Ngày 31/7, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai thông tin UBND tỉnh này và UBND Lâm Đồng đã có cuộc họp thảo luận, thống nhất về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và xác định mốc thời gian khởi công dự án cao tốc này vào tháng 9 tới.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh nhà đầu tư dự án), cho biết, trong tháng 9 sẽ bắt đầu triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc.
Theo tờ trình UBND tỉnh Lâm Đồng gửi Thủ tướng, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc do nhà đầu tư đề xuất dự án là liên danh đầu tư gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung (Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đại diện liên danh nhà đầu tư).
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (cùng với Dầu Giây - Tân Phú và Bảo Lộc - Liên Khương).
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 67km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng (trong đó qua địa bàn Đồng Nai dài 11km). Điểm đầu nối với cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, điểm cuối tại Km 216, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, với tổng mức đầu tư của dự án là 17.200 tỷ đồng.
Để triển khai dự án, sẽ có khoảng 455ha đất phải thu hồi. Trong đó Đồng Nai có khoảng 81ha, còn Lâm Đồng khoảng 374ha. Có hơn 186ha rừng phải chuyển đổi mục đích.
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP ngày 10/11/2022.
Giai đoạn 1, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có nền đường rộng 17m, với 4 làn xe, bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp không liên tục, với khoảng cách 4 - 5km/vị trí. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2026.
Giai đoạn 2 sẽ đầu tư hoàn thiện cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc rộng 22m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục, dự kiến thực hiện sau năm 2035.
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang với UBND tỉnh Lâm Đồng sáng 31/7, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, đề nghị Phó Thủ tướng quan tâm thúc đẩy các bộ ngành tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy dự án cao tốc.
Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp tăng khả năng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; Thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng và giúp giảm tải cho quốc lộ 20 hiện tại. Đặc biệt giúp phương tiện qua lại đèo Bảo Lộc thuận tiện hơn trong mùa mưa.