Cẩn trọng bất thường đường tiêu hóa, coi trừng ung thư đại trực tràng

ANH ĐÀO| 12/05/2022 17:47

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư gây tử vong đứng thứ 4 trên thế giới. Mặc dù vậy theo các bác sĩ, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ điều trị thành công.

2-1498103256892-15295570745901465220946-60-0-734-1200-crop-1529557080614304404680-1-.jpeg
Cần cảnh giác với dấu hiệu bất thường đường tiêu hóa - Ảnh: Internet

Ở Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 4 ở nam và thứ 3 ở nữ. Mặc dù là ung thư nguy hiểm, bệnh lý này có thể chữa khỏi tới 90% nếu được phát hiện và điều trị sớm.

Cảnh giác dấu hiệu bất thường về tiêu hóa

Ông T.V.H. (55 tuổi, ngụ TP.HCM), đến bệnh viện thăm khám khi thấy cơ thể mình có các biểu hiện: đi cầu ra máu đỏ tươi, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém. Các bác sĩ đã chẩn đoán ung thư đại trực tràng giai đoạn 3 qua kết quả xét nghiệm.

Bệnh nhân được hóa trị, xạ trị trước mổ, sau đó nội soi cắt đoạn đại trực tràng, nối đại tràng và trực tràng giúp người bệnh có thể đi tiêu bình thường. Kết quả sau vài năm phẫu thuật, khối u không có dấu hiệu tái phát, tình trạng sức khỏe người bệnh hoàn toàn ổn định.

Trường hợp khác là anh N.M.T. (32 tuổi, ngụ TP.HCM) dù đã cắt polyp đại trực tràng vào cuối năm 2013 nhưng kết quả sinh thiết vẫn bị ung thư đại trực tràng. Sau hơn 1 tháng cắt polyp, anh T. quyết định đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phẫu thuật.

Cách đây vài tháng, bác sĩ thông báo khối u di căn sang hạch đòn. Sau nhiều đợt hóa trị và sinh học tại bệnh viện này, hiện tế bào hạch trong cơ thể anh T. đang dần teo nhỏ lại.

Anh T. nhớ lại: "Những ngày cuối năm 2013, tôi thấy việc đi đại tiện có nhiều bất thường như số lần đi đến 5-6 lần/ngày, phân sống lẫn máu kèm đau bụng. Dù cắt polyp kịp thời nhưng bác sĩ cho biết tôi mắc ung thư dạng biến thể, nghĩa là khối u từ trực tràng di căn sang hạch đòn".

May mắn hơn anh T., ông N.V.L. (54 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) ngỡ ngàng khi hay tin mình mắc ung thư đại trực tràng. Hiện ông L. đang mắc bệnh ở giai đoạn đầu. "Tôi thường mắc các bệnh về rối loạn tiêu hóa. Tôi đi khám ngay và phát hiện bệnh. Cũng may bệnh chỉ mới ở giai đoạn đầu nên dễ điều trị" - ông L. nói.

xcoverimage-1522314845-pagespe-5827-3118-1571373020.jpeg
Ăn nhiều rau xanh để phòng ngừa ung thư đại trực tràng - Ảnh: Internet

Rất nhiều trường hợp điều trị thành công

TS.BS Ung Văn Việt - Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cho biết đại trực tràng là cơ quan quan trọng, bao gồm việc kết thúc quá trình tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng tan trong nước, tổng hợp một số loại vitamin và chịu trách nhiệm thải các chất không cần thiết ra ngoài cơ thể, bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Với bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng, tiên lượng sống tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, nếu phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì việc điều trị càng hiệu quả. Phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chủ yếu và triệt căn khi bệnh còn ở giai đoạn sớm hoặc điều trị đa mô thức bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị...

Những trường hợp có nguy cơ cao mắc ung thư này là người có tiền căn polyp tuyến, polyp răng cưa không cuống, viêm ruột.

Bệnh lý này cũng liên quan tiền sử gia đình, do đó, người có tiền căn gia đình bị ung thư đại trực tràng, đa polyp gia đình hay polyp tuyến tiến triển là những đối tượng có nguy cơ cao. Ngoài ra, người bệnh tiểu đường hay ung thư vú cũng được xem là trường hợp dễ mắc ung thư đại trực tràng hơn người bình thường.

Tuy nhiên, TS Việt nhấn mạnh ngay cả khi đã được điều trị triệt căn thì người bệnh vẫn có nguy cơ xuất hiện tế bào ung thư đại trực tràng mới cao hơn nhiều lần so với người bình thường.

Do đó, người bệnh cần được tái khám định kỳ đúng lịch để được làm các xét nghiệm máu, siêu âm bụng, soi đại tràng, chụp hình cắt lớp nhằm phát hiện ung thư tái phát.

Bác sĩ CKII Nguyễn Bá Trung - trưởng khoa Điều trị tổng hợp Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết có khoảng 40% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn bởi vì khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng như sờ được khối u ở bụng, đi cầu ra máu, tắc ruột do khối u chèn ép... mới đi khám bệnh. Rất ít bệnh nhân đến khám ở giai đoạn sớm.

Tuy nhiên, bệnh giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ nên dễ gây nhầm lẫn các bệnh khác như đau bụng ngấm ngầm, đầy bụng, thiếu máu, sụt cân, đi cầu ra máu... Trong đó, đi cầu ra máu là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện ung thư đại trực tràng nhưng dấu hiệu này lại dễ nhầm lẫn với bệnh trĩ.

Để phòng ngừa bệnh ung thư đại trực tràng, các bác sĩ cho biết có nhiều cách như ăn nhiều rau xanh, hạn chế hút thuốc, tránh môi trường ô nhiễm... và tầm soát ung thư. Đối với tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, thông thường người bệnh sẽ được nội soi đại tràng, nếu phát hiện polyp thì cắt, từ đó có thể giảm 60-70% tỉ lệ tử vong.

Theo các bác sĩ, người dân có thể tầm soát ung thư định kỳ 5 năm/lần bằng cách thử máu ẩn trong phân hay nội soi cắt polyp đại trực tràng. Đối với những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như người trên 50 tuổi, viêm loét đại tràng, tiền sử gia đình có người mắc bệnh... thì cần rút ngắn thời gian tầm soát 1-2 năm/lần.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng bất thường đường tiêu hóa, coi trừng ung thư đại trực tràng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO