Cần sớm có quy định phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ ngành y tế

Thùy Linh| 30/08/2022 13:59

Cùng là "thầy" nhưng thầy giáo (ngành giáo dục) thì có phụ cấp thâm niên nghề, còn thầy thuốc (ngành y tế) thì không! Đó là ý kiến của nhiều y bác sĩ và không ít lần Công đoàn ngành y tế, Bộ Y tế cũng đã lên tiếng. Tiền lương, chế độ đãi ngộ cho y, bác sĩ tại bệnh viện công lập hiện đang ở mức rất thấp,  không đủ sức "giữ chân" họ.

Cần sớm có quy định phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ ngành y tế
Các bác sĩ thực hiện một ca phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Theo đề xuất của Bộ Y tế, cần tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Đồng thời, sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.

Theo quy định của Bộ Nội vụ, mức lương của bác sĩ hiện tại cũng giống như lương của các ngành nghề khác. Với mức lương cơ bản (cơ sở) hiện là 1.490.000 đồng/tháng.

Với quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).

Nếu mức lương khởi điểm của bác sĩ được nâng lên bậc 2 (2,67), số lương (chưa tính phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật) sẽ là 3.978.300 đồng, tăng 491.700 đồng/tháng so với hiện nay.

Theo các chuyên gia, đề xuất tăng mức lương khởi điểm lên bậc 2 là một tin vui đối với các bác sĩ mới ra trường. Tuy nhiên, đối với các bác sĩ đang công tác tại bệnh viện công, mức lương hiện nay chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống.

Một chuyên gia khác cho rằng, chuyện học phí trường y tăng, trong khi lương bác sĩ lại thấp là một nghịch lý nhìn thấy rõ.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, đại diện Vụ Tổ chức- Cán bộ, Bộ Y tế cho biết: Ngoài đề xuất tăng lương khởi điểm lên bậc 2, trước đây, từ năm 2011, Bộ Y tế đã có đề xuất phụ cấp thâm niên nghề cho ngành y nhưng chưa được chấp thuận. Đối với các chuyên khoa khó có bác sĩ như tâm thần, lao, phong... cần được tăng mức phụ cấp. Bộ Y tế, Công đoàn ngành y tế cũng đã đề xuất nhiều lần nhưng chưa được.

"Có tỉnh chỉ có 1-2 bác sĩ chuyên khoa tâm thần nên vấn đề đảm bảo chuyên khoa ở tỉnh đó rất khó, đừng nói đến việc phát triển chuyên khoa. Vì vậy phải thu hút sinh viên học ngành này, thu hút bác sĩ bằng phụ cấp 100%" - vị này nói.

Trước đó, bên cạnh các đề nghị nâng hệ số lương khởi điểm của bác sĩ, hay nâng mức phụ cấp từ 20-70% lên 100%, mở rộng nhóm người được hưởng phụ cấp... thì Công đoàn ngành y tế đã có kiến nghị áp dụng thêm chính sách thâm niên nghề, thu hút nhân sự cho ngành đặc thù. Họ cho rằng hiện nhân viên y tế không được hưởng chính sách thâm niên nghề.

Các ngành đặc thù như hồi sức cấp cứu, tâm thần chữa bệnh phong, lao, HIV/AIDS... khó tuyển dụng, thiếu hụt bác sĩ, giám định viên... Các công việc này có yếu tố nguy hiểm, cần tập trung cao độ tâm sức, trí tuệ nhưng chưa có cơ chế thu hút lao động, nguy cơ không thiếu nhân lực chất lượng cao.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm có quy định phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ ngành y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO