Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã ký Giấy phép xây dựng tượng đài thuộc dự án Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hi sinh ngày 14/6/1972 tại đê Sông Mã, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa.
Tượng đài là sự cô đọng các giá trị lịch sử của di tích với 7 nhân vật biểu đạt cho các đặc trưng của lịch sử với các tư thế khác nhau của thầy cô và học sinh trong diễn biến của quá trình đắp đê dưới cuộc không kích của đế quốc Mỹ ngày 14/6/1972.
Đồng thời, để tri ân những đóng góp, hy sinh của các thầy cô và học sinh (chủ yếu là nữ) các trường y, sư phạm và phổ thông thành phố Thanh Hóa cho công cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Đây cũng là công trình để giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân.
Tượng đài cao 18m, trong đó phần bệ tượng cao 5,25m, tượng đài cao 12,75m; mặt bằng tượng đài có kích thước 7,85x12,72m; diện tích mặt bằng dự án là hơn 2ha; tượng đài bằng đá granit màu trắng; móng tượng đài sử dụng giải pháp móng cọc khoan nhồi - cọc bê tông cốt thép, giằng móng bằng bê tông cốt thép.
Đầu năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh ngày 14/6/1972 tại đê Sông Mã, phường Nam Ngạn.
Tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 125 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách tỉnh là hơn 60 tỷ đồng, vốn ngân sách thành phố Thanh Hóa là gần 65 tỷ đồng.
Đơn vị thể hiện phần mỹ thuật là Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan. Đây là đơn vị thành viên thuộc liên danh đã có hành vi gian lận khi tham gia đấu thầu gói thầu Tư vấn khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc.
Liên quan đến hành vi trên, đơn vị này đã bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong vòng 3 năm, kể từ ngày 9/1 đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước do các cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh Thanh Hóa và các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh Thanh Hóa, chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy định của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật.
Gần 50 năm trước, cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt, đặc biệt là những ngày cuối tháng 4/1972, Mỹ điên cuồng ném bom xuống cầu Hàm Rồng và đê sông Mã, hòng phá hoại tuyến đê trọng yếu này.
Trước tình hình đó, Bộ Thủy lợi chỉ định Thanh Hóa phải mở rộng 3 vị trí đê, trọng điểm số một là đê Nam cầu Hàm Rồng.
Thực hiện chủ trương trên, tỉnh Thanh Hóa quyết định điều động bộ phận cơ giới và 5.000 dân công thuộc 3 huyện, thị xã cùng học sinh 5 trường tại địa phương. Vị trí đắp đê là bờ hữu sông Mã, cách cầu Hàm Rồng 1km.
Tại đây thời khắc định mệnh đã xảy ra, vào ngày 14/6/1972, trên công trường có 2.120 người đang thi công. Đến 9h trên công trường còn khoảng 1.700 người, khoảng 9h10, khi mọi người vẫn đang say sưa làm việc thì máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện ném bom tới tấp, với chiều dài 1km nhưng có tới 24 quả bom dội xuống biến công trường thành một trận cuồng phong.
Trong trận cuồng phong này, 64 giáo viên, học sinh Trường Y sỹ, Trường Sư phạm 7+3 Thanh Hóa, dân công Đông Sơn đã hy sinh, 96 người bị thương. Phần lớn các chàng trai, cô gái ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.
Gần 50 năm đã trôi qua, những thế hệ hôm nay vẫn khắc ghi những chiến công mà các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trên công trường sông Mã năm xưa.