Từ khi ký nghị định thư về hoạt động xuất nhập khẩu sầu riêng với Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam có có cơ hội lớn để xuất khẩu. Tuy nhiên, qua quá trình giám sát, theo dõi hoạt động xuất khẩu, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói... phát sinh nhiều vấn đề.
Cụ thể như, trong việc quản lý sinh vật gây hại, kiểm tra hàng hóa trước khi xuất khẩu; có trường hợp cơ sở đóng chưa đảm bảo đúng các quy trình quy định, trà trộn hàng hóa nhiều mã số, số lần vi phạm tái diễn nhiều lần.
Mới đây, qua rà soát của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 17 tỉnh sản xuất, xuất khẩu sầu riêng thì có 5 tỉnh bị đối tác cảnh báo nhiều lần. Những tỉnh có tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng thấp như: Đắk Nông (0%), Bình Phước (1,6%), Vĩnh Long (5%), Bình Thuận (12%), Hậu Giang (27%), Tiền Giang (31%) và Đồng Tháp (37%). Ở quy trình giám sát mã số cơ sở đóng gói, tại Long An với 33% và Đồng Nai với 50% cũng là khá thấp.
Rà soát cho thấy còn có nhiều trường hợp thông tin đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có quy mô, diện tích, sản lượng... chưa đúng với thực tế. Hầu hết các cơ sở đóng gói chưa có cán bộ kỹ thuật theo đúng quy định, hệ thống truy xuất đến từng mã số vùng trồng chưa đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định thư...
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: "Địa phương nhanh chóng phải làm, cùng phối hợp với cơ quan của bộ để chúng ta tìm ra nguyên nhân rồi nhanh chóng đưa ra biện pháp khắc phục...
Sau đó làm báo cáo kỹ thuật gửi cho đối tác để phục hồi mã số đó. Tực tế cho thấy làm rất chậm, nhiều nơi làm đối phó. Giám sát là nhiệm vụ rất quan trọng, ở đây không chỉ phê duyệt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là xong mà địa phương còn phải duy trì theo dõi giám sát định kỳ đối với các quy định cần thiết theo nghị thư".