Cần mở rộng chương trình quan trắc trên toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long để hiểu cơ chế sụt lún

Mai Đan| 12/01/2022 21:44

Việc khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính gây ra mất đất đáng kể dọc theo bờ biển Cà Mau do lún. Đây là kết quả nghiên cứu của Dự án nghiên cứu lún tại tỉnh Cà Mau giai đoạn 1 (2012 – 2013). Để tiếp tục mở rộng nghiên cứu này, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) đã phối hợp với Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) và Viện Địa chất Na Uy thực hiện Dự án nghiên cứu lún tại tỉnh Cà Mau - Dự án quan trắc thí điểm Giai đoạn 2 và đạt một số kết quả nhất định.

Bùn phù sa lắng đọng trong ao nuôi trồng thủy sản trong quá trình nạo vét là nguồn gây ô nhiễm chính. Ảnh: MH

Những dữ liệu giá trị về công suất khai thác nước ngầm hiện nay

Kết quả Giai đoạn 1 ước tính, tốc độ lún có thể đạt từ 3-7 cm/năm và tổng độ lún có thể đạt trên 1 m trong vài thập kỷ tới. Người ta lo ngại nhiều tỉnh khác ở miền Nam Việt Nam có thể bị sụt lún tương tự. Điều này có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho cuộc sống của người dân ở các tỉnh này nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ngoài các kết quả quan trắc mới, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Thủy lợi và Viện Địa chất Na Uy đã cung cấp những dữ liệu rất có giá trị về công suất khai thác nước ngầm hiện nay, sự suy giảm mực nước trong một số giếng quan trắc đã được vận hành từ năm 1995 và minh giải các điều kiện địa chất dựa trên một số lượng lớn các lỗ khoan, trong đó một số giếng đạt đến độ sâu 400 m mà chưa đến đá gốc.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Định, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Điều kiện nền đất ở Cà Mau rất không thuận lợi khi xảy ra lún do bơm nước ngầm. Các lớp đất nói chung bao gồm một lớp đất sét dẻo chảy trên cùng, sau đó là các lớp xen kẽ giữa cát chặt vừa đến chặt và đất sét. Lớp đất sét dẻo chảy trên cùng làm hạn chế bổ cập nước từ nước mặt xuống các tầng chứa nước nơi đang bơm khai thác nước ngầm. Điều này có nghĩa là hầu hết lượng nước bơm ra từ các tầng cát chứa nước sẽ làm giảm thể tích tương ứng của nền đất.

Tổng công suất khai thác nước ngầm ở Cà Mau khoảng 373.000 m3/ngày. Nếu chỉ có một lượng bổ cập hạn chế cho các tầng chứa nước đang khai thác, theo tính toán sẽ tạo ra tốc độ lún trung bình đến 31 mm/năm.

Các giếng quan trắc mới và cũ đã chỉ ra rằng, sự hạ thấp mực nước ngầm tối đa đã lên đến 24m ở độ sâu 170 m, nhưng sự hạ thấp cũng quan sát được từ mặt đất đến độ sâu 400 m. Số liệu cho thấy mực nước tiếp tục giảm ở tất cả các độ sâu với tốc độ khá ổn định lên đến 1 m/năm.

Tốc độ sụt lún đo được ở 3 mốc quan trắc mới lắp đặt cho thấy tốc độ lún hiện tại đến độ sâu 100 m tương ứng là 6, 15 và 22 mm/năm. Thêm vào đó, sụt lún từ các tầng sâu hơn 100m được ước tính là 13 mm/năm. Điều đó có nghĩa là tổng số độ lún hoặc tốc độ sụt lún bề mặt nền tương ứng là 19, 28 và 35 mm/năm. Những con số này khá phù hợp với những ước tính đơn giản từ tổng công suất khai thác nước ngầm.

Ông Nguyễn Quốc Định cho rằng, do thời gian quan trắc cho đến thời điểm này tương đối ngắn (24 tháng) nên tốc độ sụt lún này cần được xem xét thận trọng và cần tiếp tục theo dõi.

Đề xuất giảm bơm khai thác nước ngầm và tìm nguồn nước thay thế

Các phân tích sụt lún cho thấy tổng độ lún kể từ khi bắt đầu bơm khai thác nước ngầm ở Cà Mau dao động trong khoảng 20-40 cm, nhưng có thể thay đổi tùy theo đặc tính cơ lý đất cục bộ, sản lượng bơm khai thác và giảm áp suất lỗ rỗng (hoặc giảm mực nước ngầm) trong các tầng chứa nước ở các tỉnh.

Ngay cả khi tốc độ hạ thấp mực nước ngầm trong tầng cát chứa nước ổn định ở mức hiện tại, lún sẽ tiếp tục xảy ra trong các lớp đất sét do cố kết. Ước tính có thể làm tăng tổng độ lún lên khoảng 100 cm chỉ do sự cố kết của các lớp đất sét, với sự hạ thấp mực nước ngầm của tầng cát chứa nước trong tương lai duy trì ở mức hiện tại. Nếu sự hạ thấp mực nước ngầm trong tầng cát chứa nước sẽ tiếp tục gia tăng, như quan sát những dữ liệu hiện tại, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Theo ông Nguyễn Quốc Định, với kịch bản BĐKH kèm nước biển dâng như vậy, phần lớn diện tích của Cà Mau sẽ nằm dưới mực nước biển trong vòng vài thập niên tới. Hậu quả sẽ nhanh chóng trở thành nghiêm trọng đối với cuộc sống của người dân trong tỉnh.

Do việc bơm khai thác nước ngầm cũng đang diễn ra sâu rộng ở tất cả các tỉnh phía Nam khác của Việt Nam, toàn bộ miền Nam Việt Nam có nguy cơ bị mất đi dưới mực biển trong vòng vài thập kỷ tới. Điều đó cũng gây những hậu quả nghiêm trọng đối với Việt Nam.

Ông Định nhấn mạnh, mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu theo dự báo của IPCC là tác động bổ sung sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở miền Nam Việt Nam. Đến năm 2100, mực nước biển dâng dự kiến sẽ ở mức 60 cm, tương ứng với mức trung bình khoảng 6 mm/năm. Một cách tương đối, mực nước biển dâng sẽ có tác động nhỏ hơn nhiều so với sự sụt lún do bơm khai thác nước ngầm đang diễn ra. Tuy nhiên, đó là tác động bổ sung cần được xem xét về lâu dài.

Ông khuyến nghị mở rộng chương trình quan trắc trên toàn bộ ĐBSCL và các hành động cần thiết để làm giảm hoặc ngừng lún trong tương lai. Thực hiện càng sớm càng tốt các biện pháp để giảm đáng kể bơm khai thác nước ngầm đang diễn ra.

“Điều này đòi hỏi phải tìm các biện pháp thay thế để cung cấp nước ngọt cho các vùng này. Các biện pháp thay thế có thể là sự kết hợp của các nhà máy lọc nước quy mô nhỏ và lớn sử dụng hệ thống nước sông Mê Công làm nguồn cung cấp chính và các hồ chứa quy mô vừa và nhỏ để thu gom và trữ nước mưa”, TS. Nguyễn Quốc Định nhấn mạnh.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
https://baotainguyenmoitruong.vn/can-mo-rong-chuong-trinh-quan-trac-tren-toan-bo-dong-bang-song-cuu-long-de-hieu-co-che-sut-lun-335903.html
Copy Link
https://baotainguyenmoitruong.vn/can-mo-rong-chuong-trinh-quan-trac-tren-toan-bo-dong-bang-song-cuu-long-de-hieu-co-che-sut-lun-335903.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cần mở rộng chương trình quan trắc trên toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long để hiểu cơ chế sụt lún
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO