ghi nhận hơn 35,6 triệu ca nhiễm virus, trong đó có 1.094.432 ca tử vong, trong đó Brazil vẫn là quốc gia có số ca mắc trong ngày cao nhất với 32.572 ca mắc mới và 1.238 ca tử vong.

Châu Phi và châu Đại Dương lần lượt ghi nhận hơn 6,87 triệu và 109,942 ca nhiễm Covid-19, trong đó số ca tử vong là 173.258 và 1.568 ca.

* Số ca mắc mới tại Mỹ đang gia tăng trở lại, với 104.758 ca nhiễm mới, trong đó có 513 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đến nay, Mỹ ghi nhận hơn 36 triệu người mắc bệnh, tương đương 1/10 dân số, trong đó có 630.497 ca tử vong.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Y tế, số ca mắc mới và nhập viện tại Mỹ chủ yếu là những người chưa tiêm vaccine. Biến thể Delta tiếp tục lây lan nhanh tại Mỹ tạo sức ép lớn hơn đối với các bệnh viện, nhất là tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, cho biết trong 7 ngày qua, số ca mắc trung bình mỗi ngày tại Mỹ đã tăng hơn 40% so với tuần trước.

Đứng thứ hai về số ca nhiễm và tử vong theo ngày là Ấn Độ, với 42.566 ca mắc và 561 ca tử vong, nâng tổng số ca bênh tại nước này lên gần 31,8 triệu ca, trong đó có 425.789 trường hợp không qua khỏi.

Indonesia có số ca mắc bệnh cao nhất khu vực Đông Nam Á, với gần 3,5 triệu người nhiễm, trong đó có 98.889 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 33.900 ca nhiễm và 1.598 ca tử vong.

Tại Malaysia, số ca mắc theo ngày vẫn không giảm, với 17.105 ca mắc mới và 195 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 1.163.291, trong đó có 9.598 ca tử vong.

Thái Lan, số ca mắc mới Covid-19 theo ngày đã vượt mức 20.000 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 672.385 ca.

Bộ Y tế Thái Lan cũng thông báo ghi nhận thêm 188 ca tử vong vì Covid-19, mức cao nhất từ đầu dịch, nâng tổng nạn nhân của căn bệnh nguy hiểm này lên 5.503 người.

Ngày 3/8, Nội các Thái Lan thông qua ngân sách bổ sung 30 tỷ Baht (906 triệu USD) dành hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp thuộc 29 tỉnh áp dụng các biện pháp phong tỏa “vùng đỏ sẫm" để kiểm soát dịch.

Điều trị, vaccine và tiêm chủng

Ngày 3/8, Bộ Y tế Chile công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, vaccine Coronavac ngừa Covid-19 do tập đoàn dược phẩm Sinovac của Trung Quốc bào chế có hiệu quả ngăn ngừa các ca viêm nhiễm có triệu chứng 58,49%, hiệu quả giảm nguy cơ nhập viện là 86%, hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ phải điều trị tích cực là 89% và hạn chế tử vong lên tới 86,38%.

Đối với vaccine của hãng Pfizer (Mỹ), hiệu quả trong việc ngăn ngừa viêm nhiễm có triệu chứng lên tới 87,69%, hiệu quả giảm nguy cơ phải nhập viện là 97,15%, hiệu quả giảm nguy cơ phải điều trị tích cực là 98,29% và có hiệu quả hạn chế 100% bệnh nhân tử vong.

Đối với vaccine của AstraZeneca, tỷ lệ hiệu quả trong việc ngăn ngừa viêm nhiễm có triệu chứng là 68,68%, trong khi hiệu quả đối với tất cả các chỉ số còn lại như trên là 100%.

Tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Cơ quan Quản lý thảm họa và khủng hoảng khẩn cấp quốc gia (NCEMA) thông báo sẽ bắt đầu tiêm mũi vaccine tăng cường chống Covid-19 cho tất cả những công dân đã tiêm phòng xong 2 mũi.

Trong thông báo đăng tải trên mạng xã hội Twitter, NCEMA cho biết, mũi tăng cường sẽ được tiêm trong 3 tháng sau khi tiêm xong mũi thứ 2 đối với những người được coi là có nguy cơ mắc bệnh cao, trong khi đối với những cá nhân khác là sau 6 tháng.

Theo kết quả một nghiên cứu và khảo sát công bố ngày 4/8, chỉ khoảng 30% số người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 tại Anh có nguy cơ nhiễm Covid-19.

Nghiên cứu cũng nhận thấy, những người đã tiêm đủ liều 2 mũi vaccine ít có nguy cơ truyền virus sang những người khác hơn những người chưa tiêm vaccine.

Liên quan thuốc điều trị Covid-19, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết, nước này đang vận động Iran nhượng lại thuốc Remdesivir để sử dụng trong nước.

Theo bà Siti, Remdesivir là một trong 3 loại thuốc điều trị Covid-19 cần nhập khẩu ngay lập tức do nguồn dự trữ hạn chế. Hai loại thuốc khác bao gồm Tocilizumab 400 mg/20 ml và IVig 50 mg.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật Covid-19 ngày 4/8: Toàn cầu vượt 200 triệu ca bệnh; Mỹ tăng sốc hơn 100.000 ca; Hiệu quả của vaccine Pfizer, AstraZeneca và Coronavac
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO