Cạn thuốc giải độc, bệnh nhân ngộ độc Botulinum được điều trị thế nào?

21/05/2023 07:15

Hiện tại, Việt Nam đã dùng hết thuốc giải độc Botulinum. Điều này gây ra không ít khó khăn trong việc điều trị cho các bệnh nhân mới được xác nhận nhiễm loại độc này.

Ngày 20/5, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Trưởng đơn vị Hồi sức Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết 3 bệnh nhân mới nhiễm độc tố Botulinum được ghi nhận sinh sống tại TP Thủ Đức.

Hiện tại, Việt Nam hết thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT), loại thuốc duy nhất có khả năng trung hòa độc tố Botulinum.

Hai lọ thuốc giải BAT cuối cùng tại Việt Nam đã được truyền để cứu 2 bệnh nhi hôm 13/5 cũng bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn bánh mì kẹp chả lụa không rõ nguồn gốc.

Clostridium botulinum anh 1
Hai lọ thuốc BAT cuối cùng tại Việt Nam đã được sử dụng cho 2 bệnh nhi bị ngộ độc Botulinum hôm 13/5. Ảnh: BVCC.

Khó nhập thuốc giải ở thời điểm hiện tại

Trao đổi với Zing, TS Hùng cho hay vấn đề hết thuốc giải BAT khiến các bác sĩ rất đau đầu.

"Vấn đề hết thuốc BAT giải độc đặc hiệu do ngộ độc Botulinum đúng là vấn đề rất đáng tiếc cho bệnh nhân và cũng như nan giải cho các bác sĩ điều trị", ông nói.

Theo TS Hùng, sau khi truyền 2 lọ để cứu các bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), Việt Nam đã hết sạch thuốc BAT. Do đó, với trường hợp không có thuốc giải độc, phương pháp điều trị đối với 3 bệnh nhân hiện tại là điều trị hỗ trợ, hỗ trợ máy duy trì và dinh dưỡng cho đến khi bệnh nhân hồi phục.

Vị chuyên gia này dự kiến thời gian thở máy và điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc Botulinum có thể kéo dài 3-6 tháng. Nếu có thuốc giải BAT ngay khi phát hiện nhiễm độc, bệnh nhân được truyền thuốc thì trong vòng 48 đến 72 giờ là có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, và cũng không phải đưa tới tình trạng phải thở máy.

Clostridium botulinum anh 2
2/3 bệnh nhân ngộ độc Botulinum tại TP.HCM phải điều trị thở máy. Ảnh: BVCC.

Về vấn đề xin hỗ trợ thuốc khẩn cấp từ các tổ chức hoặc mua thuốc trực tiếp từ nhà sản xuất để cứu các bệnh nhân, TS Hùng cho biết điều này khó khả thi.

"Nếu mua thuận lợi, thời gian từ khi đặt mua đến khi thuốc được nhập về có thể kéo dài rất lâu, nhanh nhất là 2 tuần", vị chuyên gia này cho hay.

Trong trường hợp chờ nhận thuốc giải tài trợ từ Tổ chức Y tế Thế giới, thời gian thuốc về đến Việt Nam cũng hơn một tuần. Ngoài ra, việc truyền thuốc giải quá muộn so với thời điểm nhập viện cũng không mang lại tác dụng giải độc cho nạn nhân.

Hiện tại, 2 bệnh nhân 18 tuổi và 45 tuổi phải thở máy, sức cơ chỉ còn 1/5. Trong khi đó, tình trạng sức cơ của bệnh nhân 26 tuổi là 3/5, chưa cần hỗ trợ hô hấp nhưng diễn tiến nguy cơ có thể cần thở máy.

Cần thành lập trung tâm lưu trữ thuốc hiếm quốc gia

Chia sẻ với báo chí hồi cuối tháng 3, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết việc thành lập trung tâm lưu trữ thuốc hiếm quốc gia là điều cần thiết. Đặc biệt trước thực tế số ca ngộ độc do độc tố trong thực phẩm, độc rắn cắn… khiến việc điều trị còn rất khó khăn do thiếu thuốc hiếm để giải độc.

Hiện tại, cả nước hết sạch thuốc hiếm BAT, trong khi loại thuốc này thông thường Việt Nam không dự trữ sẵn hoặc cả nước chỉ có vài lọ.

Trong vụ ngộ độc pate Minh Chay hồi năm 2020, nhiều người bị ngộ độc Botulinum đã được cứu nhờ loại thuốc hiếm này. Số thuốc được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ khẩn cấp chỉ vài lọ. Sau đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhập vài lọ để trong kho dự trữ.

Trong vụ ngộ độc do cá muối ủ chua ở Quảng Nam, các bác sĩ đã khẩn cấp mang cơ số thuốc này đi cứu người. Ngay sau đó, 2 lọ cuối cùng cũng được truyền cho các bé trai ở đang được điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2.

Clostridium botulinum anh 3
Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) là thuốc duy nhất điều trị cho người bị ngộ độc Botulinum trên thế giới, có giá lên tới 8.000 USD. Ảnh: Nguyên Hạnh.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thuốc hiếm là loại thuốc mà rất ít bệnh nhân cần dùng đến do chỉ được sử dụng khi giải độc tố đặc biệt.

Trong khi đó, những loại thuốc hiếm thường có giá thành rất cao, nếu mua về mà không sử dụng trong thời gian dài có thể vi phạm vào tội lãng phí khi thuốc hết hạn sử dụng.

Tuy nhiên, nếu không có sẵn thuốc dự trữ, việc chờ đợi đấu thầu mua sắm để thuốc hiếm có mặt tại Việt Nam sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, TS Nguyễn Tri Thức cho rằng ngành y tế cần có cơ chế rõ ràng về mua sắm và dự trữ thuốc hiếm.

    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Cạn thuốc giải độc, bệnh nhân ngộ độc Botulinum được điều trị thế nào?
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO