Lỗ thủng ozone trên Nam Cực hiện đã phát triển đến "kích thước tối đa", theo thông tin mới nhất vừa được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thông báo vào 6/10 vừa qua.Thông tin trên được đưa ra chỉ một năm sau khi các nhà nghiên cứu ghi nhận lỗ thủng tầng ozone thu hẹp ở mức thấp nhất kể từ khi chúng ta bắt đầu quan sát nó vào năm 1982.
Theo đó, lỗ thủng ozone ở cực Nam của Trái Đất đã phát triển nhanh chóng từ giữa tháng 8 và đạt đỉnh vào đầu tháng 10. Lỗ thủng này hiện tại có diện tích 23 triệu km vuông, ở mức ‘lớn nhất’ và ‘sâu nhất’ trong những năm gần đây, bao phủ hầu hết Nam Cực.
Lổ thủng tầng ozone tại Nam Cực đạt kích thước lớn nhất trong vài năm trở lại đây
Theo WMO, sự gia tăng về mặt kích thước của lỗ thủng ozone được thúc đẩy bởi một cơn xoáy cực (vùng áp suất thấp liên tục) có tính chất ổn định và lạnh, khiến nhiệt độ của tầng ozone trên Nam Cực luôn ở mức lạnh.
Về cơ bản, sự suy giảm tầng ozone có liên quan trực tiếp đến nhiệt độ ở tầng bình lưu. Các đám mây ở tầng bình lưu tại Bắc Cực và Nam Cực chỉ hình thành ở nhiệt độ dưới -78 độ C. Bản thân các đám mây này chứa rất nhiều tinh thể băng, vốn có thể dẫn đến các phản ứng hóa học làm suy giảm ozone - "lá chắn" giúp bảo vệ Trái đất khỏi tia cực tím có hại của Mặt trời.
Theo WMO, sự suy giảm tầng ozone sẽ tiếp tục xảy ra sau khi Mặt trời chiếu sáng trở lại Nam Cực trong những tuần gần đây. Theo đó, bức xạ từ Mặt trời sẽ kích hoạt các phản ứng hóa học, theo WMO. Tuy nhiên, lỗ thủng tầng ozone tại Nam Cực sẽ bắt đầu trở lại kích thước bình thường kể từ giữa tháng 10, khi nhiệt độ trong khí quyển bắt đầu tăng lên.
Vào thời điểm này năm ngoái, các nhà khoa học vui mừng thông báo rằng lỗ thủng tầng ozone tại Nam Cực đã thu nhỏ lại kích thước nhỏ nhất kể từ khi nó được phát hiện. Tuy nhiên, theo NASA, các thời tiết bất thường ở Nam Cực là ‘tác giả’ khiến lỗ thủng này giảm kích thước, thay vì nỗ lực giảm lượng khí thải nhiên liệu của con người.