Dẫu cho bạn là lữ khách đến Sài Gòn vài ngày rồi đi, là người gắn bó cả thanh xuân với thành phố náo nhiệt bậc nhất rồi ngậm ngùi chia xa, hay là người may mắn bám trụ và gắn với cuộc đời mình ở chốn phồn hoa đô hội này, hình bóng những con đường ồn ào náo nhiệt với những quán ăn, nhà hàng sang trọng, hay những quán nhỏ nép mình nơi ngõ hẻm xanh xao, nhưng gánh hàng rong, những chiếc xe đẩy tự chế, nơi bến xe, góc chợ bình dân… nơi nào cũng phảng phất “Vị Sài thành”.
Tô canh bún
Có người đã từng nói rằng: ẩm thực là nghệ thuật, bởi nó đã là đặc trưng của văn hóa Sài Gòn. “Vị Sài thành” đặc biệt đến mức bạn thấy vị quê hương xứ xở mình phảng phất trong đó. Bởi nơi này có nét đặc trưng phổ quát nhất đó chính là sự giao lưu và tiếp biến mùi vị của nhiều vùng miền Tổ quốc, nơi tiếp nhận và sáng tạo không ngừng món ăn của thế giới để làm phong phú thêm ẩm thực…
Nhưng không đơn giản chỉ là dừng lại ở ăn ngon, mà ẩn sâu sau đó chính là gắn với địa danh, một con phố, con hẻm, tên một người bán có thể đàn bà, đàn ông cũng có thể là tên địa danh nơi chốn quê nhà của một ai đó...
Chỉ cần bạn mở lòng yêu thương những kỷ niệm luôn đong đầy, một thoáng hương vị đủ bạn si mê và phải lòng. Để đến một lúc nào đó, cho dù chợt đến rồi vội vã ra đi, hay bạn chưa xa nhưng đã nhớ Sài Gòn, bạn sẽ thấy món ăn đó thật đặc biệt. Để mỗi lần trở lại vội vàng xuống phố, lê la quán xá mong tìm lại mùi vị ấy cho thỏa nỗi nhớ thương.
Nồi nước dùng
Thanh xuân của chúng tôi đã từng có thời lê la vỉa hè thưởng thức biết bao món ngon từ thứ quà bình dân cho đến tiết kiệm tiền để cuối tháng đi “ăn sang” một bữa trong nhà hàng. Nhưng với tôi nhắc đến kỷ niệm vui-buồn gắn bó với thành phố nhiều nhất với món “canh bún”.
Ăn canh bún vào những ngày thành phố không có nắng, sụt sùi mưa từ trưa đến chiều mới thấm hết hương vị của món ăn gắn với những người buôn thúng bán bưng, với những phận người mưu sinh chật vật trên những vỉa hè, trong những ngõ hẻm xanh xao với bao nhọc nhằn lo toan, những giọt mồ hôi và nước mắt trên khuôn mặt hằn những trần ai của những người tứ xứ đến nơi này ôm giấc mộng phồn hoa, nhưng đôi khi là nước mắt, mồ hôi không ngừng rơi.
Tôi nhớ thời sinh viên ăn tô bún chợ Bình Triệu với giá 3.000 đồng, bên cạnh gánh bún chỉ vài chục chiếc ghế đỏ lúc đó chưa có bàn. Mỗi đứa nhận tô bún với tất cả sự biết ơn, một tô bún đầy đặn đủ lấp đầy cái bụng đói của những cô cậu sinh viên đến từ những tỉnh lẻ xa xôi, chúng tôi vừa ăn vừa xì xụp húp nước lèo cho đến cạn, chốc chốc còn xin thêm rau, xin thêm nước dùng, vậy mà cô hàng bán bún vui vẻ múc thêm không một lời phàn nàn.
Rau muống luộc ăn kèm
Có lẽ số phận của “canh bún” vốn dĩ nó sinh ra đã thuộc về “vương quốc” của người lao động. Nên canh bún ăn ngon phải lê la những quán vỉa hè hoặc quán nép mình trong con hẻm, dành cho những người bình dân có thú phiêu diêu, dăm ba cái bàn, vài ba cái ghế ngồi. Cô chủ quán đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ. Nơi góc phố, những cơn mưa phùn nhẹ giăng mắc mà dai dẳng, dưới ngọn đèn xanh đèn đỏ hiu hắt, một ngọn lửa chập chờn, một hơi ấm tỏa ra, tiếng nước sôi lục bục trong nồi, mùi thơm của nước lèo, tiếng xèo xèo trong chiếc chảo…
Cô bán hàng dáng mảnh mai, đôi bàn tay thon dài, thực hiện các động tác rất thuần thục, cảm giác như không có động tác nào là thừa thãi. Những sợi bún to gần bằng đầu đũa mang vào nồi để trụng, cho bún vào tô sau đó cô dùng chiếc muỗng thật to múc nước dùng đổ một cách khéo léo.
Tô canh bún tỏa ra nghi ngút khói. Sợi bún to như sợi bánh canh, hít hà mùi thơm đang toả ra từ tô bún. Bạn tôi đổ ra chén nhỏ chút mắm tôm hương đậm đà. Vị ngọt thanh của nước xương hầm, vị bùi của riêu cua quyện với thịt băm nhuyễn. Trong tô bún có thêm huyết heo, chả lụa, bì heo. Riêu cua được ép thành bánh dày chắc nịch, pha thêm chút lòng đỏ trứng và cả thịt bằm, nên lớp riêu dày dặn. Cắn miếng đậu hũ chiên vàng cảm nhận sự ngọt bùi, miếng gạch cua béo ngậy, miếng bì heo sần sật, sợi bún to ăn dai nhưng không bở.
Ngoài nhân của tô bún đầy đặn thêm một điểm nhấn làm nên điểm hấp dẫn của tô bún đó chính là nước bún sóng sánh ánh đỏ. Thứ rau ăn kèm là đĩa rau muống luộc. Rau muốn ăn giòn, ngọt gợi nhớ hương vị quê nhà chấm với nước mắm me chua ngọt. Một sự hoà quyện tuyệt vời với hương vị đậm đà của nước dùng, vị cay cay của ớt, vị béo của riêu và vị ngọt của rau làm nên sự hoàn hảo khó cưỡng lại. Một tô bún to và đầy đặn mà giá tiền chỉ giao động từ 15 ngàn đến 20 ngàn đồng.
Thế mới nói món canh bún là món ăn đồng hành cùng những người lao động và chỉ có ăn ở ngoài vỉa hè mới cảm nhận hết vị ngon và nghe những câu chuyện đời đầy thăng trầm của những người đàn bà đã bán bún ở nơi này vài chục năm rồi nhưng chưa thể giàu, ngắm nhìn khuôn mặt của những người lao động vất vả nhưng rạng ngời khi thưởng thức món ngon.
Nếu ghé Sài Gòn một ngày mưa, bạn hãy thử ăn canh Bún ở con hẻm xanh xao bên cạnh những tòa nhà cao tầng và cảm nhận “Vị Sài Gòn”, để cảm thấy thành phố này thật bao dung và nghĩa tình.