Điều này đòi hỏi việc hoạt động khuyến mại cần được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn.
Nhiều cửa hàng khuyến mại giảm giá cao nhưng người mua khó kiểm soát chất lượng. Ảnh: VGP/Diệu Anh |
Trong điều kiện sức mua thấp như hiện nay, các nhà sản xuất không ngừng tung ra những chương trình khuyến mãi nhằm hấp dẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong đó có không ít chương trình “giảm giá ảo” mà nếu người tiêu dùng không tỉnh táo sẽ rất dễ mua bực vào mình.
Khuyến mại hàng giả, kém chất lượng, quá hạn
Theo khảo sát của phóng viên, ngoài các chương trình khuyến mại có bảo hộ của cơ quan chức năng như Tháng khuyến mại tập trung, Tháng khuyến mại Hà Nội,… thì tại các mặt đường phố lớn, không khó để chúng ta bắt gặp các chương trình khuyến mại, siêu giảm giá, tiết kiệm 50%... từ các nhà phân phối, đại lý bán lẻ, các cửa hàng,… trên hàng loạt các loại mặt hàng. Trên thực tế, nhiều cửa hàng bán lẻ hay bán hàng trên vỉa hè có băng rôn giảm giá 50%, ghi giá sau giảm nhưng so với giá trên thị trường vẫn tương đương, mà người mua khó mà kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Chị Thu Hương ở phố Chùa Bộc thông tin, đa phần sản phẩm được áp dụng mức giảm giá 70% - 80% chủ yếu là hàng hóa mẫu mã cũ, lẻ số nên không phải tất cả mọi đối tượng khách hàng đều phù hợp, thậm chí có cửa hàng khuyến mại ảo bằng cách nâng giá sản phẩm lên cao rồi thực hiện giảm giá nhằm đánh lừa tâm lý người tiêu dùng. “Chiếc áo khoác mình thích ngày thường giá 600.000 đồng, nay cửa hàng nhắn tin giảm 50% nhân dịp Black Friday, nhưng khi đến mua mới biết cửa hàng đã tăng lên 1,2 triệu đồng sau đó giảm 50% còn 600.000 đồng. Như vậy đây là giảm giá ảo”, chị Thu Hương nêu ví dụ.
Qua công tác kiểm tra, giám sát của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, đã có không ít cửa hàng, cơ sở kinh doanh tự ý thực hiện khuyến mại, không thông qua cơ quan chức năng và sử dụng các chiêu trò để “móc túi” khách hàng, như: Lợi dụng chương trình khuyến mại để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng vào tiêu thụ; tự ý nâng giá sản phẩm lên cao rồi thực hiện giảm giá nhằm đánh lừa tâm lý người tiêu dùng. Một số cửa hàng kinh doanh còn lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giá rẻ của người dân để trà trộn sản phẩm cũ, hàng đã sản xuất từ nhiều năm, thậm chí là hàng đã qua sử dụng vào bán cùng với hàng mới…
Tăng cường kiểm tra, bảo vệ người tiêu dùng
Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, chưa khi nào các chương trình khuyến mãi, giảm giá diễn ra rầm rộ, liên tục như hiện nay. Mặc dù được quảng cáo là giảm giá sập sàn, giảm giá sâu nhưng chưa chắc người tiêu dùng đã được hưởng lợi. Bởi thực chất, không ít doanh nghiệp sử dụng chiêu trò đẩy giá lên cao 60% đến 70% rồi giảm giá 30% đến 50% thì người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt. Do vậy, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác trong việc lựa chọn các cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng khi mua bán sản phẩm hàng hóa.
Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, để ngăn chặn hiện tượng này đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường, các Sở Công Thương địa phương thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp, cửa hàng tổ chức chương trình khuyến mại. Trong đó tập trung vào việc kiểm tra doanh nghiệp có đăng ký chương trình khuyến mại, giảm giá với cơ quan quản lý hay chưa. Lực lượng quản lý thị trường kiểm soát xuất xứ hàng hóa khuyến mại, qua đó để đảm bảo không để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ lợi dụng chương trình khuyến mại để tiêu thụ.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để hoạt động khuyến mại đi vào nền nếp, Sở sẽ tăng cường công tác theo dõi, giám sát hoạt động khuyến mại trên địa bàn; tích cực hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, thông báo đăng ký thực hiện khuyến mại của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; thực hiện đăng tải đầy đủ thông tin về thời gian, hình thức khuyến mại, sản phẩm khuyến mại và số lượng sản phẩm cũng như những cam kết về chương trình khuyến mại của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên trang thông tin của sở để người tiêu dùng nắm được.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng thanh tra tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, Thành phố để tổ chức kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa và việc thực hiện các quy định của pháp luật khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện các chương trình khuyến mại…
Thiết nghĩ, để hoạt động khuyến mại đi vào nền nếp, bên cạnh việc siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu kỹ về chương trình khuyến mại, yêu cầu người bán hàng thực hiện nghiêm túc nội dung khuyến mại như đã cam kết, chủ động thông báo cho các cơ quan chức năng khi thấy dấu hiệu vi phạm, lừa đảo trong hoạt động khuyến mại…