Cao tốc giới hạn tốc độ 80km/h: Khách mất thời gian, xế tốn xăng

07/11/2023 06:12

Bộ GTVT đã điều chỉnh lại quy hoạch, tiêu chuẩn đường cao tốc và trong quý 1/2024 sẽ thay đổi tốc độ tối đa nhiều tuyến cao tốc từ 80 lên 90 km/h.

Tại phiên chất vấn diễn ra vào chiều 6/11, Đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Quảng Bình) đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giải trình về quy định tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc. Trong đó, có nhiều tuyến cao tốc chỉ cho đi tối đa 80km/h trong khi trên Quốc lộ 1A có đoạn lại cho đi tối đa 90km/h.

Trên thực tế, thời gian vừa qua hàng loạt đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam mới được đưa vào khai thác như: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Nha Trang - Cam Lâm đều bị giới hạn tốc độ, chỉ được chạy tối đa 80km/h.

Thậm chí tại một số đoạn như Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên, Nội Bài - Lào Cai (đoạn từ Yên Bái lên Lào Cai không có dải phân cách cứng ở giữa), tốc độ khai thác tối đa chỉ 50-60km/h.

Với việc giới hạn tốc độ này, các xe di chuyển còn chậm hơn cả trên Quốc lộ 1A gây nhiều ức chế cho tài xế. Nhiều ý kiến cho rằng quy định tốc độ như vậy chưa tương xứng với đường cao tốc.

cao-toc-mai-son-ql45.jpg
Tuyến cao tốc Hà Nội - Thanh Hóa có giới hạn tốc độ tối đa 80km/h. (Ảnh: N.Huyền)

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết ông từng đi thử xe khách từ Hà Nội - Vinh bằng đường cao tốc. Đường vắng, đẹp, xe đi ban đêm nhưng bị giới hạn tốc độ nên thời gian di chuyển không như kỳ vọng.

“Đường cao tốc mà bị giới hạn tốc độ chạy còn chậm hơn Quốc lộ 1A là sự vô lý, gây lãng phí thời gian đối với hành khách và lãng phí xăng dầu đối với doanh nghiệp vận tải”, ông Liên nói.

Là người thường phải di chuyển trên tuyến Hà Nội - Thanh Hoá, anh Thanh Hải (Hà Nội) thắc mắc: Đã là cao tốc thì phải đạt chuẩn với tốc độ 100 - 120 km/h chứ? Tại sao nhiều tuyến lại chỉ quy định tốc độ tối đa 80 km/h?

Anh Hải cho rằng, điều này dẫn đến tình trạng không phải xe nào cũng chạy tốc độ tối đa mà đường lại chỉ có 2 làn xe nên nếu xe trước đi chậm thì cả đoàn phải bám đuôi chạy "rùa bò" đằng sau.

Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc gồm 4 giới hạn lần lượt từ 120 km/h, 100 km/h, 80 km/h và thấp nhất là 60 km/h. Việc quy định tốc độ cho từng tuyến đường phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật.

Theo đó, nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, theo quy hoạch có thể chạy 120 km/h như Hạ Long - Móng Cái hay Hà Nội - Hải Phòng; hay cùng tuyến mà đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ chạy 100 km/h còn Cầu Giẽ - Ninh Bình chạy 120 km/h. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, chỉ cần thêm yếu tố độ nhám là có thể từ 100 lên 120 km/h.

Bộ trưởng GTVT cho biết, từ đầu năm 2023 đã cho nghiên cứu xem tiêu chuẩn đã đáp ứng, phù hợp thực tế chưa. Qua đó cho thấy các tuyến đường hiện quy định 80 km/h có thể nâng lên 90 km/h. Các dải tốc độ lớn hơn vẫn phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Do đó, Bộ GTVT đã điều chỉnh lại quy hoạch, tiêu chuẩn đường cao tốc và trong quý 1/2024 sẽ thay đổi tốc độ tối đa các tuyến cao tốc từ 80 lên 90 km/h.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia giao thông cho rằng, nếu điều kiện cho phép thì nên nâng tốc độ để tránh lãng phí đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác, đồng thời phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Bởi vì trên thực tế, tại Nhật Bản, nhiều tuyến đường hẹp với 4 làn xe, chiều rộng 3,5m hai làn mỗi bên, không có làn dừng khẩn cấp, vẫn cho tốc độ xe chạy tối đa 100 km/h, tối thiểu 60 km/h mà vẫn đảm bảo an toàn giao thông và rất hiếm khi xảy ra tai nạn.

Trước đó, Bộ GTVT cho biết,  trong bối cảnh nguồn lực kinh tế còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến với mặt cắt ngang 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Theo giải thích của Bộ GTVT, các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đã được xây dựng theo điều kiện khai thác với tốc độ 100 - 120 km/h khi hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trước mắt ở giai đoạn phân kỳ đầu tư với 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp toàn tuyến nên hạn chế tốc độ 80 km/h để đảm bảo an toàn giao thông.

Sau một thời gian đưa vào khai thác một số đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề xuất cho phép nâng tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc 4 làn xe hạn chế đã và sắp đưa vào khai thác lên 90km/h với một số loại xe, thay vì 80 km/h như hiện nay.

Cụ thể, với các tuyến cao tốc 4 làn xe hạn chế đã đưa vào khai thác như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cục Đường cao tốc kiến nghị nâng tốc độ tối đa lên 90 km/h đối với xe con, xe khách đến 30 chỗ (trừ xe buýt), xe tải đến 3,5 tấn. Các loại xe còn lại vẫn chạy theo tốc độ tối đa 80km/h như hiện nay.

Riêng đối với đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn do có một số đoạn cầu và đường đầu cầu không có dải phân cách giữa nên giữ nguyên tốc độ tối đa 80km/h như hiện nay.

Với các đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang xây dựng, chuẩn bị đưa vào khai thác với quy mô 4 làn xe hạn chế như: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm… Cục Đường cao tốc kiến nghị phương án tổ chức giao thông để nâng tốc độ tối đa lên 90km/h đối với một số loại xe.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cao tốc giới hạn tốc độ 80km/h: Khách mất thời gian, xế tốn xăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO