Cạnh tranh cung cấp trợ lý thông minh trên ô tô

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)| 12/01/2023 19:16

Tại thị trường Việt Nam, những năm gần đây cuộc đua cung cấp trợ lý thông minh giữa các hãng xe hơi ngày càng sôi động. Cũng từ đó, mở ra cơ hội cho người dùng được hưởng lợi.

Sôi động thị trường ô tô

Theo số liệu từ các báo cáo bán hàng của Hiệp hội Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), kết thúc 11 tháng đầu năm 2022, người Việt đã tiêu thụ 459.871 xe ôtô các loại, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu này chưa bao gồm doanh số của một số hãng lớn không công bố thông tin như Nissan, Volkswagen, Subaru, Mercedes-Benz, Audi, Volvo hay Jaguar Land Rover.

Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh sau đại dịch, thu nhập bình quân đầu người tăng cao (ước đạt 3.869 USD/người/năm). Nhu cầu sử dụng ô tô để đi lại, du lịch của người dân cũng tăng mạnh.

Đồng thời, sự chuyển biến trong xu hướng mua sắm xe của người tiêu dùng cũng thể hiện rõ rệt khi thị hiếu dần chuyển sang các mẫu xe gầm cao nhiều hơn với nhiều ưu việt hơn so với những chiếc sedan. Những mẫu ô tô với “ngoại hình” bắt mắt, được trang bị nhiều tiện ích thông minh, giúp lái xe an toàn và giá bán hợp lý cũng được người tiêu dùng “để ý” hơn.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ô tô ngày càng “am hiểu” thị trường Việt, liên tục trình làng các sản phẩm xe hơi mới nhất, phù hợp với túi tiền và thị hiếu của người dùng. Trong đó, phải kể đến sự phát triển mạnh của các dòng xe SUV, MPV phổ thông như: Mitsubishi Xpander, Suzuki Ertiga, Toyota Avanza, hay sự xuất hiện của những “tân binh” như Toyota Veloz Cross, Hyundai Stargazer, Kia Carens…

Tính đến Tháng 11/2022, trong số các thương hiệu có mặt tại thị trường Việt Nam, hãng xe Nhật Bản - Toyota dẫn đầu với gần 81.500 xe đã giao đến tay khách hàng Việt. Đứng thứ hai là Hyundai với doanh số đạt 72.037 xe.

Tập đoàn ôtô Hyundai cùng Tập đoàn Thành Công (TC Group) chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động nhà máy Hyundai Thành Công số 2 tại Ninh Bình. THACO AUTO cũng cho thấy bước tiến mới trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô khi đưa vào lắp ráp các mẫu xe sang BMW 3-Series, 5-Series, X3 và X5 tại khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). VinFast đưa vào hoạt động xưởng sản xuất pin nằm trong tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô điện của hãng tại Việt Nam. Toyota Việt Nam mạnh dạn chuyển đổi từ nhập khẩu sang lắp ráp 2 mẫu xe là Veloz Cross và Avanza Premio…

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu ô tô của Việt Nam năm 2025 có thể tăng lên khoảng 800.000-900.000 xe và năm 2030 vào khoảng 1,5-1,8 triệu xe. Đây là những con số cực kỳ hấp dẫn, khiến thị trường Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều hãng xe trên thế giới.

Trước cơ hội và thách thức, nhiều chuyên gia nhận định, khi thị trường tăng trưởng nhanh, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư bài bản, quy mô lớn. Cuộc đua trang bị, tính năng thông minh trên ôtô sẽ khiến cho cuộc đua thị phần của các hãng xe ngày càng sôi động.

Cuộc đua trợ lý thông minh

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã góp phần thúc đẩy nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Những trợ lý thông minh với khả năng giao tiếp tự nhiên, có thể thực hiện nhiều tác vụ, kết nối và điều khiển nhiều thiết bị đã làm thay đổi thói quen của nhiều người dùng trên khắp thế giới.

Là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, trợ lý thông minh nói chung và những sản phẩm với tính địa phương hóa cao như trợ lý tiếng Việt chính là một trong những yếu tố cạnh tranh mới giữa các hãng xe, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đua trang bị của thị trường ôtô ngày càng sôi động.

Với ôtô, một số hãng xe sang đã phát triển trợ lý thông minh riêng để trang bị trên các dòng sản phẩm của mình như: BMW có trợ lý Intelligent Personal Assistant, Mercedes-Benz có trợ lý MBUX Voice Assistant,....

Còn các mẫu xe đến từ thương hiệu phổ thông thì có trợ lý do bên thứ ba phát triển như Google Assistant hay Apple CarPlay, thông qua kết nối Android Auto và Apple CarPlay với điện thoại thông minh.

Trên thế giới nói chung, trợ lý AI trên xe ô tô là cuộc đua giữa hai “ông lớn” iFlytek của Trung Quốc và Cerence đến từ Mỹ.

Tại thị trường Việt Nam, thực tế, việc sử dụng trợ lý thông minh vẫn còn nhiều hạn chế với người dùng Việt, trên hầu hết thiết bị nói chung và ôtô nói riêng. Hạn chế này chủ yếu đến từ khả năng nhận diện, xử lý giọng nói và ngôn ngữ địa phương. Các trợ lý thông minh ngoại chưa thực sự giúp ích được người dùng Việt bởi những hạn chế về ngôn ngữ, giao tiếp.

Nhận thấy tiềm năng lớn của việc tích hợp trợ lý tiếng Việt dành riêng cho người Việt, nhiều hãng màn hình đã có những động thái tiên phong, tích hợp trợ lý tiếng Việt trên xe để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường ô tô tại Việt Nam.

Một trong những trợ lý giọng nói tiếng Việt phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến là Kiki. Cuối tháng 12/2022, trợ lý giọng nói tiếng Việt này đã cán mốc 200.000 ngàn lượt cài đặt và sử dụng trên xe ô tô.

Ưu thế lớn nhất của Kiki là khả năng xử lý tiếng Việt tốt, hiểu thói quen và văn hóa giao tiếp bản địa,... Bên cạnh đó, giọng nói của Kiki cũng được đánh giá là tự nhiên, giống với tiếng nói của người thật.

Khi Việt Nam không thuộc thị trường được các hãng xe lớn ưu tiên địa phương hóa cao, thì trợ lý Kiki do Zalo AI phát triển đã giúp người dùng Việt có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm đầy đủ công nghệ mới nhất về AI bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cạnh tranh cung cấp trợ lý thông minh trên ô tô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO