Cảnh báo bỏng ở trẻ khi xông hơi hỗ trợ điều trị COVID-19

Thiều Trang| 02/03/2022 06:25

Phụ huynh không được lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng tuổi, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu trong khi điều trị COVID-19.

Theo bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường - tình nguyện viên điều trị mẹ và bé F0 tại nhà, hiện nay nhiều người ở Hà Nội vẫn thực hiện phương pháp xông hơi bằng các loại thảo dược để hỗ trợ điều trị COVID-19. Tuy nhiên, gần đây, bác sĩ Cường đã cấp cứu trường hợp bé 2 tuổi trong lúc xông bị nước nóng bắn vào người.

"Bé bị bỏng độ 2, tổn thương ở cơ quan sinh dục. Rất may mẹ bé có kiến thức sơ cứu đã rửa cho con bằng nước mát trước, sau đó đưa em bé vào viện kịp thời nên tình trạng của bé đã ổn định" - bác sĩ Cường chia sẻ.

Theo bác sĩ Cường, các bậc phụ huynh không được lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng tuổi, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Trong trường hợp không may, để xử lý bỏng ở trẻ em cần tiến hành các bước sau:

- Đầu tiên, phải loại bỏ tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt, đưa trẻ ra khỏi vùng ảnh hưởng;

- Bố mẹ cần cởi bỏ quần áo (đang có nước nóng), đặc biệt là vùng da bỏng để làm mát ngay bằng nước sạch, mát (khoảng 15 - 20 độ C là tốt nhất) trong thời gian ít nhất 20 - 30 phút để giảm bỏng ăn sâu vào da, giảm đau và sưng viêm. Bố mẹ tuyệt đối không dùng đá hoặc nước đá lạnh;

- Tiếp theo, bố mẹ giữ vết bỏng sạch, thoáng, có thể băng nhẹ để giảm đau tại chỗ và ngăn ngừa bụi bẩn. Tuyệt đối không tự ý bôi thuốc, hóa chất lên vết bỏng (như kem đánh răng). Phụ huynh nên sử dụng băng gạc vô khuẩn để tránh nhiễm trùng;

- Mẹ cho trẻ bú nhiều hơn hoặc uống nhiều nước (hoặc oresol) để tránh mất nước, sốc do bỏng;

- Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, bố mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất. Nếu trẻ bị sốc cần bế đầu cao, nghiêng một bên tránh trào ngược thức ăn vào khí quản.

- Bên cạnh việc cấp cứu xử lý khi bị bỏng, cha mẹ cũng cần động viên tinh thần, an ủi để trẻ không bị hoảng loạn, quấy khóc, gây khó khăn trong việc điều trị.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo bỏng ở trẻ khi xông hơi hỗ trợ điều trị COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO