Di tích Cánh đồng Chum được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới với hơn 2.000 chiếc chum bằng đá đủ hình dạng và kích thước, có niên đại từ khoảng năm 500 Trước công nguyên tới năm 500 sau Công nguyên.
Những chiếc chum đá nằm rải rác tại nhiều nơi ở Xieng Khouang, tuy nhiên, hiện mới chỉ có 3 điểm quanh thị xã Phonsavan được đưa vào khai thác du lịch; địa điểm thứ nhất có khoảng 250 chum, địa điểm thứ hai với 100 chum và địa điểm thứ ba có hơn 100 chum. Các khu vực còn lại vẫn đang được nghiên cứu vì còn nhiều bom mìn chưa được rà phá triệt để.
Những chiếc chum đẽo từ đá có kích cỡ khác nhau, cái có nắp đậy, cái thì không nằm ngổn ngang nửa chìm, nửa nổi hoặc lăn lóc trên mặt đất. Một số nhà khảo cổ học cho rằng những chiếc chum này để đựng xương tro cốt người sau khi hỏa táng, số khác lại đưa ra giả thuyết những chiếc chum này dùng để chứa thức ăn...
Những người dân địa phương lại có nhiều giả thuyết thú vị hơn. Có người cho rằng những người khổng lồ đã dùng các chum đá này để ủ rượu gạo ăn mừng chiến thắng trước kẻ thù. Cũng có người lại kể rằng những chum đá này là nơi trữ rượu của một người khổng lồ sống trên núi Phonsavan.
Các nhà khảo cổ vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng. Tuy nhiên công việc nghiên cứu vẫn đang gặp khó khăn do cánh đồng chum là một trong những khu vực khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới.
Hầu hết các khu vực chứa những chiếc chum đá cổ đều bị hạn chế tiếp cận. Khách du lịch chỉ có thể đến thăm 7 trong tổng số 60 khu, trong đó khu 1 với khoảng 300 chum đá và một hang đá vôi tự nhiên là nơi tham quan phổ biến và dễ dàng nhất.
Dọc theo các cánh đồng là rất nhiều điểm màu đỏ và trắng được đánh dấu một cách cẩn thận. Trước đây, Phonsavan vốn là mục tiêu ném bom của không quân Mỹ trong chiến tranh. Hiện khu vực này vẫn còn sót lại khoảng 80 triệu quả bom chưa nổ, khiến việc tìm hiểu và tham quan cánh đồng chum càng trở nên khó khăn. Khách du lịch đến đây cần rất cẩn thận và chỉ nên đứng gần những khu vực được đánh dấu an toàn.