Cẩn trọng với làm đẹp bằng tiêm filler

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 06/05/2022 17:40

Tiêm filler, một trào lưu làm đẹp được nhiều chị em lựa chọn. Mặc dù được cảnh báo nhiều lần nhưng vài năm trở lại đây nhiều người vẫn phải trả giá bằng tính mạng của mình khi tiêm trúng filler “dỏm”.

1465914261-w660-5840-1536139284.jpeg
Hình ảnh một phụ nữ bị hỏng chiếc mũi vì tiêm phải filler "dỏm" - Ảnh: BVCC

Suýt chết vì làm đẹp

Sáng 6/5, một người phụ nữ 47 tuổi tại Hà Nội đã tìm một spa ở quận Cầu Giấy để tiêm collagen tươi đệm mô chân được sản xuất ở châu Âu. Tuy nhiên, thực tế tại cơ sở đó, chất được tiêm vào hai bắp chân chị là filler.

Tổng cộng chị được tiêm 3ml vào hai bắp chân với chi phí 60 triệu đồng. “Một ngày sau tiêm, tôi đã cảm thấy đau nhức, hai bắp chân sưng diện rộng, tấy đỏ, không thể nhấc chân đi lại bình thường”, chị kể. Thấy bất thường, chị tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để khám.

TS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - cho biết bệnh nhân đến khám trong tình trạng viêm mô dưới da rất rõ, sưng đỏ dọc theo đường tiêm. Hình ảnh siêu âm cho thấy, bên chân được tiêm 2ml đã có ổ áp xe dọc bắp chân, bên còn lại được tiêm 1ml dần hình thành ổ áp xe.

Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, giảm đau. Sau 5 ngày, tổn thương dần trở về bình thường, tuy nhiên bệnh nhân phải tiếp tục theo dõi.

Cùng ngày, bác sĩ Đặng Quý Đức - Phó khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết đã tiếp nhận một bệnh nhân ngụ quận Bình Tân được chuyển đến cấp cứu đêm 24/4 trong tình trạng nguy kịch, khó thở, oxy máu thấp, huyết áp tụt.

Bệnh nhân choáng tim, trái tim hầu như không co bóp, các bác sĩ phải can thiệp bằng kỹ thuật ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) ngay trong đêm.

Theo bác sĩ Đức, ngoài choáng tim, tổn thương cơ tim khả năng do tiêm filler (chất làm đầy) Alisa có lidocaine, bệnh nhân còn bị tổn thương gan, tổn thương thận cấp phải chạy thận nhân tạo hỗ trợ. Đến ngày thứ 8, bệnh nhân ổn định sức khỏe, cai ECMO, ngưng chạy thận, chức năng gan, thận và tim gần như hồi phục hoàn toàn.

Bệnh nhân cho biết qua quảng cáo trên mạng xã hội, chị đến một cơ sở thẩm mỹ để tiêm ba lọ filler Alisa (dung tích 50 ml/lọ) vào vùng ngực và mặt, ngày 23/4. Sau tiêm, chị cảm thấy mệt. Hôm sau chị mệt hơn, sốt, khó thở hơn, đến Bệnh viện Quận Bình Tân khám và được chuyển sang Chợ Rẫy cấp cứu.

Tiêm filler có thể dẫn đến tử vong

Filler được sử dụng trong dịch vụ thẩm mỹ ngày càng nhiều, chiếm ưu thế so với các phương pháp làm đẹp khác nhờ kỹ thuật khá đơn giản, ít đau, hiệu quả tức thì và kéo dài, không phải trải qua phẫu thuật.

Tuy nhiên, filler tiềm ẩn nhiều nguy cơ, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho sức khỏe, tổn thương tàn phế vĩnh viễn một số chức năng cơ thể và có thể tử vong nếu người thực hiện kỹ thuật tiêm không tuân thủ nguyên tắc chuyên môn hoặc chưa qua đào tạo.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái - Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Việt Nam – Cuba - cho biết trong thẩm mỹ, filler là chất làm đầy có hoạt chất sinh học được phép sử dụng, thích ứng với cơ thể. Chất này có tên axít hyalurounic hữu cơ.

Khi vào cơ thể bằng đường tiêm dưới da, filler sẽ thẩm thấu hút nước làm tăng thể tích, từ đó căng đầy bề mặt da, cho làn da bóng, đẹp, xóa nếp nhăn, giúp mọng môi, làm mũi tẹt thành mũi cao, cằm tròn thành cằm dài...

Do khả năng có thể “hòa quyện” vào cơ thể nên việc tạo hình bằng filler khá tự nhiên, được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, chất làm đầy tiêm vào cơ thể phải là chất được phép lưu hành, chất lượng bảo đảm, nguồn gốc rõ ràng, đồng thời phải thực hiện tại các cơ sở được cấp phép.

Bác sĩ Thái nhấn mạnh trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm filler trôi nổi, là hàng nhái, hàng xách tay không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm này có giá rẻ nên được một số cơ sở làm đẹp dù không được phép thực hiện dịch vụ vẫn mua về tiêm cho khách hàng.

Nguy cơ gây biến chứng từ các chất filler trôi nổi này rất lớn. Thậm chí, cả collagen làm từ da trâu (keo da trâu) cũng được sử dụng tiêm cho người dù các sản phẩm này dễ gây nhiễm trùng. Giới chuyên môn lưu ý ngay cả khi tiêm các chất làm đầy có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì vẫn có nguy cơ xảy ra biến chứng.

crh00052-jpg-1651821047-165182-8096-6164-1651821311.jpeg
Một phụ nữ tiêm filler gặp nguy hiểm tính mạng được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu - Ảnh: An Mỹ

Làm sao để làm đẹp an toàn?

TS.BS Phạm Thị Việt Dung - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết làm đẹp nói chung và tiêm filler nói riêng là một nhu cầu hết sức chính đáng của các chị em để cải thiện ngoại hình của mình.

Tuy nhiên, trước khi lựa chọn can thiệp bất cứ thủ thuật, phẫu thuật nào trên cơ thể, cần tìm hiểu kĩ thủ thuật, phẫu thuật đó có thực sự phù hợp, có cần thiết với mình hay không, cần tìm hiểu can thiệp đó có lợi ích cũng như có thể có những biến chứng gì.

Quan trọng nhất là cần lựa chọn những cơ sở chuyên khoa được cấp phép, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép tiêm filler, lựa chọn những loại filler đảm bảo chất lượng đã được cấp phép (FDA, Bộ Y tế). Chị em nên tránh chạy theo quảng cáo mà không tìm hiểu ngọn nguồn để rồi tiền mất tật mang.

“Các cơ sở được cấp phép không thể là các SPA, chăm sóc da hay các cơ sở cắt tóc gội đầu…mà phải là các phòng khám da liễu hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Các cơ sở phải có biển niêm yết ghi rõ là phòng khám chuyên khoa, có niêm yết tên cũng như số giấy phép hành nghề của bác sĩ phụ trách.

Với những bệnh nhân mới tiêm filler có những biểu hiện của các biến chứng sớm của tắc mạch như mất thị lực, đột quỵ hay yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, thường liên quan đến kỹ thuật tiêm cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lí cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Dung chia sẻ.

Bác sĩ Dung cho biết thêm nhiều trường hợp biểu hiện các biến chứng muộn như nhiễm trùng, viêm loét, vón cục…liên quan đến kỹ thuật tiêm hoặc chất liệu làm đầy không đảm bảo, không được cấp phép, lan tỏa trong mô mềm vùng tiêm. Việc điều trị các biến chứng muộn này thường mất nhiều thời gian và để lại nhiều di chứng cả về mặt chức năng và thẩm mỹ.

Với những bệnh nhân đã tiêm các loại chất làm đầy không rõ nguồn gốc nhưng may mắn chưa xuất hiện các biến chứng thì cũng nên thăm khám định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa tạo hình, thẩm mỹ hoặc bác sĩ da liễu.

Thông thường, bệnh nhân cần khám, siêu âm, đôi khi cần chụp cộng hưởng từ… để đánh giá tính chất của tổ chức tiêm vào mô, mức độ thâm nhiễm của các chất này đối với các tổ chức xung quanh.

Từ đó, các bác sĩ sẽ cân nhắc việc có nên lấy bỏ chất làm đầy này hay không, tiên lượng có lấy bỏ được hết hay không và đánh giá xem cần làm gì để tái tạo lại các mô tổ chức bị viêm, thâm nhiễm. Vì vậy, để đẹp một cách an toàn, trước khi quyết định các chị em nên cân nhắc và tìm hiểu thật cẩn trọng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng với làm đẹp bằng tiêm filler
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO