Cao tốc còn thiếu tiện ích, thu phí có hợp lý?

16/08/2023 08:35

Với những cao tốc do Nhà nước đầu tư nhưng tốc độ giới hạn 80 km/h, thiếu tiện ích, thậm chí tắc đường thường xuyên, nếu người dân vẫn phải trả phí thì rất bất hợp lý.

Bộ GTVT mới có tờ trình đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Theo Bộ GTVT, do yêu cầu ngân sách Nhà nước cho đầu tư mới đường cao tốc rất lớn nên việc xây dựng chính sách để ngân sách có nguồn dành cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết. Bên cạnh đó, khi các đường cao tốc hoàn thành cần nguồn tiền bảo trì nhằm duy trì điều kiện kỹ thuật. Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau.

Bạn đọc An Bui Quoc cho rằng, nếu thu phí đường cao tốc thì phải làm cho ra đường cao tốc. Cao tốc mà giới hạn tốc độ 80km/h, thiếu tiện ích (không trạm dừng nghỉ, không làn dừng khẩn cấp), có tuyến tắc đường liên tục thì không bằng quốc lộ cũ. Trong khi đó, người dân đã đóng tiền thuế, phí cầu đường, nếu tiếp tục thu phí nữa là "phí chồng phí".

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế thì việc thu phí là cần thiết để tái đầu tư cho các dự án khác (làm thêm đường mới) nhằm mục đích phát triển KT-XH.

Như vậy, với những tuyến đường Nhà nước xây dựng mới hoàn toàn, không trên nền đường hiện hữu, không phải đường độc đạo thì nên tổ chức thu phí. Mức thu phí tối thiểu bằng số tiền để phục vụ cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa con đường đó. Mức tối đa không quá mức giá mà các dự án BOT đã thu.

“Tất nhiên, phải cân nhắc tính toán, thông thường nên thấp hơn BOT nhưng cao hơn mức tối thiểu để đủ đảm bảo công tác bảo trì, bảo dưỡng”, ông Tạo nói.

Đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư đang được nhiều người quan tâm. (Ảnh minh hoạ) 

Trước ý kiến cho rằng thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là "phí chồng phí", ông Tạo cho rằng, chuyện này xảy ra nếu thu phí bảo trì đường bộ rồi lại tiếp tục lắp đặt trạm thu phí ở Quốc lộ 1 hay một số tuyến đường tỉnh, còn ở đây là thu phí với những tuyến mới hoàn toàn.

Ở góc độ pháp lý, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng vấn đề này chưa quy định trong luật. Đề xuất thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư không đúng với các quy định đã ban hành.

“Ngân sách được thu từ thuế của người dân, tiền đó của người dân thì phục vụ lại cho người dân. Bây giờ tại sao chúng ta lại tiếp tục thu thêm phí? Người dân, doanh nghiệp đã nộp thuế để làm đường, giờ lại tiếp tục thu thì khác gì các dự án BOT, khác gì phí chồng phí?”, ông Thanh nêu vấn đề.

Theo ông Thanh, dù cơ quan soạn thảo đưa ra một số lý giải cho đề xuất thu phí (ngân sách khó khăn; cần vốn để tái đầu tư xây dựng đường mới; phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng) nhưng hằng năm các phương tiện đều phải đóng phí bảo trì đường bộ. "Do đó nói thu phí để sử dụng cho những công việc ấy tôi thấy không thuyết phục”, ông Thanh nói.

Trong trường hợp quyết tâm thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, ông Thanh cho rằng cần phải điều chỉnh lại các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, mức thu không thể ngang bằng với các dự án BOT. Bởi vì mức phí ở các dự án BOT đưa ra dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có nguồn vốn tư nhân bỏ ra đầu tư.

“Với các tuyến đường do Nhà nước đầu tư, chỉ nên thu một phần nào đó. Mức thu cụ thể như thế nào thì cần các nhà kinh tế tính toán cụ thể”, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cao-toc-con-thieu-tien-ich-thu-phi-co-hop-ly-2177698.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/cao-toc-con-thieu-tien-ich-thu-phi-co-hop-ly-2177698.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cao tốc còn thiếu tiện ích, thu phí có hợp lý?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO