Bà Nguyễn Thu Hiền (60 tuổi, TPHCM) mấy tháng nay chỉ nhìn bằng mắt trái vì mắt phải đã mờ dần đi. Kèm với đó, bà Hiền có tiền sử bị tiểu đường, bị cườm khô (đục thủy tinh thể) dạng đục nhân mức độ IV, nghĩa là tình trạng đục gần như hoàn toàn.
ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng – Chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoaTâm Anh TPHCM đã đo nhãn áp, quan sát từng tổn thương nhỏ, bà Hiền được xác định bị đục thủy tinh thể là tình trạng rối loạn thị lực do cấu trúc bị xáo trộn làm thay đổi độ cong, độ trong, độ đàn hồi và độ dày của thủy tinh thể, khiến thủy tinh thể mờ đục. Từ đó cản trở, không cho ánh sáng đi qua, gây suy giảm thị lực, thậm chí gây biến chứng mất hẳn thị lực nếu tình trạng kéo dài.
Đục thủy tinh thể được chia thành 3 loại. Về phân loại mức độ bệnh, bệnh đục thể thủy tinh được chia thành 5 mức độ.
Trường hợp của bà Hiền, không chỉ rơi vào mức độ gần như cao nhất của tình trạng đục thủy tinh thể, bà còn có bệnh nền đái tháo đường. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý nguy hiểm về mắt.
Người bệnh đã được chỉ định mổ cườm trước, do đó cần sớm điều trị bệnh đái tháo đường thật tốt và nhanh chóng thực hiện phẫu thuật để giữ lại thị lực cho mình, bên cạnh đó giúp bác sĩ có thể quan sát được đáy mắt rõ ràng, kiểm tra tình trạng có biến chứng bệnh võng mạc đái tháo đường hay không.
Nếu không điều trị kịp thời có thể phát sinh biến chứng phù hoàng điểm, tân mạch gây xuất huyết, hay bong võng mạc. Do đó, người bệnh cần nhanh chóng thực hiện phẫu thuật mổ cườm mắt để có được những lợi ích cụ thể, giúp mắt nhìn rõ hơn, tránh biến chứng từ cườm khô thành cườm nước.
Bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cảnh tỉnh, từ đầu năm đến nay, khoa Nội tiết – Đái tháo đường ghi nhận khoảng 10-30% bệnh nhân đến khám tại chuyên khoa bị biến chứng ở mắt. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người đái tháo đường.
Biến chứng mắt là một trong những biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường, là hậu quả của những tổn thương do đường huyết tăng cao và diễn ra trong thời gian dài.
Biến chứng mắt có nhiều giai đoạn, nếu phát hiện và can thiệp sớm sẽ duy trì được tình trạng thị lực. Vì vậy, bất cứ ai cũng nên đi khám mắt định kỳ. Đối với người bệnh tiểu đường, để phòng ngừa biến chứng, người bệnh cần duy trì khám định kỳ, 3, 6 tháng hay 1 năm tùy vào tình trạng bệnh lý.
So với người bình thường, người bệnh đái tháo đường dễ mắc bệnh về mắt hơn như các bệnh lý võng mạc đái tháo đường, đục thủy tinh thể, cườm nước… thậm chí mất hẳn thị lực.