Cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ 5 năm 1 lần: Tránh biến tướng, trục lợi

Thùy Linh| 29/10/2022 08:05

Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này với nhiều thay đổi tích cực, tác động trực tiếp đến từng người bệnh và nhân viên y tế. Đặc biệt, thay vì cấp chứng chỉ hành nghề có giá trị vĩnh viễn, Luật KCB (sửa đổi) quy định người hành nghề phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong quá trình hành nghề.

Cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ 5 năm 1 lần: Tránh biến tướng, trục lợi
Bác sĩ nha khoa khám cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Linh

Thực tế: Có những bác sĩ không chịu cập nhật kiến thức

Trao đổi với phóng viên Lao Động, các chuyên gia y tế đều cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề và gia hạn 5 năm 1 lần là hết sức cần thiết. Đây là một thông lệ quốc tế, hầu hết các quốc gia đều áp dụng quy định này. Đối với nhân viên y tế, bác sĩ, muốn hành nghề phải có chứng chỉ hành nghề, chỉ cấp trong 5 năm. Nguyên nhân là nếu trong 5 năm không cập nhật kiến thức y khoa, thì kiến thức đó sẽ hao hụt đi, sẽ giảm đi một nửa, thậm chí là quên đi mất. Vì vậy, bắt buộc các bác sĩ phải cập nhật kiến thức, bằng hình thức đào tạo liên tục.

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn phân tích: Trong 5 năm, bác sĩ bắt buộc phải tham gia đào tạo với 200 tiết học, nếu không đủ thì sẽ không được cấp chứng chỉ hành nghề, không được khám chữa bệnh nữa mà phải chuyển sang công việc khác. Việc này áp dụng với tất cả các đối tượng là những người tham gia khám chữa bệnh, kể cả giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ thông thường..., nếu không đủ 200 tiết học thì sẽ không được cấp chứng chỉ hành nghề, không được trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân.

Bởi vì, y tế là một ngành rất đặc biệt, liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người, trong khi đó, kiến thức y khoa thay đổi liên tục, vì vậy đòi hỏi cần phải được cập nhật liên tục bằng hình thức đào tạo đó. Bên cạnh đó, cũng có những hình thức chuyển đổi như tham gia đi giảng dạy, đi dự hội thảo, tham gia nghiên cứu khoa học... thay cho việc đi học. Ở các quốc gia, họ quy định rõ cơ sở đào tạo, các hội nghị, các nghiên cứu nào đủ điều kiện đào tạo liên tục, từ đó có cơ sở cấp chứng chỉ đào tạo liên tục.

"Thực tế có những bác sĩ không chịu cập nhật kiến thức, chỉ khám chữa bệnh hằng ngày và cho rằng mình thừa kinh nghiệm rồi"- bác sĩ Phúc nói.

Bệnh viện Việt Đức từng phải tiếp nhận nhiều ca phẫu thuật không thành công ở bệnh viện tuyến tỉnh gửi về, dù các bác sĩ đều đã được đào tạo chính quy, nhưng lại không cập nhật kỹ thuật mới. GS-TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - cho rằng, bác sĩ cần phải được đào tạo lại liên tục, để nâng cao tay nghề, bởi nghề y là nghề đòi hỏi phải liên tục cập nhật những tiến bộ khoa học.

Còn theo bác sĩ Trần Văn Phúc, kiến thức y khoa sẽ mòn đi theo năm tháng, cuối cùng họ sẽ trở nên lạc hậu lúc nào không biết, vì không chịu cập nhật. "Trong điều kiện y tế nước ta đã bắt kịp với các nước trên thế giới, thì không có lý do gì chúng ta không áp dụng việc gia hạn chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ 5 năm 1 lần. Việc này là rất cần thiết. Chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn sẽ là lạc hậu"- bác sĩ Phúc nói.

Khi cấp chứng chỉ hành nghề theo hình thức mới, gia hạn 5 năm 1 lần, các chuyên gia y tế cho rằng Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề "biến tướng". Điều đáng sợ nhất, theo bác sĩ Phúc là khi các cơ sở y tế không đủ điều kiện đào tạo liên tục nhưng vẫn ồ ạt mở ra đào tạo liên tục.

"Với số lượng y bác sĩ trên toàn quốc rất lớn, không thể có một hoặc một vài trường đại học có đủ khả năng đào tạo liên tục cho các bác sĩ, vì vậy, các bệnh viện cũng sẽ tham gia đào tạo cấp chứng chỉ đào tạo liên tục. Khi đó, có nhiều cơ sở y tế không đủ khả năng vẫn cứ đào tạo, làm không đến nơi đến chốn, không cập nhật được kiến thức y khoa mới, chỉ làm hình thức cho xong thì sẽ lợi bất cập hại"- bác sĩ Phúc nhận định.

Sự trục lợi cũng sẽ xuất hiện nếu không quản lý tốt. Bác sĩ Phúc nói thêm: Ở các nước Châu Âu, Mỹ... đã có tình trạng đào tạo liên tục trở thành miếng bánh béo bở, trở thành hình thức kinh doanh, nhiều người lợi dụng nó để kiếm chác. "Việt Nam cần nhìn xa hơn. Phải làm thế nào để việc đào tạo liên tục không trở thành gánh nặng đối với ngành y tế, không trở thành gánh nặng đối với mỗi một y bác sĩ"- bác sĩ Phúc khẳng định.

Làm sao để không gây khó khăn cho các bác sĩ

Đối với các y bác sĩ ở các thành phố lớn, các trung tâm, việc đào tạo liên tục sẽ không gặp nhiều khó khăn. Nhưng đối với các y bác sĩ ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, ở các địa phương, các trạm y tế xã... thì phải đi đâu để được đào tạo liên tục? Trong vòng 5 năm, họ cần học 200 tiết học, số ngày đi học không phải là ít, nếu tính 1 ngày đi học 8 giờ, thì bác sĩ sẽ mất khoảng 25 ngày để có thể hoàn thành 200 tiết học, dù trên thực tế, không có ai học 8 tiếng/ngày. Đây là một con số đáng suy nghĩ, khi ở các vùng này, điều kiện rất khó khăn.

Vậy để được đào tạo liên tục, khi các bác sĩ đi học thì chi phí lấy ở đâu ra? Lương bác sĩ đã thấp, cũng không có nhiều các khoản đãi ngộ, không có chi phí dành riêng đào tạo... vậy thì phải bỏ tiền túi ra hay lấy ngân sách nhà nước để được đào tạo liên tục? "Chưa kể đi học sẽ kéo theo tiền xe cộ đi lại, tiền ăn, tiền ở... đều rất tốn kém. Vì vậy, điều quan trọng, là chúng ta phải nhìn xa hơn, phải làm sao để đào tạo liên tục không bị biến tướng thành một hình thức trục lợi"- bác sĩ cũng nói thêm.

"Khi cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm 1 lần, không thể phủ nhận nguy cơ dẫn đến cơ chế xin - cho, ban phát. Điều này dễ làm nảy sinh tiêu cực, biếu xén, phong bì, đút lót, mua bán... Tất cả đều phải được lường trước và có giải pháp ngăn chặn"- bác sĩ Phúc nói.

Đồng quan điểm này, PGS-TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - cho rằng: "Vấn đề cụ thể là sau 5 năm, Bộ Y tế sẽ yêu cầu các thầy thuốc cần các điều kiện gì để được gia hạn chứng chỉ hành nghề. Việc này phải có quy định cụ thể, mức độ ra sao, với các tiêu chí rõ ràng. Nếu không, việc gia hạn chứng chỉ hành nghề sẽ lại có nguy cơ thành 1 vòng luẩn quẩn, rồi sẽ lại xuất hiện tiêu cực, các thầy thuốc lại phải tìm cách "chạy chọt" để được gia hạn chứng chỉ hành nghề đúng thời gian, nhanh nhất...".

PGS Phú cho rằng, bản thân các bác sĩ, nhân viên y tế cần tham gia đào tạo liên tục để được duy trì giấy phép hành nghề. "Và thực tế, không có bác sĩ nào hành nghề không tự cập nhật kiến thức"- ông nói.

Thêm một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia đặt ra trong mấy ngày gần đây, đó là liệu có nên thành lập một Hội đồng Quốc gia để cấp chứng chỉ đào tạo liên tục hay không? Hay là chuyển nhiệm vụ đó sang các hội nghề nghiệp như Hội Ngoại khoa, Hội Chẩn đoán hình ảnh, Hội Sản khoa... sẽ đảm nhiệm vấn đề đào tạo liên tục, đảm nhiệm vấn đề cấp chứng chỉ.

"Vấn đề này tôi cho rằng, cần phải bàn thêm nữa, có các ý kiến của các chuyên gia, cân nhắc để chọn xem hình thức nào phù hợp, thay vì tập trung ở một hội đồng, sẽ dẫn đến quá tải, sẽ phải chờ đợi, nảy sinh nhiều vấn đề khác. Nên chăng có một Cổng thông tin để tất cả các bác sĩ có thể tự cập nhật tất cả các thông tin mà họ đã thu thập được về thời gian đào tạo liên tục, sau 5 năm, nếu họ đủ điều kiện thì có thể tự động gia hạn chứng chỉ để tiếp tục hành nghề, thay vì đi qua một Hội đồng thẩm định, mất thời gian, dễ nảy sinh tiêu cực. Vì nếu bác sĩ không đủ 200 tiết học đào tạo liên tục cập nhật kiến thức y khoa thì không được phép hành nghề"- bác sĩ Phúc nói.

"Chúng ta hoàn toàn làm được. Chỉ có điều làm sao để thuận lợi hơn, tránh đào tạo liên tục trở thành hình thức kinh doanh, trục lợi, thay vì mục đích cao nhất là nâng cao chất lượng chuyên môn y tế"- bác sĩ Trần Văn Phúc khẳng định.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/xa-hoi/cap-chung-chi-hanh-nghe-bac-si-5-nam-1-lan-tranh-bien-tuong-truc-loi-1110485.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/xa-hoi/cap-chung-chi-hanh-nghe-bac-si-5-nam-1-lan-tranh-bien-tuong-truc-loi-1110485.ldo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ 5 năm 1 lần: Tránh biến tướng, trục lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO