Bên cạnh đó, việc bán hồ sơ nợ có thể chỉ là một cách “lách” đòi nợ thuê khi dịch vụ này đã bị cấm.
"Bất công, ngang trái giữa các loại hình cho vay"
Thời gian qua, Báo Lao Động nhận được phản ánh về việc chủ một doanh nghiệp tại Hải Phòng bị tấn công mạng vì có nhân viên vay tiền của Công ty Mirae Asset.
Nhân viên này cho biết, vì không thể chịu nổi mức lãi suất lên tới 55,76%/năm theo ký kết với Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Công ty Mirae Asset) nên muốn thanh toán toàn bộ số tiền hợp đồng thay vì trả từng tháng. Sau đó do không đạt thỏa thuận, nhân viên này dừng nộp tiền, dẫn đến việc Công ty Mirae Asset bán hồ sơ nợ cho bên thứ 3 là Công ty Mua bán nợ DSP.
Trao đổi về mức lãi suất trên, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, những người tìm đến các tổ chức tài chính vay mượn thì đa số không thể vay ngân hàng và có nhu cầu cấp thiết về tài chính, dẫn đến dễ chấp nhận mức lãi suất cao. Cùng với đó, vấn đề lãi suất của nước ta còn nhiều bất cập.
Luật sư Trương Thanh Đức. Đồ họa: Phan Anh |
"Tại Việt Nam, công ty tài chính hợp pháp có thể cho vay với lãi suất trên 100%/năm, tức cao hơn mức lãi suất phạm tội cho vay lãi nặng theo quy định của Bộ luật Hình sự, vì không áp dụng trần lãi suất đối với các tổ chức tín dụng. Đề nghị giảm lãi trong trường hợp này hoàn toàn là theo thỏa thuận, thương lượng, chứ theo luật thì lãi cao bao nhiêu người dân vẫn phải chịu, kể cả sau khi khoản nợ đã được bán cho người khác.
Sự thật hiện nay các tổ chức tài chính này cho vay các khoản nhỏ lẻ với mức lãi suất lên tới 60% - 80% là bình thường, trong khi đó các khoản vay ngoài tổ chức tín dụng không được phép quá 20%. Nếu khoản vay bị kéo dài thì tổng lãi có thể tăng gấp vài lần so với số tiền vay. Cực kỳ bất công, ngang trái giữa các loại hình cho vay, nhưng người dân không thể cãi lý được.
Tôi đã có nhiều năm góp ý, đề xuất để hoàn thiện luật liên quan đến vấn đề này, nhưng vẫn chưa được. Bây giờ lĩnh vực ngân hàng được hiểu là vượt ra khỏi phạm vi Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, lãi suất bao nhiêu là tùy. Lâu nay, ngân hàng cứ được quyền vượt trần lãi suất chung. Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn chính thức. Nguồn gốc sâu xa là quy định bất cập của Bộ luật Dân sự về lãi suất", luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
Một bản hợp đồng với mức lãi suất cao của Công ty Mirae Asset. |
Mua bán nợ hay chiêu thức lách luật của dịch vụ đòi nợ thuê?
Hiện nay, không khó để tìm kiếm một tổ chức tài chính để vay tiền khi người dân gặp khó khăn. Nhiều tổ chức tín dụng thậm chí cho vay không cần thế chấp với mức lãi suất cao, rồi bán lại cho bên thứ 3 để đòi nợ khi gặp trường hợp khó đòi. Trường hợp như Công ty Mirae Asset và Công ty mua bán nợ DSP là một điển hình.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, các tổ chức tín dụng bán hồ sơ nợ, về bản chất là bán quyền đòi nợ. Nợ nào cũng có khả năng bán, 1% cũng là khả năng nhưng chi phí để đòi nợ mới là quan trọng. Bởi, bình thường nợ xấu thì có thể bán được với giá bằng 50 - 70% giá gốc. Còn nợ đã không có khả năng thu hồi lại không có tài sản bảo đảm thì bán với giá một vài chục phần trăm may ra có người mua.
"Tổ chức tín dụng là chuyên nghiệp về cho vay và đòi nợ mà còn không đòi nợ được thì người khác sao đòi được? Nên rất hiếm người đi mua nợ xấu về để “rước nợ” vào thân”, ông Đức nói.
Do vậy, Giám đốc Công ty Luật ANVI đặt giả thiết, việc rao bán các khoản nợ không có tài sản bảo đảm có lẽ chỉ là một cách “lách” đòi nợ thuê khi dịch vụ này đã bị cấm. Hầu hết các công ty đòi nợ thuê sau khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực không giải thể mà chuyển đổi hoạt động sang mua bán nợ để hợp pháp hóa.
Cũng theo luật sư Đức, việc mua - bán nợ chỉ khả thi và hợp lý với những vụ mua bán tài sản hay thông qua mua - bán nợ để tham gia cơ cấu doanh nghiệp nhưng trên cơ sở phải có tài sản bảo đảm liên quan tới đất đai nhà cửa, dự án, nhà máy xí nghiệp, cổ phần, cổ phiếu…
(Theo Lao Động)