Cảnh sống đối lập quanh đoạn vành đai hơn 20 năm chưa hoàn thành

02/04/2023 11:35

Được kỳ vọng giải tỏa tình trạng quá tải hạ tầng cho khu vực có mật độ dân cư đông bậc nhất Hà Nội, vành đai 2,5 (Đầm Hồng - quốc lộ 1) vẫn ngổn ngang sau 21 năm được phê duyệt.

Cảnh sống đối lập quanh đoạn vành đai hơn 20 năm chưa hoàn thành

Được kỳ vọng giải tỏa tình trạng quá tải hạ tầng cho khu vực có mật độ dân cư đông bậc nhất Hà Nội, vành đai 2,5 (Đầm Hồng - quốc lộ 1) vẫn ngổn ngang sau 21 năm được phê duyệt.

Vừa cắt xong chiếc bánh kem mừng sinh nhật tuổi 21, cậu con trai của bà Sáu lập tức bị mẹ nhắc sớm trở về gian phòng trọ đang thuê ở quận Cầu Giấy để tiếp tục việc học. Người phụ nữ 50 tuổi thuê một căn nhà tạm, nằm trơ trọi ở cuối dự án đường vành đai 2,5. Căn nhà rộng khoảng chừng 10 m2 là nơi bà cùng những công nhân đồng hương sinh sống để mưu sinh qua ngày.

“Chúng tôi là dân lao động ở tạm chứ bọn trẻ ở đây học tập sao được”, bà Sáu vừa dứt câu, một chiếc xe tải chạy vụt qua con đường thi công dở dang phía trước nhà, cuốn theo một lớp bụi, phủ dày lên những mặt phẳng và đồ dùng sinh hoạt.

Cách xóm trọ của bà Sáu chừng 300 m, anh Lê Danh Lam (ở chung cư Sky Central) chật vật đánh lái chiếc ôtô 5 chỗ rẽ vào ngõ 176 Định Công để trở về nhà. Theo quy hoạch, khu chung cư nơi anh sinh sống sẽ có mặt tiền trải dài trên trục đường vành đai 2,5. Thế nhưng 3 năm sau ngày bàn giao căn hộ, viễn cảnh về con đường 6 làn xe trị giá hơn 1.300 tỷ đồng chạy qua dự án vẫn chưa thành hình. Bỏ ra tiền tỷ mua nhà, lối vào duy nhất của hàng nghìn cư dân vẫn là con ngõ rộng chưa đầy 5 mét thông với phố Định Công vốn đã quá tải.

Cuộc sống của anh Lam, bà Sáu hay hàng trăm hộ dân quanh vùng mỗi nhà mỗi cảnh, thế nhưng họ đều gặp nhau ở những hệ lụy của đoạn vành đai thi công dang dở, hơn 20 năm chưa hẹn ngày hoàn thành.

vanh dai 2, 5 Ha Noi anh 1

Mắc kẹt

Chị Trần Thị Hồng Hiếu (41 tuổi) cùng gia đình sống trong căn nhà dựng tạm giữa phố Định Công, trong vùng được chính quyền thông báo thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng dự án vành đai 2,5. Căn nhà được chắp vá bằng những mảnh tôn, khung sắt là những gì còn sót lại sau đợt cưỡng chế thu hồi đất cách đây gần 2 năm.

Cách vị trí giường ngủ chừng 20 m là dàn máy móc, vật liệu đã được tập kết sau lễ khởi công hạng mục hầm chui vào tháng 10 năm ngoái. Hàng đêm, khi xe tải ra vào công trường, người phụ nữ phải nhổm dậy, lắng tai nghe bởi lo những "hung thần" va đổ nhà mình.

Gần 4 năm qua, chị Hiếu giữ thói quen nhặt nhạnh những miếng nệm cũ, sau đó chất đầy lên trần nhà để chống nóng. Cạnh đó là hàng chục mảnh gạch vụn, phòng khi giông lốc, gió cuốn bay mái nhà. Làm thế nào để sống chung ô nhiễm và thời tiết khắc nghiệt là câu hỏi mà suốt nhiều năm qua 6 thành viên trong gia đình phải tự tìm cách trả lời.

Năm 2018, chị Hiếu cùng hàng chục hộ dân phường Định Công bắt đầu được thông báo di dời để phục vụ giải phóng mặt bằng đường vành đai 2,5 (Đầm Hồng - quốc lộ 1). Ở tuổi ngoài 40, người phụ nữ cùng nhiều cư dân vốn có ít kiến thức pháp luật phải tự mày mò, nghiên cứu đủ loại văn bản liên quan. Cầm trên tay xấp giấy tờ được cất kỹ trong tủ, chị Hiếu phân tích rõ ràng, rành mạch từng văn bản, quyết định.

“Đường xá mở rộng, chúng tôi mừng và hoàn toàn không chống đối. Nhưng thật khó chấp nhận khi bị đẩy vào tình cảnh mất nhà, sống tạm bợ thế này, em tôi mất hơn một năm nay, bàn thờ còn phải dựng tạm ngay sát giường ngủ”, chị nói.

vanh dai 2, 5 Ha Noi anh 7

Vành đai 2,5 có điểm đầu là khu đô thị Ciputra và kết thúc tại điểm giao cắt với vành đai 3 với tổng chiều dài 21,2 km.

Nhằm xây dựng khép kín tuyến đường trong bối cảnh nguồn tiền có hạn, Hà Nội chia tuyến vành đai thành nhiều đoạn khác nhau. Trong đó, Đầm Hồng - quốc lộ 1 là đoạn tuyến được phê duyệt sớm nhất vào năm 2002 với mục tiêu tạo động lực phát triển đô thị, dịch vụ.

Sau hơn 20 năm, đoạn vành đai dài 2,1 km mới hoàn thành được khoảng 70% tiến độ. Hiện trạng tuyến đường ngổn ngang do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Sắt thép, vật liệu cùng nhiều kết cấu cầu, đường hoen rỉ, phủ những mảng rêu dày đặc.

vanh dai 2, 5 Ha Noi anh 10

Khoảng 1 km từ ngõ 192 Lê Trọng Tấn tới đoạn giao cắt với phố Trần Nguyên Đán cơ bản được hoàn thiện phần kết cấu mặt đường và vỉa hè. Dự án chưa hoàn thiện, hệ thống biển báo, vạch kẻ đường và phương án tổ chức giao thông cũng vì thế chưa xuất hiện ở nơi này. Xe cộ đi lại hỗn loạn. Nhiều ôtô đỗ ngay dưới lòng đường, sát dải phân cách biến đây thành một bãi đỗ xe khổng lồ.

“Nhìn cảnh này, nhiều người coi nơi tôi sống là bãi rác”

Hơn 10 năm trước, bà Sáu (50 tuổi, ở Cầu Giẽ, Phú Xuyên) bắt đầu lên Hà Nội mưu sinh. Bà kể khi đó cùng nhóm công nhân đồng hương thuê một căn nhà ở khu vực Định Công. Ít năm sau, chủ nhà thông báo chấm dứt hợp đồng bởi căn nhà được Nhà nước giải tỏa để làm dự án làm đường.

Người phụ nữ khi ấy lại chạy vạy để đi tìm nơi sinh sống mới, vừa phải đảm bảo chi phí thấp nhưng không được quá xa vị trí cũ bởi như vậy sẽ mất đi những “mối thầu” quen của công nhân xây dựng.

Nơi bà Sáu chọn thuê rộng chừng 10 m2 với tất cả công năng sinh hoạt cho 4-5 người. Con đường chưa hoàn thiện khiến những cơ sở hạ tầng thiết yếu như nước sạch, vệ sinh môi trường của nơi này vì thế không được cung cấp và đảm bảo. Viễn cảnh về căn “nhà mặt phố” xa vời khiến chủ nhà chấp nhận cho họ thuê với mức giá chỉ 500.000 đồng/tháng rồi rời đi nơi khác sinh sống.

vanh dai 2, 5 Ha Noi anh 27

Ngồi nhặt rau tại gian bếp nằm giữa 2 chiếc giường, bà Sáu liên tục giục cậu con trai trở về nhà trọ. Thi thoảng lắm, bà mới cho con cháu qua thăm bởi điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Vết bẩn bám xám xịt trên nhiều vật dụng, bà cũng không buồn lau đi bởi cho rằng chỉ một lúc sau đâu lại vào đấy.

"Quần áo phải phơi trong nhà, vì phơi ở ngoài bụi bám dày, bẩn như chưa giặt", bà Sáu vừa dứt câu thì người vận chuyển nước sinh hoạt giao tới nhà khoảng gần chục thùng loại 20 lít. Bể nước giếng khoan phía sau, bà chỉ dám giặt giũ bởi chắc chắn nguồn nước cống ứ đọng bên ngoài đã thấm xuống gây ô nhiễm. Câu chuyện về những mùa mưa lớn, nước cống dềnh lên cuốn theo rác vẫn khiến người phụ nữ ám ảnh.

Chỉ tay vào đống rác thải, bà Sáu kể không ít lần phải nhắc nhở, thậm chí lời qua tiếng lại để người đi qua không mang rác ra đây bỏ lại. “Nhiều người nghĩ rằng đây là nơi đổ rác, tôi giải thích mãi họ cũng mang đi nơi khác bỏ", bà Sáu bức xúc và cho biết cứ khoảng 2 tuần, bà cùng người hàng xóm phải dùng máy xúc san gạt bớt đống rác “chất cao như núi” ngay trước cửa nhà.

Cách nhà bà Sáu chưa đầy 200 m, sau 5h chiều mỗi ngày, ông Cường lại cặm cụi bên 4-5 luống rau còi cọc mọc xen nhiều cây bụi, ngay giữa khu vực vốn là lòng đường vành đai 2,5 đang thi công dang dở. Nói về quyết định gieo trồng mảnh vườn, ông cười và khẳng định rau không lên nổi bởi cứ sau một ngày bụi sẽ phủ kín lá.

"Tôi trồng vậy để họ không đổ rác thải thôi", người đàn ông nói và kéo sập cánh cửa đi vào nhà, không mảy may quan tâm đến những luống rau vừa tưới đã lại bám đầy bụi.

vanh dai 2, 5 Ha Noi anh 43

Nghìn cư dân chung cư về nhà bằng ngõ hẹp

Phố Định Công dài hơn một km, rộng 6-8 m, vừa đủ cho 2 ôtô tránh nhau. Trong khi dự án vành đai 2,5 chưa hoàn thành, người dân quanh khu vực phần lớn phải đi qua con đường này. Vào giờ tan tầm, ôtô xếp hàng dài, chiếm trọn mặt đường. Xe máy bị dồn ép, phải luồn lách ở phía trong.

Đoạn qua cầu Định Công gồm 6 luồng xe cộ xung đột từ các tuyến Nguyễn Cảnh Dị, Trịnh Đình Cửu... được cảnh sát cùng 2 dân phòng căng mình gỡ rối. Điểm chung của các tuyến phố này là mặt cắt nhỏ trong khi phải gánh lượng xe khổng lồ.

vanh dai 2, 5 Ha Noi anh 46

Buổi tối, giao thông càng trở nên hỗn loạn hơn khi nhiều xe đi ngược chiều. Vỉa hè lại bị nhiều hàng quán trưng dụng làm nơi đỗ xe, buộc người đi bộ phải di chuyển xuống lòng đường, ảnh hưởng đến dòng phương tiện.

Mở bán từ năm 2017, tổ hợp hợp cao ốc ở ngõ 176 Định Công có 2 tòa tháp cao 26 tầng và hơn số 900 căn hộ. Sau hơn 3 năm bàn giao nhà, lối vào của hàng nghìn cư dân tại đây chỉ là con ngõ 176 Định Công nhỏ, hẹp.

Kể lại chuyện 3 năm trước, anh Lê Danh Lam (sinh năm 1983) vẫn nhớ như in về lời quảng cáo của nhân viên môi giới bất động sản về viễn cảnh con đường rộng 6 làn xe chạy ngay trước tòa nhà mình sinh sống. Vợ chồng anh vì thế lên kế hoạch vay mượn họ hàng sắm một chiếc ôtô 5 chỗ để thuận tiện đi lại.

Thế nhưng, chừng ấy thời gian về nhà mới, bức tranh giao thông mà họ phải đối mặt là cảnh ùn tắc, bụi và ngập úng khi hàng ngày phải len lỏi qua con phố Định Công vốn đã quá tải. Thậm chí, khi vượt qua các ải tắc đường, đón họ về căn hộ cao cấp là một con ngõ, vừa đủ cho 2 chiếc xe lách qua.

vanh dai 2, 5 Ha Noi anh 54

Không còn lựa chọn

Quận Hoàng Mai có tốc độ đô thị hóa nhanh bậc nhất Hà Nội, nhiều tòa cao ốc cũng mọc lên trên nền các nhà máy, xí nghiệp trên khu vực phường Định Công, Thịnh Liệt năm xưa. Tương phản là hình ảnh các hộ dân đã sống lâu đời phải sinh hoạt giữa những đống gạch đá, rác thải.

Trong khi cư dân chung cư về đây sinh sống cảm thấy họ bị mắc kẹt giữa tuyến đường vành đai dang dở, nhiều tòa cao ốc, biệt thự liền kề, vẫn ồ ạt mọc lên quanh khu vực này với quy luật dự án sau luôn có giá cao hơn dự án trước. Nhiều người mua nhà tin rằng mua nhà trước khi đường làm xong là một món hời.

vanh dai 2, 5 Ha Noi anh 58

Sau 4 năm đi làm, Bùi Việt Anh (26 tuổi, ở Long Biên) cần một không gian sinh hoạt riêng trước khi lập gia đình. Cậu tìm tới một dự án chung cư mới mở bán trên đường Nguyễn Cảnh Dị bởi lời quảng cáo “vị trí trung tâm, chỉ cách trục chính vành đai 2,5 khoảng 200 m”.

Cầm bảng hàng trên tay, nhân viên môi giới tên Công cho biết “100% khách hàng tới đây đều phàn nàn về đường sá”. Tuy nhiên, anh này cũng không ít lần khẳng định như một thói quen “đường chưa làm nên mới có mức giá này, đường làm xong thì khó mua lắm”. Dứt câu, anh Công mở ra một tài liệu trên điện thoại, trong đó khoảng 70% mã căn hộ đã có dấu hiệu tô đỏ (đã bán).

Nhìn ra khung cảnh hạ tầng nhếch nhác ngay sau tấm kính low-e của căn chung cư cao cấp, Việt Anh phút chốc trầm ngâm: “So với hình phối cảnh thì khác hẳn, con sông trước tòa nhà ô nhiễm, đường xá thì chắp vá nhỏ hẹp, đầy rác thải và lầy lội”.

Tuy nhiên, sau một ngày suy nghĩ, nam thanh niên nói sẽ tiếp tục cân nhắc về việc mua nhà tại đây vì khó có lựa chọn nào khác gần trung tâm, trong bối cảnh nguồn cung căn hộ toàn thị trường đang suy giảm và mức giá bị đẩy lên quá cao so với thu nhập.

vanh dai 2, 5 Ha Noi anh 65

Nằm chung với 2 tòa chung cư ở ngõ 176 Định Công, một trường mầm non chỉ cách khu vực giải phóng mặt bằng dự án vành đai 2,5 vài bước chân. Khoảng sân phía trước rộng chừng 4-5 m2, nhiều đồ chơi ngoài trời của trẻ em nằm bất động. Một giáo viên cho hay chúng gần như không được sử dụng bởi họ lo ngại các em sẽ ham vui, chạy ra đống phế thải rất nguy hiểm.

Kéo cánh cửa kính ngăn cách đám trẻ với không gian bên ngoài, một phụ nữ đón 2 con trở về sau buổi học. Chị bày tỏ sự không hài lòng với tình cảnh phế thải ngay trước trường học nhưng "vẫn phải chấp nhận vì Hà Nội đất chật người đông, khó có thêm lựa chọn".

Tháng 10/2022, Hà Nội rầm rộ khởi công dự án hầm chui trị giá gần 800 tỷ đồng, xuyên qua đường Giải Phóng, nối liền điểm đầu của dự án vành đai 2,5 (Đầm Hồng - quốc lộ 1). Tại lễ khởi công, những chỉ đạo quyết liệt về tiến độ của dự án được các lãnh đạo thành phố cùng sở ngành đưa ra.

Nhưng giống như con đường vành đai 2,5 mà người dân mong đợi suốt nhiều năm, những chỉ đạo này không biết sẽ đi về đâu khi 5 tháng sau buổi lễ, nơi này vẫn là bãi đất trống, máy móc chỉ hoạt động cầm chừng. Anh Lam kể có những lúc hy vọng vụt lên khi lãnh đạo sở ngành, thành phố yêu cầu sẽ hoàn thành dự án vào quý nào đó, song nhìn cảnh con đường trước nhà ngổn ngang sau những lời hứa, người đàn ông cho rằng mình “không còn ngóng chờ nữa”.


Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cảnh sống đối lập quanh đoạn vành đai hơn 20 năm chưa hoàn thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO