Cạn vắc xin sởi miễn phí, lo ngại dịch bệnh rình rập

14/09/2022 09:06

Phải nhanh chóng tìm nguồn vắc xin bù đắp để bệnh sởi không quay lại”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định.

Vắc xin sởi miễn phí hết từ tháng 5

Vắc xin phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin đơn giá MVVAC, do Việt Nam sản xuất, gồm 2 liều. Liều thứ nhất được tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, liều thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Tại TP.HCM, nhu cầu sử dụng vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng vào khoảng 6.000 liều/tháng. Từ tháng 5 đến nay, TP.HCM không còn nhận được vắc xin sởi do Viện Pasteur TP.HCM trung chuyển từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

TP chỉ nhận được 6.000 liều DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) vào ngày 12/8, tuy nhiên vắc xin này cũng đã dùng hết. Ngày 31/8, Viện Pasteur TP.HCM thông báo trong kho đã hết 2 loại vắc xin sởi và DPT.

Sở Y tế TP.HCM tiếp tục có văn bản khẩn gửi UBND TP và Bộ Y tế, đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Chương trình tiêm chủng quốc gia phân bổ vắc xin đủ theo số lượng đã đăng ký, nhằm đảm bảo tiêm chủng cho người dân.

Sở Y tế TP.HCM nhận định, thiếu nguồn cung vắc xin sởi đơn và DPT là 1 trong các nguyên nhân khiến kế hoạch tiêm chủng mở rộng của TP không đạt chỉ tiêu mà chỉ ở mức 76,6%.

Dịch bệnh rình rập

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, ngành y tế cần nhanh chóng tìm nguồn vắc xin phòng sởi để tiêm cho trẻ nhỏ. “Nếu không, bệnh sởi sẽ quay lại”, ông lo ngại.

Theo bác sĩ Khanh, vắc xin sởi đơn của Chương trình tiêm chủng mở rộng hết, trẻ sẽ không được chủng ngừa khi 9 tháng tuổi. Để đảm bảo có miễn dịch, trẻ cần phải tiêm vắc xin dịch vụ (tốn phí) khi 12 tháng tuổi.

“Tuy nhiên nếu gia đình không có điều kiện kinh tế thì rất khó tiêm vắc xin dịch vụ”, ông nói.

Trước tình hình căng thẳng trên, bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC cho biết đã có hướng dẫn tạm thời với các trạm y tế trên địa bàn. Theo đó, trạm y tế phải lập danh sách trẻ đến tuổi mà chưa được tiêm chủng để đến khi có vắc xin sởi sẽ mời tiêm ngay.

Trạm y tế cũng có thể dùng vắc xin MR (phòng sởi và rubella) của Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.

Bà Nga cũng nói thêm, nếu có điều kiện, phụ huynh có thể đưa con đi tiêm chủng ở các cơ sở tiêm chủng dịch vụ khi đến lịch.

Theo bảng giá của một Trung tâm tiêm chủng dịch vụ lớn, vắc xin sởi - quai bị - rubella có 3 loại (do Mỹ, Bỉ, Ấn Độ sản xuất), giá dao động trong khoảng 205.000 đồng đến 415.000 đồng/mũi. Đơn vị này vẫn còn vắc xin sởi đơn giá, loại do Việt Nam sản xuất.

Nhiều phụ huynh cho hay, chi phí 200.000 đồng/mũi tiêm cho trẻ nhỏ không phải là dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế bị tác động do dịch Covid-19.

Đây là lần đầu tiên vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM hết. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vắc xin phòng sởi và DPT của Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện không thể tiến hành mua bán, cung ứng do vướng mắc thủ tục theo quy định hiện hành.

Bệnh sởi dễ lây truyền diện rộng

Bệnh sởi từng là nỗi ám ảnh vào năm 2014. Khi đó, dịch sởi bùng phát và cướp đi sinh mạng hơn 100 trẻ nhỏ, chủ yếu ở phía Bắc.

Bệnh sởi có đặc tính dễ lây truyền trên diện rộng. Người nhiễm bệnh khi ho, hắt hơi, nói chuyện, các giọt dịch tiết mũi họng chứa virus sởi sẽ phát tán ra ngoài không khí, bám trên các bề mặt và lây nhiễm.

Nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách, người bệnh có thể gặp biến chứng nghiêm trọng như viêm đường hô hấp, viêm tai mũi họng, tiêu chảy cấp, mù lòa, viêm màng não,... dẫn đến các di chứng nặng nề, tàn phế, tử vong. Phụ nữ có thai khi mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, sinh non.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cạn vắc xin sởi miễn phí, lo ngại dịch bệnh rình rập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO