Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. (Nguồn: Nasdaq) |
Ngày 13/7, Thủ tướng Australia Anthony Albanese bày tỏ hoan nghênh việc Mỹ tăng cường can dự ở khu vực Thái Bình Dương để đảm bảo phương Tây tiếp tục là đối tác an ninh được lựa chọn của các quốc đảo trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn đài ABC, ông Albanese tiết lộ đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden về tăng cường sự hiện diện khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Nhật Bản, trong cuộc họp nhóm Bộ tứ Quad vào tháng 5.
Ông Albanese nói: “Chúng tôi hoan nghênh Mỹ tăng cường hỗ trợ và hiện diện ngoại giao, tăng cơ sở hạ tầng, đầu tư và tất nhiên, lập trường của chính quyền Biden về biến đổi khí hậu… Tôi hoan nghênh Mỹ tái can dự mạnh mẽ nhiều hơn vào khu vực Thái Bình Dương láng giềng của chúng tôi”.
Nhà lãnh đạo Australia nhấn mạnh, nước này và Mỹ muốn đảm bảo với các quốc đảo Thái Bình Dương rằng, hai nước muốn tiếp tục là đối tác an ninh được lựa chọn của các quốc gia này.
Trước đó, truyền thông Australia cho biết, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thông báo tài trợ 600 triệu USD cho Thái Bình Dương tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương ở Fij ngày 12/7.
Ngoài ra, Mỹ sẽ mở hai đại sứ quán mới trong khu vực, một ở Tonga và một ở Kiribati, cũng như đưa ra cam kết chống đánh bắt bất hợp pháp và hỗ trợ chống lại biến đổi khí hậu, vốn được Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương coi là mối đe dọa an ninh quan trọng nhất mà khu vực phải đối mặt.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng phụ trách khu vực Thái Bình Dương Pat Conroy của Australia cho biết, Canberra sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở các quốc đảo Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, theo ông Conroy, có hai vấn đề quan ngại thường thấy ở các dự án của Trung Quốc, đó là chất lượng kém và thiếu sự tham gia của lao động địa phương, vì vậy, quan chức này đưa ra điều kiện rằng, Bắc Kinh phải nâng cao chất lượng các dự án và thuê thêm lao động địa phương.
Vào tuần trước, sau cuộc gặp với người đồng cấp Australia Penny Wong, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng bày tỏ mong muốn của Bắc Kinh được hợp tác nhiều hơn với Australia, New Zealand và các nước khác trong khu vực Nam Thái Bình Dương.