Vào lúc 03 giờ ngày 20.10.2022 khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân nam B.X.B (20 tuổi, địa chỉ ở Cà Mau) được tuyến trước chuyển đến với tình trạng nguy kịch, huyết áp thấp, mạch nhanh nhẹ, da niêm nhạt, tiêu máu đỏ tươi. Trước đó, bệnh nhân đi cầu ra máu tươi ồ ạt, được cấp cứu tại địa phương sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.
Nhận định bệnh nhân bị sốc giảm thể tích, các bác sĩ khoa Cấp cứu tiến hành xử trí lập 2 đường truyền, bù nhanh dịch truyền, truyền 4 đơn vị hồng cầu toàn phần, 2 đơn vị huyết tương.
Kết quả nội soi dạ dày cấp cứu không ghi nhận tổn thương, nội soi đại tràng cấp cứu ghi nhận đại tràng nhiều máu đỏ tươi, không tìm thấy vị trí chảy máu, nghi ngờ chảy máu từ ruột non; chụp cắt lớp vi tính bụng có cản quang phát hiện thoát mạch.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn quyết định chụp và nút động mạch điều trị cầm máu trên máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).
Ê-kíp can thiệp ghi nhận ổ thoát mạch từ ruột non được cung cấp máu từ nhánh động mạch mạc treo tràng trên, các bác sĩ tiến hành chọn lọc vào nhánh thoát mạch, xác định vị trí, tiến hành bơm hỗn hợp keo và kiểm tra thấy tắc hoàn toàn nhánh thoát mạch. Thời gian can thiệp 45 phút.
Sau can thiệp, sinh hiệu bệnh nhân ổn định được chuyển khoa Nội Tiêu hóa – Huyết học truyền máu theo dõi và điều trị. Đến sáng ngày 25.10.2022: Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, niêm hồng, không xuất huyết tái phát.
BSCK2 Bồ Kim Phương, Trưởng khoa nội tiêu hóa – huyết học lâm sàng bệnh viện thông tin, tại Mỹ, xuất huyết tiêu hóa là nguyên nhân thường gặp nhất khi nhập viện của các bệnh tiêu hóa; khoảng 30 tới 40% tổng số các ca xuất huyết tiêu hóa là từ đường tiêu hóa dưới. Ở phần lớn các bệnh nhân có xuất huyết tiêu hóa dưới cấp tính, xuất huyết tự ngừng mà không cần can thiệp, và không có biến chứng.
Tuy nhiên, tuổi cao và mắc các bệnh lý ảnh hưởng rõ rệt trên lâm sàng có tương quan làm tăng tỉ lệ mắc mới và tỉ lệ tử vong của bệnh. Xuất huyết tiêu hóa dưới cấp tính có triệu chứng cổ điển là đi ngoài ra máu (có máu đỏ tươi hoặc đỏ thẩm thải qua trực tràng).
Tỉ lệ gặp xuất huyết tiêu hóa dưới trong dân số chung khoảng 20 người/100.000 người, tỉ lệ tử vong dao động khoảng 2-5%. Điều trị xuất huyết tiêu hóa dưới chủ yếu là điều trị bảo tồn do xuất huyết tiêu hóa dưới thường có xu hướng tự giới hạn. Tuy nhiên, ở những trường hợp nặng, các phương pháp chuyên sâu có thể được đặt ra.
Trong đó, can thiệp nội mạch hiện nay được xem là một trong những phương pháp nhanh, hiệu quả và an toàn. Thông qua việc luồn ống thông vào mạch máu của bệnh nhân, các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác và can thiệp vào mạch máu đang bị xuất huyết, từ đó xử trí nhanh, xâm lấn tối thiểu và hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, đây được xem là kĩ thuật chuyên sâu, yêu cầu các bác sĩ có trình độ cao và được đào tạo.