Cưỡng chế trường hợp không chấp hành chính sách bồi thường
UBND tỉnh Bình Định thông tin việc triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua thị xã Hoài Nhơn và huyện Hoài Ân, đã thực hiện được khối lượng rất lớn.
Tuy nhiên, phần khối lượng còn lại có tính chất phức tạp. Trong đó, thị xã Hoài Nhơn, công tác GPMB, bố trí tái định cư còn chậm hơn so với nhiều địa phương khác của tỉnh.
Đến nay, Hoài Nhơn đã bàn giao mặt bằng tuyến chính cho chủ đầu tư khoảng 92%, giao đất tái định cư đạt gần 90%, giải ngân được khoảng 880 tỷ đồng đạt tỷ lệ 61% vốn cấp.
Trong khi đó, huyện Hoài Ân đã hoàn thành phê duyệt 100% phương án bồi thường GPMB, tuy nhiên tỷ lệ bàn giao mặt bằng (hơn 92%) và giải ngân vốn (gần 50%), vẫn còn rất thấp.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ GPMB, đảm bảo hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng chậm nhất đến ngày 30/8.
Các địa phương phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án 2, 85 giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường GPMB, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.
Tỉnh cũng nêu quan điểm kiên quyết với những trường hợp các hộ dân cố tình không chấp hành phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đã được cấp thẩm quyền phê duyệt thì củng cố hồ sơ, thủ tục, lập và triển khai kế hoạch cưỡng chế (hoặc bảo vệ thi công), đảm bảo yêu cầu tiến độ dự án.
Thi công không liên tục do vướng đất rừng tự nhiên
Tại Bình Định, gói thầu 11, dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn có tổng chiều dài hơn 23,5km do Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhận. Tại đây nhà thầu thi công đang gặp khó khăn vì thiếu mặt bằng, nguyên liệu…
Thiếu tá Hồ Sỹ Biên, Phó Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 5 (dự án cao tốc thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn), cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thi công không được liên tục, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án do GPMB chưa xong.
"Phần lớn là vướng vật kiến trúc, nhà cửa, hạ tầng kỹ thuật nên đơn vị thi công phải đi đường vòng, ảnh hưởng đến môi trường, hạ tầng của địa phương cũng như tốn thêm kinh phí cho nhà thầu", ông Biên nói.
Ông Biên cho biết thêm, cao tốc đi qua rừng tự nhiên, khoảng 3km đoạn giáp ranh huyện Phù Mỹ với huyện Hoài Ân, cũng là một khó khăn.
Tuy nhiên, hiện chỉ giải phóng được trong phạm vi 55m, trong khi nguồn tận dụng vật liệu, đất đá nằm chủ yếu ở khu vực này nên nhà thầu gần như bế tắc, đặc biệt là vật liệu tận dụng. Bởi giai đoạn này vốn được chỉ định bắt buộc sử dụng vật liệu tận dụng.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho rằng việc chậm hoàn thành GPMT tuyến chính do chủ đầu tư Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) cùng đơn vị tư vấn tiến hành cắm cọc, bàn giao đều phát sinh diện tích tăng thêm. Vì vậy, địa phương phải làm lại công tác thống kê bồi thường như lúc ban đầu.
"Để hoàn thành GPMB sẽ có những khó khăn, đặc biệt đối với phần đền bù nhà, đất ở vì ảnh hưởng đến đời sống an sinh, quyền lợi của người dân. Bởi vậy, khi thực hiện ngoài các quy định của pháp luật, còn sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm sẽ hoàn thành các khu tái định cư, GPMB tuyến chính cho chủ đầu tư theo đúng tiến độ đề ra", ông Phong nói.