Những ngày cuối tháng Năm, các huyện phía Tây Nam của Hà Nội như Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai lúa đã chín vàng.
Các cánh đồng vùng quê này rộng lớn, trải dài hút tầm mắt kết hợp cùng dãy núi đá vôi nhấp nhô tạo nên cảnh sắc ấn tượng.
Vào các buổi chiều, trẻ nhỏ vui chơi, hóng mát bên cạnh đồng lúa thẳng cánh cò bay đang độ chín ngả màu như dát vàng sẽ mãi là hình ảnh kỉ niệm khó quên thời thơ ấu.
Cánh đồng lúa xã Tân Ước (Thanh Oai) đã chín già, bà con nơi đây đang chờ máy về gặt.
Còn tại một góc cánh đồng xã Mỹ Thành (Mỹ Đức), những nông dân đang hối hả làm cỏ để chuẩn bị trồng hoa màu.
Ở nông thôn nơi đây, người nông dân vẫn còn dùng khá nhiều xe đạp để làm phương tiện đi thăm đồng.
Hình ảnh người dân với áo nâu sòng bên cánh đồng lúa. Bộ trang phục này được coi là truyền thống của vùng nông thôn Việt Nam xưa, nhưng ngày nay chỉ còn một số ít người cao tuổi thích mặc bộ đồ này.
Người trồng lúa ngày nay không còn phải vất vả gặt tay, họ thuê máy gặt, đóng bao trả về tận tay với giá dao động từ 110 - 210 nghìn đồng/sào, tùy địa hình.
Ở khu vực quanh Hà Nội, nhiều cánh đồng đang ngày càng thu hẹp và biến mất, nhường chỗ cho khu công nghiệp hoặc đô thị.
Cũng có một số ít người dân vẫn phải gặt tay vì một lí do nào đó, có thể chưa gọi được máy, hoặc ruộng có địa thế khó khăn khiến máy gặt không thể làm việc...
Máy gặt rồi đóng bao đổ về bờ, người dân sau đó có thể tự chở bằng xe máy hoặc thuê các chuyến xe vận chuyển về nhà. Trẻ nhỏ được nghỉ hè cũng theo xe ra đồng cùng ông bà, cha mẹ.
Mùa gặt lúa cũng là lúc sắp vào mùa vịt, đây là thời điểm người chăn nuôi lùa đàn vịt ra cánh đồng lúa vừa gặt để ăn mót những hạt thóc rơi vãi sau khi gặt.
Cánh đồng lúa xã Đại Hưng, một trong những xã rất gần với chùa Hương.
Những cánh diều tuổi thơ trên đồng lúa trong một buổi hoàng hôn.
Hoàng hôn trên cánh đồng Mỹ Đức.