Cẩn trọng rối loạn đông máu hậu COVID-19 có thể dẫn đến đột quỵ

ANH ĐÀO tổng hợp| 24/01/2022 15:58

Theo các bác sĩ, sau khi nhiễm COVID-19 nhiều người mắc phải di chứng rối loạn đông máu, chính điều này có thể dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ.

e03b15cc2d20e07eb931(1).jpg
Các bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM đang thăm khám hậu COVID-19 - Ảnh: BSCC

Đột qụy sau nhiễm COVID-19

Dữ liệu tại Hà Lan và Pháp cho thấy trong tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải vào ICU (đơn vị chăm sóc tích cực), có 30-70% trường hợp hình thành cục máu đông trong các tĩnh mạch sâu của chân hoặc trong phổi.

Các cục máu đông sau khi di chuyển đến phổi sẽ cản trở máu lưu thông gây ra khó thở, làm cho tình trạng bệnh nhân nhiễm COVID-19 càng nghiêm trọng. Điều này có thể giải thích tại sao những bệnh nhân bị COVID-19 nặng thường có mức oxy rất thấp.

Thông thường, những yếu tố dẫn đến đột quỵ thường liên quan đến tuổi tác ngày càng cao, tăng huyết áp, cholesterol cao, hút thuốc, béo phì, bệnh lý tim mạch…

Tuy nhiên, bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn khi so sánh với số còn lại. Và nó cũng bất thường hơn khi nhiều trường hợp đột quỵ dưới 50 tuổi mà không có yếu tố nguy cơ đột quỵ nào khác.

Đầu tháng 12-2020, chị T.M. (24 tuổi, Cần Giờ) hay nôn ói, đau đầu, chóng mặt, bị ảo giác, chân tay tê, đi khám được bác sĩ chẩn đoán bị ốm nghén thai kỳ và tụt canxi. Tuy nhiên về đến nhà, chị ngã gục, co giật, nửa người bên phải yếu liệt, người nhà đưa đến một bệnh viện tại TP.HCM để cấp cứu.

Bác sĩ phát hiện chị M. vừa khỏi COVID-19, vừa đột quỵ thể nhồi máu não ở tĩnh mạch nội sọ. Chị được chuyển đến Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM.

Kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị thiếu protein S - một chất kháng đông máu tự nhiên, cộng thêm biến chứng rối loạn đông máu do mắc COVID-19 dẫn đến cơn đột quỵ.

Nên đi làm xét nghiệm kiểm tra đông máu

dot-quy-3.jpeg
Người dân nên đi làm các xét nghiệm đông máu sau khi khỏi COVID-19 - Ảnh: Internet

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, những bệnh nhân phục hồi sau khi nhiễm COVID-19 nên làm xét nghiệm kiểm tra đông máu, nhất là khi gặp một trong các triệu chứng của chứng đông máu sau:

- Đau đầu dữ dội, không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau thông thường

- Đau đầu nặng hơn khi nằm xuống hoặc cúi xuống

- Bầm tím hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân

- Khó thở

- Tim đập nhanh

- Tức ngực

- Đổ mồ hôi nhiều

- Sưng phù hoặc đỏ, thường ở cẳng chân, đôi khi là ở đùi, xương chậu hoặc cánh tay

- Đau ở chân, đùi, xương chậu, cánh tay

Đặc biệt là những bệnh nhân từng bị đột quỵ hoặc có yếu tố nguy cơ đột quỵ (tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, cholesterol cao, hút thuốc, bệnh lý tim mạch…) nên làm xét nghiệm kiểm tra đông máu sau khi khỏi bệnh COVID-19 để đánh giá và dự phòng nguy cơ đột quỵ sau đó.

Bác sĩ Phan Thái Hảo - Tưởng khoa tim mạch - lão học, Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM - cho biết cơ thể mỗi người có hai hệ thống đông máu và chống đông máu đối kháng nhau để không xảy ra tình trạng đông máu hoặc loãng máu quá.

Sau khi nhiễm COVID-19, người bệnh bị tăng đông trong máu, dẫn đến tắc mạch máu não gây đột quỵ, tắc phổi, tắc mạch chi…

Nhiều người có cơ địa dễ đông máu như có xơ vữa động mạch cộng thêm nhiễm COVID-19 làm tăng đông dẫn theo tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Theo bác sĩ Hảo, để giảm nguy cơ bị đột quỵ, người bệnh sau khi nhiễm COVID-19 nên đến bệnh viện để được thăm khám làm các xét nghiệm, siêu âm mạch máu, kiểm tra các chất trong máu làm tăng khả năng đông máu để phòng ngừa.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng rối loạn đông máu hậu COVID-19 có thể dẫn đến đột quỵ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO