Có thể suy tim dẫn tới tử vong
Bác sĩ Phan Thái Hảo - trưởng khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM – cho biết di chứng hô hấp, tim mạch, thần kinh, tâm lý là phổ biến nhất, trong đó di chứng tim mạch được đánh giá nghiêm trọng hơn cả nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Những di chứng này có thể xuất hiện từ khi F0 đang trong giai đoạn dương tính, kéo dài vài tuần hoặc nhiều tháng sau khi người bệnh đã "sạch" virus. Những tổn thương này ban đầu có thể không biểu hiện rõ rệt nhưng sẽ diễn tiến nặng dần thành bệnh lý tim mạch.
ThS Trần Thị Tuyết Lan - Viện Tim TP.HCM - cho biết có 3 vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân hậu COVID-19 gặp nhiều nhất. Đó là các biến chứng thuộc chuyên khoa hô hấp, thần kinh và tim mạch. Trong đó, các biến chứng tim mạch là nghiêm trọng hơn vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Lan cho biết thêm, có một nam bệnh nhân do chậm trễ đến khám nên đã bị tử vong. Bệnh nhân đã liên hệ với Viện Tim để đi khám nhưng chần chừ chưa đến vì lý do công việc rất bận. Sau đó, bệnh nhân thấy mệt, phải lấy tay ôm lấy ngực thì được người nhà đưa đến cấp cứu tại một bệnh viện khác nhưng bệnh nhân đã tử vong với chẩn đoán nghi nhồi máu cơ tim.
Mắc COVID-19 có thể dẫn đến viêm phổi, gây tổn thương cơ tim cấp tính như viêm cơ tim, tổn thương mãn tính cho hệ tim mạch như xơ hóa mô kẽ cơ tim, viêm mạch máu, thuyên tắc huyết khối và rối loạn nhịp tim.
Ngoài ra, mắc COVID-19 còn có thể gây viêm và hoại tử các tế bào cơ tim, dẫn đến viêm cơ tim, suy tim. Khi tình trạng suy tim tiến triển nặng có thể gây các rối loạn nhịp tim nguy hiểm như nhịp nhanh thất, rung thất, có thể ngừng tim.
Thêm vào đó, tác dụng phụ của thuốc chống virus, thuốc kháng sinh, tình trạng giảm oxy máu, rối loạn điện giải càng làm nặng thêm các rối loạn nhịp tim sẵn có. Các rối loạn nhịp tim thường gặp là rung nhĩ, cơn nhịp nhanh thất không kéo dài, ngừng tim và nhịp tim chậm.
Làm sao để phòng tránh
BS Lan khuyên bệnh nhân hậu COVID-19 luôn phải chú ý lắng nghe cơ thể mình. Nếu cảm thấy mệt, khó thở, hồi hộp, tim nhanh, chóng mặt, ngất… cần đến gặp bác sĩ tim mạch để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Khi phát hiện có tình trạng đông máu đang hiện diện, tùy theo mức độ, bác sĩ sẽ cho uống thuốc chống đông máu theo liều lượng và thời gian thích hợp.
Nếu có biểu hiện suy tim thì bệnh nhân được điều trị các thuốc cải thiện suy tim, giảm khó thở, sưng chân, theo dõi sự cải thiện của viêm cơ tim với điều trị nội khoa. Các thuốc chống loạn nhịp tim thích hợp với từng loại rối loạn nhịp tim cũng sẽ được cân nhắc kỹ.
Để tránh các di chứng COVID-19 trở nặng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh bị đau ngực, khó thở, đánh trống ngực, phù chân, khó thở, đau đầu... cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hiện nhiều bệnh viện tại TP HCM như Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, Thống Nhất, Chợ Rẫy, Xuyên Á, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM đã mở phòng, khoa khám chuyên khoa…