Khoảng 200.000 ca đột quỵ hàng năm là con số được ghi nhận tại Việt Nam. Đáng lo ngại đây là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu nhưng rất ít trường hợp đột quỵ được đưa đến bệnh viện trong 6 giờ đầu - thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Đặc biệt, khi thời gian này thời tiết chuyển lạnh, nhiều bệnh viện ghi nhận số lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng.
Khoảng hai tuần trở lại đây, khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ đang phải làm việc với cường độ cao khi số lượng bệnh nhân gia tăng đột biến.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Lĩnh - Khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Chúng tôi đã ghi nhận số lượng bệnh nhân tăng 20 - 25% so với mức thu dung trung bình. Bệnh nhân vào viện đợt này không những tăng về số lượng mà tính chất bệnh cũng rất nặng nề, chủ yếu là các bệnh nhân chảy máu não".
Gia tăng bệnh nhân cũng là tình trạng chung tại các khoa phòng Đột quỵ ở những bệnh viện khác, tại đây mỗi ngày tiếp nhận hơn 10 ca bệnh, đáng lưu ý trong đó có những trường hợp chưa thật sự cẩn trọng khi thời tiết chuyển lạnh.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thế Anh - Trưởng Đơn nguyên Đột quỵ, Bệnh viên Thanh Nhàn, Hà Nội nói: "Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy nhiệt độ môi trường giảm đi 1 độ thì nguy cơ đột quỵ tăng 1 - 1,1% và nguy cơ tử vong do đột quỵ tăng 1,12%. Đột quỵ thường xảy ra khi cơ thể thay đổi trạng thái, ví dụ đặc biệt việc thức dậy lúc nửa đêm và lưu ý giữ ấm đầu, cổ khi đi ra ngoài trời bởi nếu không giữ ấm những vùng đó thì quy cơ xảy ra đột quỵ rất cao".
Để phòng chống đột quỵ trong mùa lạnh, các bác sĩ khuyến cáo người có bệnh nền cần kiểm soát bệnh ổn định, không chỉ người cao tuổi, mọi người đều cần giữ ấm cơ thể, có lối sống lành mạnh, khi có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh những di chứng nặng nề.