Cẩn trọng với vết cắn từ mò, mạt nhà

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 11/07/2022 19:09

Mặc dù có kích thước nhỏ, khó có thể thấy nhưng mò, mạt nhà là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều trường hợp nhập viện cần điều trị, thậm chí có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

20190801_140643_660863_benh-sot-mo-kho-pha.max-1800x1800.jpg
Mò có kích thước nhỏ khi đốt trên cơ thể người có thể gây nguy hiểm tính mạng - Ảnh: Internet

Nguy hiểm từ vết cắn

Theo thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, hiện trung tâm đang điều trị cho một bệnh nhân sốt mò sau một hành trình dài đi qua một số bệnh viện và chuyên khoa khác nhau.

Đó là bệnh nhân nữ 75 tuổi, sống ở An Dương, Hải Phòng. Bệnh nhân chỉ ở nhà làm vườn, xuất hiện sốt kèm theo tức ngực, khó thở, ngày thứ 5 đến Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) trong tình trạng sốt cao, tức ngực, khó thở. Bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, điều trị 2 ngày không đỡ nên đã chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Tại Trung tâm Cấp cứu bệnh viện Bạch Mai, sau khi thăm khám kỹ, các bác sĩ phát hiện có một vết loét ở da vùng bẹn bên trái - một tổn thương khá đặc hiệu do mò cắn.

Mò là một loại côn trùng, truyền vi khuẩn Rickettsiae tsutsugamushi gây bệnh cảnh nhiễm trùng huyết và giống các căn nguyên gây nhiễm khuẩn huyết khác nên các bác sĩ thường chẩn đoán nhầm nếu không để ý đến vết loét ngoài da do con mò đốt.

Bệnh nhân T.H.O. (65 tuổi) thỉnh thoảng cũng bị nổi mẩn ngứa, nhất là khi về đêm. Vào tầm giờ đi ngủ, những chỗ ngứa trên da có lúc nổi gồ trên bề mặt da, ở cổ. Do bị ngứa nhiều, bà liên tục gãi khiến da trầy xước nhiều. Những khi đi vào chỗ nhiều bụi, bà thường xuyên có triệu chứng chảy nước mũi, hắt hơi.

Tình trạng này kéo dài hơn một năm. Mới đây, bà được chỉ định làm xét nghiệm tầm soát dị nguyên tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Kết quả, xét nghiệm tầm soát dị ứng cho thấy bệnh nhân bị dị ứng với hai con mạt bụi nhà (Dp, Df).

tac-hai-mat-bui-nha.jpeg
Mạt nhà có thể gây dị ứng - Ảnh: Internet

 Có thể gây tử vong

PGS Đỗ Duy Cường - giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - cho biết đặc điểm của con mò thường hay cắn ở vùng kín, vùng da mỏng và có nếp gấp như bẹn, nách, bìu, sau tai, quanh hậu môn,... đầu tiên thường tổn thương như nốt phỏng đường kính 0,5-1cm, không đau, không ngứa nên bệnh nhân thường không để ý đến.

Sau một vài ngày nốt phỏng thường tự vỡ ra, đóng một vảy đen hơi lõm xuống mặt da và xung quanh có gờ đỏ kèm theo tổn thương nổi hạch, phát ban. Một số bệnh nhân sẽ dẫn đến nặng, có biểu hiện suy hô hấp, có bệnh cảnh giống nhiễm khuẩn huyết.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nên những biến chứng cấp tính như suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm cơ tim, viêm màng não, có thể sốc giảm thể tích và tử vong. Sốt mò là một bệnh khá phổ biến trong thời gian gần đây ở một số nước nhiệt đới.

Tại Việt Nam, khu vực mò hay sinh sống là những vùng nông thôn hay trung du, miền núi - nơi có cây cối rậm rạp, bụi cây. Con mò sẽ đốt và truyền tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Rickettsiae tsutsugamushi vào cơ thể người.

“Người dân khi làm việc ngoài đồng ruộng hoặc những nơi có bụi cây rậm rạp nên chú ý trang phục bảo hộ lao động: mặc quần áo dày, đi tất/ủng và có thuốc/hóa chất để thoa/xịt trên người để tránh côn trùng đốt. Khi có triệu chứng sốt đột ngột, xuất huyết, mệt mỏi, đau người, phát ban, nổi hạch, cần quan sát và kiểm tra kỹ trên cơ thể xem có nốt đốt như mô tả ở trên thì nghĩ đến đây là tổn thương do mò đốt và nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Cường khuyến cáo.

TS Trịnh Hoàng Kim Tú - Đại học Y dược TP.HCM - cho biết con mạt nhà có kích thước nhỏ, chỉ chừng 0,1-1 micrometer, do đó không nhìn thấy được bằng mắt thường, cũng như không cảm nhận được mạt bụi nhà trên da.

Mạt nhà thích môi trường ấm áp, ẩm ướt, nghiên cứu cho thấy những nơi có nồng độ mạt nhà cao là thảm, khu vực bên dưới thảm, vỏ chăn, gối, nệm, đđặc biệt ở trẻ em là thú bông, máy lạnh. Một số loại mạt có thể sinh sống trong thức ăn có nấm mốc, hoặc trong các túi bột đã mở ra lâu ngày nhưng không sử dụng.

Những chất tiết của mạt nhà (phân...) cũng như bản thân cơ thể con mạt nhà chứa các protein gây dị ứng - còn gọi là dị nguyên, vì vậy khi tiếp xúc với bệnh nhân dị ứng, có thể tiếp tục gây mẫn cảm và do đó gây kéo dài triệu chứng.

Theo TS Kim Tú, với những người đã biết chắc chắn mình bị dị ứng với mạt nhà và có những triệu chứng liên quan nên phòng tránh bằng cách giảm nồng độ mạt bụi nhà hoặc giảm tiếp xúc với mạt nhà bằng cách giặt đồ bằng nước ấm (≥ 55 độ C), phơi nắng có thể diệt gần như toàn bộ lượng mạt nhà, nhiệt độ thấp (-15 độ C) ít nhất 48 giờ có thể diệt mạt nhà và trứng mạt.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng với vết cắn từ mò, mạt nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO