Cảnh báo tự chữa trị đau mắt đỏ tại nhà

An Thanh| 19/09/2023 12:02

Bệnh viêm kết mạc (hay đau mắt đỏ) thường diễn tiến lành tính, ít để lại di chứng. Do đó, không người dân mà nhiều sinh viên không đi thăm khám mà tự ý mua thuốc nhỏ mắt để điều trị tại nhà gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

photo-1692892310642-1692892310839676361019-0-0-364-582-crop-16928931605401680093629.jpg
Viêm kết mạc hay đau mắt đỏ là một bệnh lý phổ bếnh, thường do virus, vi khoảng gây ra. (Ảnh: Báo Sức Khỏe và Đời Sống).

Đau mắt đỏ là một bệnh lý thường gặp, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó phổ biến nhất là do virus. Bệnh thường có triệu chứng như đỏ mắt, sưng mí, chảy nước mắt, đổ ghèn… Bệnh có thể lây lan nhanh chóng qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bệnh.

Tuy nhiên, bệnh cũng không quá nguy hiểm và thường tự khỏi sau vài ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Thế nhưng, nhiều người dân, đặc biệt là sinh viên, lại có tâm lý tự ý mua thuốc nhỏ mắt để chữa trị tại nhà, không biết rằng hành động này có thể gây ra nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe và thị lực.

Bùng phát đau mắt đỏ

dich-dau-mat-do-1694502679696457410614.jpg
Theo Bộ Y tế, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, đã có hơn 100.000 ca mắc đau mắt đỏ được ghi nhận trên toàn quốc.

Theo số liệu của Sở Y tế TP.HCM, từ đầu năm 2023 đến ngày 31/8, TP.HCM ghi nhận 63.309 ca mắc bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 là 53.573 ca. Trong đó, có 1.001 ca có biến chứng, chiếm 1,59% (cùng kỳ năm 2022 là 873 ca biến chứng, chiếm 1,63% tổng số ca bệnh). Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Theo Bộ Y tế, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, đã có hơn 100.000 ca mắc đau mắt đỏ được ghi nhận trên toàn quốc.

Theo thông tin được đăng tải trên website Sở y tế TP.HCM, nguyên nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay là do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Kết quả xét nghiệm của Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi hợp tác giữa Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và OUCRU, enterovirus và adenovirus là hai tác nhân virus chiếm ưu thế trong các ca bệnh, trong đó enterovirus chiếm 86%, adenovirus chiếm 14%. Còn về tác nhân vi khuẩn, theo các chuyên gia y tế, có thể là liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, hạt lợi khuẩn hoặc các loại vi khuẩn khác.

Từ kết quả giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm có tải lượng virus phù hợp, Sở Y tế TP. HCM đã xác định Coxsackievirus A24 chiếm 86% tác nhân gây ra gây đợt bùng phát đau mắt đỏ tại TP. HCM. Theo các chuyên gia, tính chất của Coxsackie A24 lây lan nhanh, gây dịch, thường là những ca viêm kết mạc cấp tính, một số rất ít trường hợp có thể phù giác mạc.

Để xác định chính xác tác nhân gây bệnh, cần phải thực hiện xét nghiệm dịch tiết từ kết mạc hoặc ghèn. Tuy nhiên, do chi phí cao và thời gian dài, không phải tất cả các ca bệnh đều được xét nghiệm. Thông thường, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán và điều trị.

Theo BS.CKI Ngô Hữu Phương, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, có thể phân biệt được bệnh do virus hay vi khuẩn qua các dấu hiệu : “Nếu là do virus thì triệu chứng nổi trội nhất là người bệnh cảm thấy cộm, vướng, kích thích chảy nhiều nước mắt, kèm theo mắt đỏ và xung huyết. Cùng với đó, người bệnh có thể mắc các bệnh lý kèm theo như các viêm đường hô hấp trên, ho, sốt và nổi hạch sau tai.

Đối với nguyên nhân do vi khuẩn, có triệu chứng đau mắt, đỏ mắt, tiết nhiều ghèn vàng hoặc xanh lá cây. Ghèn có thể làm dính mi mắt lại với nhau kèm theo cảm giác cộm, vướng và kích thích chảy nhiều nước mắt. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng viêm loét giác mạc, có nguy cơ gây mù mắt”.

Ngoài ra, đau mắt đỏ có thể do dị ứng, kích ứng với môi trường, kích ứng với các dị nguyên, khiến cho người bệnh có triệu chứng ngứa mắt dữ dội, đỏ và chảy nước mắt. Mí mắt có thể bị sưng. Bệnh này thường xuất phát từ phản ứng dị ứng với phấn hoa, động vật, khói thuốc lá, clo trong hồ bơi, khói xe hơi và những yếu tố khác từ môi trường.

BS Phương cũng cho biết, đối với viêm kết mạc do virus và vi khuẩn gây ra, có thể bị lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp với người bị tiếp với người mắc bệnh như qua đường hô hấp, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay… hoặc có thể lây nhiễm qua các vật dụng tiếp xúc mầm bệnh, ví dụ như các vật dụng ở nơi công cộng, cầu thang, nút bấm thang máy. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi dùng chung đồ dùng sinh hoạt nhiễm mầm bệnh như: chậu nước, chậu rửa mặt, khăn tắm. Ngoài ra, viêm kết mạc có thể lây nhiễm qua đường nước, ví dụ như: bể bơi, dùng chung nguồn nước sinh hoạt.

Thông thường, quá trình bệnh nhiễm bệnh đau mắt đỏ sẽ gắn liền với các thói quen chạm tay lên mắt, mũi và mặt. Trong các nguyên nhân gây viêm kết mạc do vi khuẩn virus và do dị ứng, chỉ nguyên nhân do dị ứng là không lây nhiễm. Còn lại, nguyên nhân gây bệnh do virus và vi khuẩn gây ra có khả năng lây nhiễm rất cao. Đặc biệt, với căn nguyên do virus gây ra, thường phát triển thành dịch, thường dễ lây lan nhanh vào mùa hè và mùa thu.

Tự chữa trị bằng thuốc nhỏ mắt

photo-1692946972165-16929469723341373055471.jpg
Nhiều người dân và sinh viên có tâm lí ngại đi thăm khám, tự ý mua thuốc nhỏ mắt để chữa trị tại nhà. (Ảnh: Báo Sức Khỏe và Đời Sống).

Trước tình trạng số ca mắc bệnh tăng nhanh, nhiều trường học đã cho học sinh nghỉ học để phòng ngừa lây nhiễm. Tuy nhiên, tại nhiều trường đại học, vẫn có không ít sinh viên bị đau mắt đỏ. Theo ghi nhận của phóng viên tại một số hiệu thuốc ở Làng Đại học Thủ Đức (TP. HCM), trong tháng 9/2023 đã có rất nhiều sinh viên đến mua thuốc nhỏ mắt vì bị đau mắt đỏ.

N.T.K.L (Sinh viên năm 4, trường ĐH KHXH và Nhân văn ĐHQG TP.HCM) cho hay, nữ sinh bị ngứa mắt liên tục, chảy nhiều nước mắt, đổ ghèn từ ngày hôm trước. Đến trưa hôm sau, mắt đỏ, sưng, có cảm giác hơi nhức nên nữ sinh đã mua thuốc nhỏ mắt để tự chữa trị.

“Mắt mình bị ngứa liên tục, không dụi mắt thì chịu không được mà dụi mắt thì thấy rát và đau. Mắt còn bị sưng và nhiều nước mắt. Biết là bị đau mắt đỏ nên mình dùng nước muối sinh lý để rửa mắt. Mình cũng mua thuốc thêm thuốc nhỏ mắt để nhỏ kèm theo. May mắn là sau 4 ngày mắt mình đỡ hơn rồi”, L kể.

Tương tự với L, N.T.T.V (Sinh viên năm 3, trường ĐH KHTN ĐHQG TP.HCM) cũng mua thuốc nhỏ mắt khi bị đau mắt đỏ. “Mắt mình bị đổ ghèn, chảy nước mắt và đỏ ngầu, lại đang mùa bùng phát đau mắt đỏ nên mình đoán chắc là bản thân cũng mắc bệnh rồi. Mình nghĩ bệnh này cũng thường gặp nên cũng không mấy nguy hiểm nên cũng không cần đi khám làm gì. Mình mua thuốc nhỏ mắt cộng với dùng dung dịch rửa mắt hàng ngày để tự chữa. Bởi vì, bạn bè mình có vài người bị qua rồi, cũng làm theo cách này và khỏi nên mình cũng học theo thôi.

Dù chưa mắc bệnh nhưng để phòng tránh, H.K.T (Sinh viên năm 2, trường ĐH KHTN ĐHQG TP.HCM) cũng mua thuốc nhỏ mắt và sử dụng nước muối sinh lý để rửa mắt hằng ngày. “Đang bùng phát đau mắt đỏ nên mình cũng sợ bị nhiễm bị. Phòng bệnh hơn chữa bệnh nên mình sử dụng thuốc nhỏ mắt trước cho an tâm”, T nói.

Thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh và corticoid

dau-mat-do-2-16350434767441949902254-0-0-500-800-crop-16350434803321795474777-1-.jpg
áCc loại nước nhỏ mắt chứa kháng sinh hay corticoid có thể gây nguy hiểm cho thị lực và sức khỏe. (Ảnh: Báo Sức Khỏe và Đời Sống).

Trước tình hình bùng phát đau mắt đỏ, không chỉ sinh viên mà người dân bị đau mắt đỏ thường có thói quen tự ý sử dụng các loại nước nhỏ mắt chứa kháng sinh hay corticoid để chữa bệnh tại nhà, không biết rằng hành động này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Theo khuyến cáo, đối với bệnh nhân bị đau mắt đỏ, có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Có nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh có thể dùng cho bệnh đau mắt đỏ, như ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, neomycin, tobramycin, tobrex. Tuy nhiên, khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm trùng vi khuẩn thêm (đau nhức mắt, giảm thị lực, chói mắt…) hoặc để phòng ngừa nhiễm trùng sau khi bóc giả mạc, cần phải có sự chỉ định của bác sĩ.

Người bị đau mắt đỏ không nên tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mắt có corticoid kháng viêm. Việc này không chỉ vô ích mà còn làm hại mắt hơn, kéo dài thời gian và quá trình lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Một trong những tác dụng phụ nguy hiểm của corticoid là làm suy giảm thị lực. Corticoid có thể gây ra các biến chứng như tăng nhãn áp, loét giác mạc, xơ vữa đồng tử, thoái hóa hoàng điểm… Nếu sử dụng corticoid trong thời gian dài hoặc liều cao, có thể gây ra các tổn thương vĩnh viễn cho mắt, làm giảm thị lực hoặc mù lòa .

Còn với các loại kháng sinh, không phải trường hợp nào cũng cần dùng kháng sinh để chữa đau mắt đỏ. Kháng sinh chữa đau mắt đỏ và thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần kháng sinh chỉ đạt được hiệu quả cao nhất khi được bác sĩ chỉ định sử dụng cho từng trường hợp bị bệnh đau mắt đỏ khác nhau.

Việc tự ý sử dụng kháng sinh để chữa đau mắt đỏ có thể gây ra các tác dụng phụ như kích ứng, dị ứng, viêm nhiễm hoặc suy giảm thị lực. Ngoài ra, kháng sinh còn có thể làm cho vi khuẩn trở nên kháng thuốc, khiến cho việc điều trị các bệnh nhiễm trùng khác trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, dùng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh lâu dài sẽ gây ra nhiều biến chứng cho mắt, như viêm nhiễm nấm, tăng nhãn áp, suy giảm thị lực…

Vì vậy, khi bị đau mắt đỏ, sinh viên không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh hay corticoid để chữa trị tại nhà bởi không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Theo BS.CKI Ngô Hữu Phương, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, việc sử dụng thuốc nhỏ mắt không đúng loại hoặc không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác do dùng chung thuốc nhỏ mắt, giảm hiệu quả điều trị do không phù hợp với tác nhân gây bệnh, biến chứng bệnh do gây kích ứng hoặc dị ứng với thành phần của thuốc hay làm suy giảm thị lực do gây tổn thương cho giác mạc hoặc thủy tinh thể.

Sở y tế TP. HCM, khuyến cáo người dân và các bạn sinh viên nên đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Ngoài ra, nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm như rửa tay thường xuyên, không chạm vào mắt bằng tay bẩn, không sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người…

Bệnh đau mắt đỏ là một bệnh lý phổ biến và có thể điều trị được nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và thị lực của người bệnh. Do đó, sinh viên cần phải có ý thức cao trong việc phòng và chữa bệnh, không nên tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt tại nhà mà nên đến cơ sở y tế để được hỗ trợ tốt nhất.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo tự chữa trị đau mắt đỏ tại nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO