Bốn địa phương ở miền Bắc là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đang chịu sự ô nhiễm nghiêm trọng của hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay khiến cho hàng nghìn hộ dân sống gần lưu vực sông thường xuyên bị ảnh hưởng.
Mặc dù các cấp chính quyền đã có các giải pháp để hạn chế và ngăn chặn những nguồn xả thải trái phép, đặc biệt là ở các khu, cụm công nghiệp nhưng mức độ ô nhiễm chỉ giảm chút ít so với các năm trước, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng từ cuối năm 1958 ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, với các hệ thống chính gồm 14 công trình cống, trạm bơm, 232 km kênh và 491 km bờ kênh trục chính. Ngoài ra, công trình này còn có 400 trạm bơm tiêu, hơn 800 cống tưới và hàng nghìn kilomet kênh cấp II do các công ty khai thác công trình thủy lợi vận hành, đảm bảo tưới tiêu cho 146.756 ha đất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và TP Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nước sông đen kịt, cây trồng không sống nổi
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, vào các ngày 1/4 và 2/4, tại đoạn sông Cầu Bây chảy qua thôn Xuân Thụy, xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội, màu nước đen kịt, bốc mùi nồng nặc, khó chịu. Tình trạng ô nhiễm này đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt và sức khỏe của người dân khu vực này.
Đoạn sông Cầu Bây nói trên mà chúng tôi ghi nhận cũng là điểm cuối của con sông này, nơi tiếp giáp và đổ ra hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Anh Đinh Thế Lực (ở thôn Xuân Thụy, xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm - Hà Nội) cho biết: "Tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây đã diễn ra hơn 10 năm nay. Khi trời nắng, dòng sông bốc mùi khủng khiếp. Còn khi trời mưa to, bọt sủi trắng lên, mùi hôi thối tràn cả vào nhà dân. Ở đây, có nhà phải che bạt, chặn cửa để ngăn mùi nhưng cũng chỉ đỡ được phần nào. Tôi mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm cho dòng sông này, để người dân chúng tôi có môi trường sống an toàn hơn".
Cũng sống cạnh sông Cầu Bây, ông Đinh Văn Dương (ở thôn Xuân Thụy, xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm - Hà Nội) chia sẻ thêm: "Nước sông Cầu Bây ô nhiễm quá dẫn đến ruồi, muỗi rất nhiều, người dân rất bức xúc, đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết. Nước sông bị ô nhiễm nặng nên trồng cây gì cũng đều bị hỏng hết". Ông Dương phán đoán, nguyên nhân gây ô nhiễm dòng sông này là do nước thải của cả huyện Gia Lâm đều đổ xuống dòng sông.
Chạy qua cống Xuân Thụy là hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải. Những người sống cạnh sông như ông Nguyễn Văn Tích (83 tuổi, ở thôn Vàng, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cho biết, tình trạng ô nhiễm dòng kênh này diễn ra hàng thập kỷ nay vẫn chưa được khắc phục.
"Dòng sông này đã ô nhiễm lâu năm lắm rồi, nước đen kịt và bốc mùi nồng nặc, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân chúng tôi. Nguyên nhân là các nguồn nước thải của người dân, các nhà máy, xí nghiệp đều đổ ra dòng sông này. Bà con chúng tôi mong muốn nhà nước làm sạch dòng sông này để đời sống của chúng tôi được tốt hơn", ông Tích cho biết.
Là người sống lâu năm bên dòng sông này, ông Tích chia sẻ thêm, thời trước, khi dòng kênh chưa ô nhiễm, người dân khu vực thường ra đây tắm giặt và lấy nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng từ ngày con kênh bị ô nhiễm, người dân rất khó khăn tìm nguồn nước tưới thay thế. Nguồn nước sông khiến các loại cây trồng như lúa, rau màu khó sống, kém năng suất.
Những năm gần đây, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và TP Hà Nội đã triển khai các giải pháp quan trắc tự động để kiểm soát nguồn xả thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nhưng mức độ ô nhiễm chỉ giảm chút ít so với các năm trước.
Xử phạt hàng loạt các vụ vi phạm xả thải
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thượng tá Mai Tuấn Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, tình trạng ô nhiễm ở hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hiện nay khá nặng nề và có diễn biến phức tạp.
Theo ông Long, có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm cho hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, trong đó có việc công trình thủy lợi này đang tiếp nhận nguồn nước ô nhiễm từ sông Cầu Bây, sông Đình Dù, sông Cầu Lường. Kênh Bắc Hưng Hải ngoài chức năng tiêu thoát nước, hiện nay còn thêm nhiệm vụ chứa nước thải của các khu dân cư, đô thị và làng nghề chảy theo các sông nhánh đổ vào.
"Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn năm 2021, 70% lượng nước gây ô nhiễm cho kênh Bắc Hưng Hải đến từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, nước từ các bãi rỉ rác; 28% là từ hoạt động sản xuất công nghiệp; 2% là từ hoạt động y tế", ông Long cho biết.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, ngày 28/2/2022, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đến nay, sau một tháng triển khai thực hiện, các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ đã triển khai các biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác rà soát, nắm tình hình, tổ chức kiểm tra phát hiện các cá nhân, tổ chức có hoạt động xả nước thải, chất thải ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Bám sát nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm xả nước thải gây nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Kết quả, từ ngày 18/2/2022 đến ngày 31/3, cơ quan chức năng phát hiện 44 vụ việc liên quan, hiện đã xử phạt 64,5 triệu đồng.
Còn theo số liệu từ năm 2017 đến tháng 12/2021, Công an tỉnh Hưng Yên đã phát hiện 143 vụ việc vi phạm về môi trường (xả nước thải, quản lý chất thải) liên quan đến kênh Bắc Hưng Hải, xử phạt hành chính khoảng 9,3 tỷ đồng.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, theo ông Long, vấn đề ô nhiễm dòng kênh Bắc Hưng Hải đã được cải thiện, ý thức bảo vệ môi trường của người dân sống 2 bên lưu vực dòng kênh này dần được nâng lên.
Về giải pháp dài hơi tiếp theo, Công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo công an 19 xã có sông Bắc Hưng Hải đi qua phải phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền tới từng hộ dân sống ven sông nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm quy định của địa phương về việc đổ chất thải sinh hoạt đúng nơi quy định để bảo vệ nguồn nước sông.