Cảnh báo tình trạng trẻ nghiện game online sau dịch

25/10/2021 17:18

Dịch bệnh COVID-19 kéo theo những đợt phong tỏa, giãn cách đang làm phát sinh nỗi lo của giới chuyên gia về tình trạng bùng phát mạnh hơn xu hướng nghiện Internet, đặc biệt là nghiện game ở trẻ.

246380885_2978561802410195_166975668907719265_n.jpeg
Học sinh dễ rơi vào trạng thái nghiện game online say đại dịch COVID-19 - Ảnh: BVCC

Theo đánh giá của các chuyên gia, đại dịch COVID-19 khiến bùng phát tình trạng trẻ nghiện game online hơn.

Bỏ bê học hành

Gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM cho biết đã tiếp nhận và đang nỗ lực cứu chữa cho một trẻ bị ngộ độc thuốc trừ sâu rất nặng. Bệnh nhi là cậu học trò 14 tuổi, quê Đồng Tháp, đang học lớp 8, được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng rất nguy kịch.

Gia đình cho biết, thời gian qua do dịch COVID-19 bùng phát nên cậu bé chuyển sang học online tại nhà. Để kết nối được chương trình học của nhà trường, cậu bé được cho tiền mua card điện thoại và tự học tại nhà.

Khi cha mẹ không chú ý, cậu bé đã bỏ bê việc học và nghiện các trò chơi điện tử. Tiền xin nạp card ngày càng nhiều nhưng kết quả học tập thì không được như mong đợi. Sự việc cậu bé vùi mình trong các trò chơi điện tử bỏ bê học hành đã được gia đình phát hiện.

Ngay sau đó, gia đình đã thực hiện các biện pháp giám sát và ngăn cản cậu bé tiếp cận với các trò chơi trên mạng xã hội. Đang tự do trong thế giới ảo thì bị ngăn cản, cậu bé sinh ra cáu gắt cãi lời người lớn với những hành động nổi loạn theo những tư tưởng giết chóc, bạo lực từ nền tảng game online.

Ngày 20/10, trong lúc nghĩ quẩn, cậu bé đã uống hết 1/4 chai thuốc trừ sâu. Chỉ 10 phút sau, cậu bé sùi bọt mép, co giật, nhanh chóng rơi vào hôn mê. Gia đình đã phát hiện và đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu. Các bác sĩ đã rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính và chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.

Thời điểm nhập viện, bệnh nhi hôn mê sâu, còn co giật liên tục. Kết quả chụp CT vùng đầu ghi nhận tình trạng phù não nặng. Loại thuốc bệnh nhi đã uống được xác định là thuốc trừ côn trùng hoạt chất Abamectin. Đây là loại thuốc cực độc chưa có thuốc giải.

Sắp xếp thời gian hỗ trợ con

BS Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cho biết, các bậc phụ huynh cần sắp xếp thời gian để hỗ trợ và giám sát con trẻ trong quá giai đoạn dịch bệnh các bé phải chuyển sang học online.

Phụ huynh không nên để con trẻ tiếp cận với các trò chơi bạo lực không phù hợp với lứa tuổi, cần nhẹ nhàng khuyên răn, nâng đỡ để giúp trẻ vượt qua những cám dỗ trong thế giới ảo của game online.

Tiến sĩ Andrew Doan, nhà thần kinh học và là chuyên gia về chứng nghiện liên quan nền tảng số, đồng ý cho rằng các lệnh phong tỏa, giãn cách phòng dịch đã khiến tình trạng nghiện game, nghiện Internet trầm trọng hơn.

"Đại dịch làm tăng căng thẳng (stress) trong đời sống con người, và cách tiện lợi để thoát khỏi căng thẳng là sử dụng truyền thông giải trí số như chơi game hay dùng mạng xã hội", ông phân tích.

"Việc lạm dụng quá mức để xả stress này là nhân tố nguy cơ dẫn tới phát sinh các hành vi gây nghiện", chuyên gia Andrew Doan cảnh báo.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu, thay đổi của con để phòng ngừa được những sự việc đáng tiếc.

Tự tử không phải là không thể tránh khỏi. Nó có thể phòng ngừa được. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo cần tìm:

- Thay đổi đáng chú ý trong hành vi.

- Dấu hiệu trầm cảm (khó ngủ, thay đổi cảm giác thèm ăn, cảm giác vô vọng, v.v.)

- Lạm dụng rượu hoặc ma túy.

- Nỗi ám ảnh về cái chết.

- Suy giảm hiệu suất hoặc tham gia các hoạt động.

- Hành động liều lĩnh hoặc có hành vi tự sát.

- Cho đi tài sản quý giá.

- Mua hàng bất thường (vũ khí, dây thừng, thuốc).

- Hạnh phúc bất chợt sau một cơn trầm cảm kéo dài.

- Nói về việc tự tử hoặc chết.

- Rút tiền từ bạn bè hoặc gia đình hoặc nói lời tạm biệt với họ.

- Những lần tự tử trước đây.

- Những câu nói về sự vô vọng, vô giá trị, bất lực.

- Không có khả năng tập trung hoặc khó ghi nhớ.

- Đau mãn tính hoặc thường xuyên phàn nàn về các triệu chứng thể chất.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo tình trạng trẻ nghiện game online sau dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO