"Việt Nam cần rút ra bài học kinh nghiệm sau 2 năm dịch bệnh. Bên cạnh việc thực hiện đúng lộ trình, các chính sách của Nhà nước cần rõ ràng, dễ hiểu để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn quan trọng này", ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn "luồng xanh" cho du lịch cất cánh do Tạp chí Diễn đàn Doanhnghiệp tổ chức sáng nay.
Chính sách đơn giản, dễ hiểu
Ông Vũ Thế Bình khẳng định "không khí vắng lặng như tờ" tại nhiều địa phương thời gian qua là do không có khách. Vì thiếu khách, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng phục vụ du lịch không thể hoạt động.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn với nhiều ngành khác và có vị thế quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Suốt 2 năm dịch bệnh, cộng đồng hơn 40.000 doanh nghiệp du lịch, hơn 1 triệu lao động trực tiếp và 2 triệu lao động gián tiếp bị ảnh hưởng lớn về việc làm và cuộc sống.
Có thể nói, cột mốc 15/3 là thông tin vui nhất, phấn khởi nhất. Tuy nhiên, khi chỉ cách thời điểm mở cửa vài ngày, nhiều vấn đề vẫn đang còn ngổn ngang và cần được giải quyết.
Có 3 thành phần liên quan chặt chẽ với nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến việc khôi phục lại hoạt động du lịch là Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
Theo ông Bình, đến nay, chủ trương, chính sách vẫn còn chồng chéo và mập mờ, không thống nhất. "Chính sách được ban hành dễ hiểu, dễ thực hiện chính là hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp lúc này", ông khẳng định.
Khôi phục việc cấp visa như trước dịch
Du lịch gắn liền với du khách. Song vẫn còn nhiều rào cản ngăn khách trở lại lại Việt Nam, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định.
Đầu tiên, phải kể đến chính sách visa.
Việc dừng cấp visa cho khách quốc tế là nước đi đúng và cần thiết trong giai đoạn bắt đầu dịch bệnh. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng chính sách này đôi khi quá chặt chẽ, nặng nề, một số trường hợp không cần thiết. Hiện, chúng ta đã có đầy đủ cơ hội thì phải mở cửa, mà đã mở cửa thì phải mở visa cho khách vào Việt Nam.
Thời kỳ du lịch đỉnh cao năm 2019, Việt Nam "thoáng" trong chính sách cấp visa cho khách. Thế nhưng giai đoạn đầy khó khăn sau dịch, 2/3 doanh nghiệp không hoạt động, lao động nghỉ hoàn toàn, Việt Nam lại chỉ miễn visa song phương, có đi có lại. Quy định mới nhiều mâu thuẫn với trước kia và khó để khôi phục du lịch.
Ông đưa ra dẫn chứng Indonesia miễn visa cho 157 nước, Thái Lan, Singapore, Malaysia đều miễn thị thực cho nhiều đối tượng hơn Việt Nam.
"Chúng tôi không có đòi hỏi Nhà nước hỗ trợ thêm cho ngành mà chỉ mong muốn khôi phục lại những gì đã có trước năm 2020. Bên cạnh việc miễn visa song phương, chúng ta cũng cần miễn visa đơn phương cho nhiều nước khác", ông bày tỏ ý kiến.
Mở cửa đúng lộ trình
Để mở cửa, thu hút du khách, vấn đề cách ly y tế cũng cần quan tâm. Đồng ý với quan điểm của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ông Bình cho rằng dịch bệnh đến đâu xử lý đến đó, thu hẹp phạm vi nhất có thể để đảm bảo không ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội.
Đề xuất mở cửa một cách mạnh mẽ, không yêu cầu người nhập cảnh có xác nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Bộ Y tế được cho là hơi quá. "Cả thế giới vẫn đang dùng hộ chiếu vaccine mà Việt Nam lại mạnh dạn bỏ hết đi thì chúng ta kiểm soát như thế nào", vị này đặt câu hỏi.
Ngành du lịch muốn mở cửa, phục hồi nhưng thực tế vẫn phải đảm bảo an toàn và phát triển bền vững chứ không vội vàng đến mức sẵn sàng mở "toang cửa".
Bài học kinh nghiệm trong 2 năm qua cho thấy mọi việc nên làm theo đúng lộ trình, chắc chắn, nghiêm túc. Đồng thời, chính sách của Việt Nam nên tương đồng với những nước đang phát triển du lịch.
(Nguồn: Zing News)