Căng thẳng Nga-Ukraine: Khi người Nga dùng chiến lược của Mỹ

Minh Vương| 16/02/2022 14:50

Miệng hố chiến tranh’, chiến lược Mỹ nhiều lần sử dụng trong Chiến tranh Lạnh đã một lần nữa xuất hiện, nhưng là dưới tay Nga tại biên giới Ukraine. Báo Thế giới & Việt Nam bình luận.

(02.16) Căng thẳng Nga-phương Tây ngày một nóng lên sau khi Moscow điều 150.000 quân tới giáp ranh lãnh thổ của Kiev. (Nguồn: APA.az)
Căng thẳng Nga-Ukraine ngày một nóng lên sau khi Moscow điều 150.000 quân tới giáp ranh lãnh thổ của Kiev. (Nguồn: APA.az)

“Miệng hố chiến tranh”

Cụm từ “miệng hố chiến tranh” (brinkmanship) xuất hiện và phổ biến dưới thời Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles. Trả lời phỏng vấn tạp chí Life năm 1956, nhà ngoại giao kỳ cựu của Washington định nghĩa nó là “khả năng đi tới bờ vực mà không sa vào chiến tranh” và một “nghệ thuật cần thiết”. Học giả Thomas Schelling, chủ nhân Nobel Kinh tế và một chuyên gia về chính sách đối ngoại, coi đây là cách các bên “thao túng rủi ro chung của chiến tranh”.

Để chiến lược này có hiệu lực, hai bên cần liên tục leo thang căng thẳng và có hành động cụ thể, với một bên có lập trường quyết đoán hơn thể hiện cam kết, tạo ra mối đe dọa hữu hình để gây áp lực lên bên còn lại. Khi đó, nguy cơ mất kiểm soát để xảy ra tai nạn và dẫn đến chiến tranh sẽ được một bên sử dụng làm con bài mặc cả, gây áp lực để buộc bên yếu thế hơn đáp ứng lợi ích của mình.

Trong quá khứ, Mỹ từng sử dụng chiến lược “miệng hố chiến tranh” thời Chiến tranh Lạnh, thông qua tăng cường mối đe dọa để buộc Liên Xô chủ động hạ nhiệt căng thẳng. Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1961. Sau khi Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo tại Cuba, thay vì tiến hành tấn công bằng đường không để vô hiệu hóa tên lửa cùng một chiến dịch đổ bộ quy mô lớn như nhiều cố vấn đề xuất, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã ra lệnh tiến hành phong tỏa đường biển hòn đảo này. Đồng thời, Washington yêu cầu Moscow tháo dỡ và di chuyển tên lửa khỏi lãnh thổ của La Havana ngay lập tức.

Như vậy, thay vì nhượng bộ trước áp lực, người Mỹ đã quyết định thể hiện thái độ vừa phải, chờ đợi phản ứng của Liên Xô về lệnh phong tỏa đường biển trước khi có động thái mới. Phần còn lại là lịch sử: Moscow tháo dỡ và di chuyển tên lửa khỏi lãnh thổ của La Havana. Đổi lại, Mỹ cam kết không tấn công Cuba và gỡ bỏ các tên lửa đạn đạo tầm trung Jupiter đặt trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong quá khứ, Mỹ từng sử dụng chiến lược “miệng hố chiến tranh” thời Chiến tranh Lạnh, thông qua tăng cường mối đe dọa để buộc Liên Xô chủ động hạ nhiệt căng thẳng.

Áp lực có tính toán

Chiến tranh Lạnh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng các phương pháp, chiến lược khi đó vẫn được sử dụng tới ngày nay. “Miệng hố chiến tranh” là một trong số đó. Có người cho rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là nỗ lực theo đuổi đường lối quyết đoán song mạo hiểm này. Nhưng với diễn biến mới nhất tại biên giới Nga-Ukraine, Triều Tiên có lẽ không còn là nước duy nhất còn sử dụng chiến lược “miệng hố chiến tranh”.

Cụ thể, việc Nga điều động lực lượng đến biên giới với Ukraine để tập trận đã tính toán kỹ tới ba yếu tố sau.

Thứ nhất, chiến dịch rút toàn bộ lực lượng đồn trú khỏi Afghanistan cuối tháng 8/2021 cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn chấm dứt sự hiện diện đắt đỏ, không hiệu quả của quân đội xứ cờ hoa ở nước ngoài, tập trung vào cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc.

Bởi vậy, mặc dù tuyên bố cứng rắn, đe dọa trừng phạt về chính trị-kinh tế, song Washington chỉ gửi hơn 3.000 quân cùng khí tài hỗ trợ Kiev từ các nước lân cận và rút lực lượng đang đồn trú ra khỏi Ukraine. Đây là con số ít ỏi so với 150.000 người của Moscow ở biên giới Nga-Ukraine nếu xung đột nổ ra.

Thứ hai, đó là quan điểm của Liên minh châu Âu (EU). Trước hết, Brexit, dịch Covid-19, vấn đề người di cư đã tác động tới đoàn kết nội khối của EU. Quan trọng hơn, dự án Dòng chảy phương Bắc 2, tình trạng thiếu hụt năng lượng tại châu Âu cho thấy nhiên liệu từ phía Nga vẫn ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế của khối.

Đó là lý do tại sao tương tự làn sóng trục xuất quan chức ngoại giao Nga năm 2021, phản ứng của EU trước Nga chủ yếu dừng ở tuyên bố trên giới truyền thông và thảo luận trên bàn đàm phán, với hoạt động quân sự trên thực địa diễn ra một cách nhỏ lẻ và không mang tính phối hợp.

(02.16) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã yêu cầu điều động binh sỹ Mỹ ở Ukraine sang địa bàn châu Âu khác. (Nguồn: CNBC)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin yêu cầu điều động binh sĩ Mỹ ở Ukraine sang địa bàn châu Âu khác. (Nguồn: CNBC)

Thứ ba, không thể không kể tới lập trường của Trung Quốc. Một mặt, nhiều nhà quan sát cho rằng hoạt động của Nga tại biên giới với Ukraine sẽ tạo tiền đề để Trung Quốc quyết đoán hơn với Đài Loan (Trung Quốc).

Mặt khác, dù có liên kết chính trị chặt chẽ với Moscow, song Bắc Kinh vẫn duy trì hợp tác kinh tế đáng kể với Kiev. Vì thế, dự khai mạc Olympic mùa Đông và gặp gỡ trực tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình là cách Tổng thống Vladimir Putin xác nhận lập trường của Trung Quốc trong căng thẳng Nga-Ukraine. Dù không đề cập tới Kiev, song việc Bắc Kinh phản đối tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông là đã đủ.

Đây là ba yếu tố quan trọng để Nga quyết đoán điều lượng lớn quân tới biên giới với Ukraine.

Tuy nhiên, hành động này không hướng tới chiến tranh. Một xung đột mới sẽ không mang lại lợi ích, dù với Nga, Ukraine, Mỹ, phương Tây hay Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Moscow nhiều lần khẳng định sẽ không nổ súng trước. Chẳng vậy mà ngày 16/2, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết ông Vladimir Putin đã nhiều lần “bật cười và nói đùa” khi nghe phương Tây phỏng đoán về Nga tấn công Ukraine.

Một xung đột mới sẽ không mang lại lợi ích, dù là với Nga, Ukraine, Mỹ, phương Tây hay Trung Quốc. Đó là lý do bất chấp cáo buộc từ Washington và châu Âu, Moscow nhiều lần khẳng định sẽ không nổ súng trước.

Mạo hiểm để thành công

Một cuộc xung đột không mang lại lợi ích cho Nga, nhưng nỗi lo của các bên về khả năng chiến tranh xảy ra có thể mang lại nhiều lợi ích cho Moscow.

Trước hết, Nga đã khéo léo khai thác yếu tố này qua chiến lược “miệng hố chiến tranh” để gây áp lực, lấy nguy cơ mất kiểm soát dẫn đến chiến tranh để buộc Mỹ và châu Âu đáp ứng điều kiện đảm bảo an ninh mang tính sống còn mình.

Moscow đã yêu cầu phương Tây đảm bảo pháp lý về ngưng mở rộng NATO về phía Đông, hủy bỏ việc kết nạp Ukraine làm thành viên, không thiết lập căn cứ quân sự tại các nước Liên Xô cũ hay bố trí vũ khí tấn công của NATO gần Nga, đồng thời rút lực lượng tại Đông Âu về vị trí như năm 1997.

Tính đến thời điểm này, câu trả lời của Mỹ và phương Tây là chưa rõ ràng. Song hàng loạt cuộc điện đàm, gặp gỡ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Mỹ Joe Biden cùng lãnh đạo châu Âu cho thấy Moscow đang nắm thế chủ động và hoàn toàn có cơ sở để đạt được một phần, thậm chí toàn bộ các đề xuất về chính trị - an ninh với phương Tây.

Điều này sẽ góp phần đảm bảo chủ quyền lãnh thổ của Nga, duy trì, mở rộng ảnh hưởng của Moscow trong không gian hậu Xô Viết và củng cố vị thế trên trường quốc tế.

(02.16) Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hội đàm ngày 15/2. (Nguồn: Sputnik/Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hội đàm ngày 15/2. (Nguồn: Sputnik/Reuters)

Ngoài ra, hoạt động quân sự của Moscow gần lãnh thổ Kiev đã đẩy giá dầu lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Nga và Ukraine là hai mắt xích then chốt trong chuỗi năng lượng châu Âu. Moscow là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của châu Âu còn Kiev là một phần quan trọng của tuyến vận chuyển nhiên liệu đó từ Nga đến EU. Căng thẳng giữa hai mắt xích này là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh năng lượng châu Âu nói riêng, thế giới nói chung.

Giá nhiên liệu cao mang lại lợi ích kinh tế lớn cho xuất khẩu năng lượng, vốn chiếm cấu phần quan trọng trong các nguồn thu của Nga, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế của xứ bạch dương sau đại dịch Covid-19 và cấm vận ngặt nghèo của phương Tây.

Tuy nhiên, Nga cũng hiểu rõ về nguy cơ dẫn đến xung đột của sách lược “miệng hố chiến tranh”. Do đó, một mặt, dù thể hiện lập trường cứng rắn với phương Tây, song Moscow liên tục duy trì đối thoại và thỏa luận với Washington và châu Âu để hiểu rõ lập trường, ranh giới của nhau, tránh các tai nạn nguy hiểm trên thực địa.

Mặt khác, việc Nga rút một phần quân khỏi biên giới với Ukraine ngày 15/2 vừa thể hiện thiện chí đàm phán, vừa giảm thiểu rủi ro chiến tranh. Động thái này đã nhận được phản ứng tích cực từ Mỹ, Pháp, Anh và Đức, song còn quá sớm để nhận định căng thẳng Nga-Ukraine sớm hạ nhiệt.

Tương lai đàm phán giữa Moscow và phương Tây sẽ đi về đâu? Liệu chiến lược Mỹ có giúp Nga đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, lợi ích đối nội và ảnh hưởng tại không gian hậu Xô Viết? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/cang-thang-nga-ukraine-khi-nguoi-nga-dung-chien-luoc-cua-my-174149.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/cang-thang-nga-ukraine-khi-nguoi-nga-dung-chien-luoc-cua-my-174149.html
Bài liên quan
  • Ukraine muốn gia nhập NATO: Ai 'có tiếng nói'?
    Ngày 15/2, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định, thẩm quyền xác định tư cách thành viên của Kiev trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chỉ thuộc chính NATO và quốc gia Đông Âu này.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng Nga-Ukraine: Khi người Nga dùng chiến lược của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO