Cảnh báo nguy hiểm vì dùng thuốc đông y kéo dài

ANH ĐÀO| 19/04/2022 18:42

Thời gian gần đây, một số các bệnh viện tại TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thuốc đông y, thậm chí là tây y. Phần lớn các bệnh nhân đều lạm dụng các thuốc đông và tây y kéo dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

12775ef0c0690e375778.jpg
Bệnh nhân bị ngộ độc thuốc đông y do sử dụng lâu dài - Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy

Lạm dụng để tăng cường sinh lý.

Mới đây, Bệnh viện Chợ rẫy TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân N.V.Đ. (Đăk Lăk) nhập viện với các triệu chứng khắp cơ thể da dẻ nhăn nheo, nổi đốm sần sùi, bàn tay, bàn chân bị biến dạng.

Theo lời kể của ông Đ. để cải thiện sinh lý đàn ông, suốt 2 năm qua, ông mua thuốc bổ thận uống. Sau đó, xuất hiện triệu chứng viêm gan nên ông uống đông dược thì bắt đầu bị ngứa mức độ tăng dần từ nhẹ đến nặng, trên người nổi từng đốm mà không biết bị bệnh gì.

Bệnh viện này cho biết thêm, thời gian gần đây tiếp nhận những ca bị bệnh lý về suy gan cấp, gan to, ứ mật gây vàng da vàng mắt… Những bệnh nhân này đều có tiền căn khỏe mạnh hoặc không có bệnh liên quan đến các vấn đề trên, sau đó đột ngột xuất hiện các triệu chứng và diễn tiến nặng dần lên. Bệnh nhân đi khám, điều trị ở nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân và bệnh cũng không thuyên giảm.

Theo ThS.BS Doãn Uyên Vy - phụ trách phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy – sau khi loại trừ các bệnh lý nội khoa thường gặp, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân: những bệnh nhân này đều có sử dụng thuốc Đông y kéo dài với mục đích tăng cường sinh lý, bồi bổ sức khỏe, điều trị đau khớp hoặc ngăn ngừa đột quỵ…

Bên cạnh đó, một số trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc Tây y lâu dài và gặp tác dụng phụ. Chẳng hạn, có trường hợp bệnh nhân uống thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol 500 mg, 2 viên/ngày, nhưng sử dụng liên tục trong 5 tháng.

Sau đó bệnh nhân xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu, dễ bầm máu ở da, chảy máu chân răng khi đánh răng. Đây chính là tác dụng phụ của Paracetamol khi sử dụng liên tục mỗi ngày dù là liều thấp, không phải là liều độc.

hinh-3-1496999726.jpeg
Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân dùng thuốc đông y đúng liều lượng tại các cơ sở uy tín - Ảnh: Internet

 Đã có bằng chứng của y văn thế giới

ThS.BS Doãn Uyên Vy cho biết đã có những bằng chứng của y văn thế giới ghi nhận thuốc Đông y có chứa các kim loại nặng và gây bệnh nhiễm độc nếu sử dụng thuốc kéo dài. Trong các sách Đông y có những vị thuốc như hùng hoàng, chu sa dùng điều trị nhiều loại bệnh ngoài da, viêm nhiễm, sốt rét, an thần, chống co giật, mất ngủ, giang mai, trẻ con khóc đêm… Những vị thuốc này có nguồn gốc từ những cục đá, khoáng chất chứa thạch tín và thủy ngân.

Do thuốc Đông y thường được tự pha chế thủ công, hoặc dù được đóng gói hiện đại thì liều lượng cũng thường không đồng đều ở các viên thuốc. Thậm chí, có những viên thuốc được bào chế chứa hàm lượng thạch tín, thủy ngân cao gấp 10 – 30 lần so với liều trong sách thuốc Đông y hướng dẫn.

Do đó, người bệnh sử dụng những loại thuốc Đông y này lâu dài sẽ có nguy cơ bị bệnh nhiễm độc từ các kim loại nặng độc hại. Các kim loại này sẽ tích tụ dần dần, đến thời điểm biểu hiện triệu chứng đầy đủ và rõ thì bệnh nhân đã bị nhiễm độc ở mức trung bình. Khi bị nhiễm độc quá nặng có thể chuyển thành ngộ độc bán cấp và cấp tính, dẫn đến tử vong nhanh.

Bác sĩ Vy khuyến cáo thêm: “Thuốc Tây y hay thuốc Đông y đều có những độc dược dùng để trị bệnh, nhưng khi sử dụng phải đúng liều lượng cho phép, sử dụng trong thời gian rất ngắn và phải theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân tùy tiện sử dụng và sử dụng trong thời gian kéo dài sẽ dễ dẫn đến tình trạng tích tụ dần các chất độc trong mô, cơ quan, làm tổn thương các mô, cơ quan, hoặc gặp các tác dụng phụ của thuốc ở mức độ từ trung bình đến nặng. Đó chính là bệnh nhiễm độc do thuốc gây ra”.

ThS.Bs Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108 – cho biết trong vài năm gần đây, ngộ độc đông dược đã trở thành một vấn đề bức xúc. Có trường hợp thì rất rõ ràng, nhưng cũng có trường hợp không hiểu dựa trên cơ sở nào người ta đã quy kết và khiến bệnh nhân lo sợ thực sự khi phải dùng đông dược.

Để ngăn ngừa những tai biến do dùng đông dược:

- Với bệnh nhân cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tuỳ tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng.

Một số vị thuốc và bài thuốc đơn giản theo kinh nghiệm dân gian có thể tự dùng, nhưng tốt nhất vẫn nên có sự tư vấn đầy đủ của thầy thuốc có chuyên khoa. Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời.

- Với thầy thuốc, phải khám xét tỉ mỉ, nắm được tiền sử dị ứng của bệnh nhân, trọng dụng các xét nghiệm hiện đại cần thiết để biết được tình trạng của các cơ quan quan trọng và tiên lượng được kết quả khi dùng thuốc, hết sức thận trọng trong việc kê đơn những vị thuốc có độc.

Hướng dẫn bệnh nhân chu đáo cách thức dùng thuốc, không phối hợp thuốc tây và thuốc ta một cách cẩu thả, kiểm tra kỹ chất lượng thuốc trước khi cân đơn cho người bệnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo nguy hiểm vì dùng thuốc đông y kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO