Trung tuần tháng 6/2022, vợ chồng anh Trường Giang (Quận 4, TPHCM) đưa hai con trai - một bé 8 tuổi, một bé 8 tháng tuổi sang châu Âu du lịch. Trong 3 tuần, gia đình nhỏ sẽ tới Thụy Sĩ, Pháp và Đức. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của vợ chồng anh Giang sau Covid-19.
"Chuyến đi gần nhất sang châu Âu của vợ chồng tôi là tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện. So với thời điểm đó, thủ tục nhập cảnh thời điểm này đơn giản hơn rất nhiều. Tại Thụy Sĩ hay Pháp, du khách không còn phải đeo khẩu trang. Ở Đức thì chúng tôi phải đeo khẩu trang khi tham gia phương tiện công cộng", anh Giang cho biết.
Trong tuần đầu tiên, gia đình dành thời gian nghỉ dưỡng tại Thụy Sĩ. Vợ chồng anh Giang đưa các con đến Bern, Zurich, Saint Gallen, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên Interlaken, Wengen. "Đây là khoảng thời gian để cả nhà trốn khỏi xô bồ, ồn ã của Sài Gòn, "trả thù" quãng thời gian chôn chân tại nhà do dịch bệnh", anh Giang chia sẻ.
Gia đình nhỏ tới Interlaken - điểm đến thu hút sau khi xuất hiện trong bộ phim đình đám Hạ cánh nơi anh
Kinh nghiệm đưa con nhỏ đi du lịch châu Âu
Từ năm 2015 đến nay, vợ chồng anh Giang đều đặn đến châu Âu du lịch hai năm một lần. Mỗi chuyến đi, anh chị đều đưa theo con trai để bé được thích nghi môi trường mới, khám phá những điều thú vị cùng cha mẹ.
Chuyến đi này, gia đình có thêm thành viên thứ 4. Rút kinh nghiệm những lần đi du lịch mùa đông quá lạnh giá, chăm bé vất vả, anh chị chọn thời điểm đầu hè. Lúc này, không khí ở Thụy Sĩ không quá lạnh, ở Đức hay Pháp thì chưa nắng nóng gay gắt. Trước chuyến đi, vợ chồng anh Giang tập cho bé uống sữa, ăn dặm đồ hộp - các loại phổ biến tại châu Âu. "Khi sang bên này, vợ chồng mình có thể dễ dàng tìm đồ ăn cho bé ở các siêu thị", anh Giang cho biết.
Anh Giang làm việc tại ngân hàng, bà xã kinh doanh mỹ phẩm. Công việc bận rộn nhưng cuối tuần, anh chị thường chạy xe cả trăm cây số đưa các con ra biển, trải nghiệm thiên nhiên, thay đổi không khí, cả nhà dã ngoại, cắm trại... "Tôi nhận ra, các con có phần năng động hơn, mạnh dạn hơn và thích nghi tốt hơn khi được đi đây đó nhiều. Các chuyến đi ngắn cũng là bước chuẩn bị cho chuyến đi xa", anh cho biết.
Bé trai lớn theo vợ chồng anh Giang du lịch châu Âu từ khi một tuổi
Khó khăn nhất là việc đưa bé di chuyển máy bay nhiều giờ đồng hồ. Gia đình anh bay 3 chặng: TPHCM - Thái Lan, Thái Lan - Áo, Áo - Đức. Sau đó, cả nhà lại đổi xe lửa tới 3 lần mới tới điểm dừng chân ở Thụy Sĩ. "Trên các chặng bay dài, máy bay đều có nôi ngủ cho bé. Chúng tôi cố gắng chọn chuyến bay sao cho trùng giờ ngủ của con. Với các chặng bay ngắn thì bố mẹ tìm cách vỗ về bé, chơi cùng bé và mang theo khá nhiều đồ chơi đề phòng bé quấy khóc", anh cho biết.
Khi tới các thành phố, anh Giang ưu tiên lựa chọn lưu trú gần trung tâm, gần các nhà ga xe lửa, bến xe công cộng để tiện di chuyển và gần các siêu thị để tiện mua đồ ăn. Vợ chồng anh thường thuê căn hộ để có thể chủ động nấu đồ ăn cho con.
Vợ chồng anh Giang mang theo một chiếc xe đẩy đa năng chắc chắn, tiện dụng, có thể gấp gọn để dễ chăm sóc con trai 8 tháng tuổi
Anh Giang bật mí, khi đưa con đi du lịch, anh chị nhận được khá nhiều ưu ái. Gia đình được ưu tiên lên máy bay sớm, sắp xếp nôi cho em bé. Khi tham gia phương tiện công cộng như tàu điện, xe bus, gia đình luôn được ưu tiên nhường chỗ. "Các bác tài lái xe bus rất tâm lý, lái xe vào sát lề đường để chúng tôi dễ dàng đẩy xe đẩy lên", anh chia sẻ.
Có kinh nghiệm đến châu Âu nhiều lần nên vợ chồng anh Giang không du lịch theo tour. Anh tự lên kế hoạch di chuyển. Mỗi ngày, gia đình thường ghé hai điểm đến, chủ yếu dành thời gian cắm trại, dã ngoại bên nhau, tận hưởng thiên nhiên.
Bố con anh Giang nằm nghỉ ngơi, sưởi nắng tại làng cổ Wengen tuyệt đẹp
Vợ chồng anh Giang chuẩn bị kĩ trang phục đông, hè cho các con để các bé không bị sốc nhiệt khi di chuyển qua nhiều địa điểm
Du lịch thời "bão giá"
Anh Giang thừa nhận, so với trước đây, chi phí để du lịch châu Âu thời điểm này tăng rất nhiều. "Giá vé máy bay tăng gấp 3 lần. May mắn là tôi đặt vé sớm, chấp nhận dừng nhiều chặng để có mức giá phù hợp", anh Giang cho biết. Di chuyển tại Đức, Pháp, Thụy Sĩ, gia đình chủ yếu sử dụng phương tiện công cộng. "Giá xăng tại đây lên tới 50.000 đồng/lít, nếu di chuyển taxi thì vô cùng đắt đỏ", anh Giang nói.
Về ăn uống, gia đình ưu tiên thuê căn hộ, chủ động mua đồ ở siêu thị và nấu ăn đơn giản cho gia đình. Nếu ăn các món ngon đặc sản, anh chọn các nhà hàng bản địa không quá đắt đỏ.
Gia đình anh Giang thưởng thức một bữa ăn tại Bern, Thụy Sĩ
Cả nhà ưu tiên di chuyển bằng phương tiện công cộng
"Xác định trước đây là thời điểm bão giá tại châu Âu nên tôi sớm lên kế hoạch về việc chi tiêu. Tôi đặt vé, phòng sớm và thanh toán qua thẻ tín dụng theo hình thức trả góp hoặc trả một lần. Khi ra ngoài, hai vợ chồng mang lượng tiền mặt giới hạn, đề phòng trộm cắp. Thẻ tín dụng thì tôi luôn khóa, khi sử dụng thì phải mở app trên điện thoại di động. Tôi từng suýt bị trộm, cướp đồ tại Ý, Pháp nên luôn cẩn trọng", anh Giang chia sẻ kinh nghiệm.
Dù chuyến đi tốn kém chi phí nhưng vợ chồng anh Giang rất hài lòng. Đây là khoảng thời gian để anh chị giải tỏa áp lực công việc, dành trọn vẹn thời gian bên con. "Tôi tâm niệm, đi một ngày đàng học một sàng khôn. Do đó, chỉ cần có cơ hội, vợ chồng tôi sẽ đưa con đi cùng. Các bé sẽ được tiếp xúc với những môi trường sống, văn hóa khác nhau, đa dạng trên thế giới", ông bố Sài Gòn tâm sự.
Gia đình nhỏ dã ngoại tại Stuttgart, Đức