Năm nay, Amazon Prime Day - ngày hội mua sắm của Amazon - diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/7, dành cho các khách hàng thân thiết của Amazon.
Khi Amazon Prime Day bắt đầu, các chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng đề phòng các hành vi lừa đảo trực tuyến.
Các hoạt động lừa đảo trên Amazon không có gì mới, điển hình như việc giả mạo email của các nhà bán lẻ trực tuyến.
Nhưng theo tổ chức Better Business Bureau (BBB) chuyên xếp hạng các doanh nghiệp, các hoạt động lừa đảo "nở rộ" trong bối cảnh khách hàng “mạnh tay” chi tiêu trong các sự kiện mua sắm lớn, như Black Friday hay Prime Day.
Trong một bản hướng dẫn vào tuần trước, BBB nhắc nhở người tiêu dùng cẩn trọng với những trang web trông giống nhau, các quảng cáo “quá hời” trên mạng xã hội và các email hoặc cuộc gọi lạ trong các sự kiện giảm giá của tháng Bảy này.
Đặc biệt, người tiêu dùng cần cảnh giác nhiều hơn trong năm 2024.
Tháng Sáu vừa qua, BBB công bố một báo cáo cho thấy số vụ lừa đảo tăng cao kỷ lục trong năm 2023 và xu hướng này cũng đang tăng lên từ đầu năm đến nay.
Mới đây, công ty an ninh mạng Check Point Software Technologies do Israel thành lập cho biết hơn 1.230 trang web liên kết với Amazon mới xuất hiện trong tháng Sáu.
Theo Check Point, phần lớn trong số này là độc hại hoặc đáng ngờ.
Theo ông Scott Knapp, Giám đốc phòng ngừa rủi ro cho người mua trên toàn thế giới của Amazon, 2 lĩnh vực chứng kiến nhiều hoạt động lừa đảo nhất nhân dịp Prime Day trong những năm gần đây là khách hàng ưu tiên và xác nhận đơn hàng.
Năm ngoái, hơn 60% số vụ lừa đảo được khách hàng của Amazon phản hồi có liên quan đến các vấn đề về đơn đặt hàng hoặc tài khoản.
Khách hàng cho biết nhận được các cuộc gọi hoặc email lạ nói rằng có vấn đề đối với tư cách thành viên của họ và cần dùng đến tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thanh toán khác để khôi phục tài khoản.
Theo ông Knapp, việc thúc giục người tiêu dùng xác nhận đơn hàng mà họ không đặt cũng là một chiêu trò phổ biến trong năm nay. Những đối tượng lừa đảo có thể chọn một mặt hàng đắt tiền, như điện thoại thông minh, để thu hút sự chú ý và yêu cầu thông tin thanh toán hoặc gửi liên kết độc hại. Chúng cũng có thể tìm cách thu hút người tiêu dùng bằng những lời hứa tặng quà hoặc tạo ra cảm giác cấp bách giả tạo.
Các chuyên gia lưu ý rằng khó có thể biết được hoạt động lừa đảo sẽ diễn ra dưới hình thức nào trước khi sự kiện Prime Day bắt đầu. Nhưng hoạt động lừa đảo mua sắm thường có xu hướng tái diễn từ năm này qua năm khác.
Những trò lừa đảo trực tuyến cũng không ngừng phát triển và ngày càng trở nên tinh vi hơn. Hình ảnh có thể trông hợp pháp hơn, tin nhắn văn bản đọc có vẻ thuyết phục hơn và các trang web giả mạo trông rất giống các trang mua sắm thật.
Theo dữ liệu của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), người tiêu dùng báo cáo đã bị lừa khoảng 10 tỷ USD trong năm 2023, tăng 14% so với năm 2022. Đứng đầu các hình thức lừa đảo là mạo danh, tiếp theo là lừa đảo mua sắm trực tuyến.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần thận trọng với hàng giả và các đánh giá giả mạo trên các trang web của các nhà bán lẻ đáng tin cậy.
Các “đại gia” mua sắm trực tuyến như eBay, Walmart và một số tên tuổi khác, có thị trường bên thứ ba rộng lớn.
Chất lượng và mẫu mã của hàng giả đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát.
Theo các chuyên gia, để phát hiện hàng giả, người dùng nên xem xét giá tiền. Nếu sản phẩm được bán với giá thấp hơn 75% so với giá thị trường, đây là một dấu hiệu rõ ràng. Tuy nhiên, hàng giả cũng có thể tăng giá vào những thời điểm hoạt động chi tiêu tăng cao.
Trước áp lực đối phó với nạn hàng giả ngày càng tăng, Amazon cho biết đã loại bỏ hàng triệu sản phẩm trong những năm gần đây và cũng chặn hàng tỷ danh sách xấu xuất hiện trên trang web của họ.
Trong năm 2023, Amazon cho biết hơn 7 triệu mặt hàng giả đã được phát hiện, thu giữ và xử lý thích đáng. Nhà bán lẻ trực tuyến này cũng đã nộp nhiều đơn kiện những bên đánh giá giả mạo./.