Sốt xuất huyết đang vào mùa
Bộ Y tế cảnh báo hiện nay đang là thời điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Số ca mắc hằng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam.
Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố tiếp nhận 1 trường hợp trẻ sơ sinh L.M.Y. (28 ngày tuổi, Cà Mau) được chuyển viện từ bệnh viện địa phương. Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh 3 ngày sốt, nôn ói, ọc sữa 4-5 lần/ngày, tiêu phân sệt có lẫn ít máu, ngày 3 trẻ đừ, xuất hiện nhiều chấm xuất huyết da, nhập bệnh viện địa phương ghi nhận trẻ đừ, bú ít, sốt môi hồng, thở đều… Xét nghiệm cho thấy trẻ có các biểu hiện sốt xuất huyết.
Tại Bệnh viện Nhi đồng TP các bác sĩ chẩn đoán trẻ sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan năng, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết tiêu hóa. Kết quả sau hơn 1 tuần điều trị tình trạng trẻ cải thiện dần, bú được, tỉnh táo.
Trường hợp khác là trẻ H.T.H. (6 tuổi) chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng cơ địa dư cân, béo phì, 36kg (bình thường ở tuổi này 20-22 kg). Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ sốt cao liên tục 4 ngày kèm nhức đầu, đau nhức mình, ói mửa, ngày thứ 5 trẻ biểu hiện đau bụng, tay chân lạnh, mệt, ói ra dịch lợn cợn nâu nên nhập viện địa phương trong tình trạng mạch không bắt được.
Chỉ trong 6 giờ đầu, trẻ biểu hiện suy hô hấp nặng bụng chướng căng, ói ra máu, đi cầu phân đen..nên được hội chẩn các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố thống nhất đặt nội khí quản giúp thở, tiếp tục truyền dịch chống sốc và chuyển viện.
Sau 1 tuần điều trị tình trạng trẻ ổn định dần, được cai máy thở, thở khí trời, tỉnh táo
Phân biệt COVID-19 với bệnh sốt xuất huyết
Theo BS CKII Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, song song với chống dịch COVID-19, cần phải chú ý phòng các dịch bệnh theo mùa, nhất là hiện nay đang vào mùa dịch sốt xuất huyết, nếu để bùng phát sẽ rất nguy hiểm.
Phải làm cùng lúc 2 xét nghiệm mới xác định được 2 loại bệnh này vì chúng có biểu hiện tương đồng. Nếu trẻ nhiễm đồng thời COVID-19 và sốt xuất huyết thì quá trình điều trị khó khăn hơn nhiều. Phải vừa điều trị COVID-19, vừa theo dõi tình trạng bệnh của sốt xuất huyết để kịp thời truyền dịch chống sốc nếu diễn biến nặng.
Theo đó các triệu chứng thông thường của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột lên 39 – 40 độ C trong 2 ngày đầu, bước sang ngày thứ 3 có thể xuất huyết ở những vùng da mỏng như da mặt, mặt trong cánh tay, vùng cổ...
Các trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ tử vong.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, các triệu chứng của sốt xuất huyết như sốt, đau mỏi cơ... rất dễ nhầm lẫn với COVID-19, hoặc cùng lúc trẻ có thể mắc cả 2 loại virus.
“Hiện đang vào mùa mưa nên bệnh sốt xuất huyết đang “rình rập” tấn công trẻ, nên cho con em mình ngủ mùng, diệt muỗi, lăng quăng, phát hoang xung quanh nhà nhất là dọn dẹp các chai lọ, hộp, bịch, dụng cụ chứa nước…
Phụ huynh có con dưới 1 tuổi khi bị sốt, trẻ có thể kèm theo ho hoặc sổ mũi hoặc tiêu chảy, ói nên dễ bỏ sót không theo dõi bệnh sốt xuất huyết, và vì trẻ không biết nói hoặc không biết diễn tả triệu chứng nên quí phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng trẻ nếu thấy trẻ sốt trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ, phần lớn người mắc sốt xuất huyết và COVID-19 đều có biểu hiện nhẹ và có thể tự phục hồi tại nhà. Các triệu chứng thường kéo dài vài ngày và giảm dần sau một tuần.
Tuy nhiên, cả hai bệnh cũng có thể gây triệu chứng nặng, thậm chí nguy cơ tử vong. Bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng và nhiễm COVID-19 nặng. Người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim, tiểu đường và béo phì... là đối tượng nguy cơ cao.