Cảnh báo phụ huynh từ hành vi tưởng như vô hại của trẻ

29/05/2022 10:13

Trẻ bứt tóc có thể là biểu hiện của sự bối rối hoặc muốn gây chú ý với cha mẹ. Nếu bứt và ăn tóc nhiều lần, trẻ có nguy cơ đang đối mặt với một hội chứng đặc biệt.

Ngày 29/5, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, nơi đây vừa phẫu thuật cho một bé gái 5 tuổi, sống tại quận 8 và lấy ra một búi tóc dài.

Theo bác sĩ CK2 Tạ Huy Cần, Phó khoa Ngoại Tổng hợp, bệnh nhi đã đau bụng âm ỉ kéo dài. Đỉnh điểm là khi bị ói, tiêu chảy và bụng chướng, em được đưa đi bệnh viện, bác sĩ nghi ngờ trẻ bị tắc ruột.

Các hình ảnh từ siêu âm, X-quang cũng xác nhận nghi vấn trên. Ngay sau đó, em được phẫu thuật kịp thời để lấy khối tóc gây tắc nghẽn trong ruột. Dù phục hồi sức khỏe nhưng bé gái vẫn đối mặt với rối loạn tâm lý kéo dài, cần sự can thiệp của tâm lý gia và gia đình.

1a.png
Một bé gái được phẫu thuật hồi tháng 12/2021 để lấy búi tóc trong ruột.

Thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng TP đã tiếp nhận khoảng 20 trẻ tắc ruột vì thói quen ăn tóc. Tóc không thể tiêu hóa như thực phẩm khi dung nạp, dẫn đến tích tụ thành búi trong dạ dày hoặc trong ruột non, có thể kèm theo "một cái đuôi tóc dài" nằm dọc theo trong lòng ruột. Tình trạng này được biết đến với tên Hội chứng Rapunzel - "Công chúa tóc mây".

Nếu cách đây 5-6 năm, trẻ ăn tóc phải phẫu thuật được xác nhận là hiếm gặp thì nay lại nhiều bất thường. Cách đây ít ngày, một bé gái 5 tuổi cũng phải nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM vì nguyên nhân trên. "Các trường hợp này có xu hướng gia tăng. Tất cả các bệnh nhi đều phải theo dõi điều trị tâm lý lâu dài", đại diện bệnh viện nói.

Hội chứng Rapunzel được đặt theo tên nhân vật "công chúa tóc mây", lần đầu được báo cáo vào năm 1968. Người mắc thích nhổ và ăn tóc của chính mình, thường xuất hiện ở nữ giới dưới 20 tuổi (chiếm 70%).

Nguyên nhân của hội chứng Rapunzel vẫn chưa được xác định. Một số nghiên cứu cho rằng, có thể do khiếm khuyết về trí tuệ, rối loạn tâm thần, chấn động tâm lý từ thơ ấu, gặp căng thẳng quá mức… nhưng không được can thiệp kịp thời; hoặc do thiếu sắt hay mắc Celiac - một bệnh lý đường ruột do nhạy cảm với gluten.

agff.png
Trẻ nhổ tóc đến mức lưa thưa một mảng đầu. Ảnh phải là búi tóc được lấy ra trong ruột. 

Có hai rối loạn tâm thần thường gặp ở người ăn tóc là Hội chứng nhổ tóc bệnh lý (Trichotillomania) và Hội chứng thèm ăn đồ kỳ quặc (Pica). Người Trichotillomania luôn có xung động (hành vi buộc phải thực hiện, không thể cưỡng lại) và rất dễ chịu, thỏa mãn khi nhổ và ăn tóc.

Ở trẻ nhỏ, các bệnh nhi đều được ghi nhận có vấn đề về tâm lý, trong đó nhiều trường hợp rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ cùng trẻ. Khi thấy bé ăn tóc như một thói quen, cha mẹ không nên la mắng mà hãy phân tích hành vi, rằng tóc không phải thức ăn, ăn tóc con sẽ bị đau bụng, nôn ói... để bé hiểu được và sửa chữa.

Ngoài ra, gia đình cần đưa trẻ đến khám tâm lý, trị liệu trước khi có hậu quả nặng nề cho sức khỏe của trẻ.

Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/tre-but-toc-va-an-toc-la-bieu-hien-cua-hoi-chung-rapunzel-2024358.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/tre-but-toc-va-an-toc-la-bieu-hien-cua-hoi-chung-rapunzel-2024358.html
Bài liên quan
  • Thực phẩm chức năng sản xuất bằng xô chậu quảng cáo như thần dược
    Thông điệp quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) hệt những quả bom dội vào nhận thức của người tiêu dùng như: “Cam kết điều trị dứt điểm không hết không lấy tiền"; "Đánh bay đái tháo đường type 1, type 2"; "Dứt điểm hoàn toàn huyết áp cao, gia truyền”… Trên thực tế, không sản phẩm khoa học nào có tác dụng như thế.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo phụ huynh từ hành vi tưởng như vô hại của trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO