Cần khắc phục ngay bất cập chết người trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

28/02/2024 08:15

Cao tốc 2 làn Cam Lộ - La Sơn (98,3 km) được gọi là tuyến cao tốc nguy hiểm nhất hiện nay do phương án tổ chức giao thông chưa phù hợp. Đây là việc có thể sớm khắc phục để đảm bảo hiệu suất đầu tư cũng như sự linh hoạt cho phương tiện.

Sau vụ tai nạn thảm khốc làm 3 người thiệt mạng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào ngày 18/12, những tưởng đây sẽ là lời cảnh tỉnh cho các phương tiện tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm chỉ dẫn giao thông trên đường nhưng sau vụ tai nạn, tình trạng xe khách, xe container, xe con cố tình lấn làn, vượt ẩu sai quy định vẫn diễn ra phổ biến, bất chấp lực lượng CSGT áp dụng các biện pháp xử lý.

Bên cạnh ý thức chấp hành luật giao thông kém của các chủ phương tiện, rõ ràng còn những điều bất hợp lý khi tổ chức giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Thứ nhất, nước ta chưa có quy chuẩn về đường cao tốc nhưng nếu so với các tuyến đường cao tốc hoàn chỉnh 4 làn xe đã đưa vào khai thác, thì cao tốc 2 làn Cam Lộ - La Sơn chưa "đạt chuẩn". Tuyến đường chỉ tương đương với đường cấp 3 đồng bằng, do vậy nếu áp dụng quy định tốc độ, làn vượt như cao tốc thông thường chỉ làm cho tình trạng giao thông trên tuyến thêm "rối", nguy cơ ùn ứ và tai nạn giao thông vẫn luôn tiềm ẩn.

cao-toc-1216.jpg
Cao tốc 2 làn Cam Lộ  - La Sơn được xem là tuyến cao tốc nguy hiểm nhất hiện nay (Ảnh: AT)

Vì đường được thiết kế chỉ có 2 làn xe (mỗi làn xe 3,5m), không có dải phân cách giữa, mỗi 10km bố trí một điểm vượt 4 làn nên các xe phía sau rất khó vượt, ngay cả khi xe phía trước muốn nhường đường.

Thực tế trên tuyến Cam Lộ - La Sơn, mỗi  khi có xe tải lớn di chuyển với tốc độ 40-50 km/h thì các phương tiện lưu thông phía sau phải chấp nhận di chuyển chậm chờ đến đoạn đường 4 làn mới có thể vượt lên. Do vậy, nhiều xe đã thiếu kiên nhẫn, cố tình lấn làn, vượt ẩu.

Cũng phải nói thêm, việc quy định đường có vạch liền cấm vượt ở giữa quá dài không chỉ làm giảm năng lực lưu thông của tuyến đường, gây thiệt hại cho nền kinh tế mà còn khiến lái xe ức chế do phải đi quá chậm, trong khi làn đối diện vắng phương tiện lại không được phép lấn làn vượt lên.

Do vậy, thay vì phân làn cứng nhắc như hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam cần nghiên cứu, tổ chức lại giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn bằng việc chỉ cho kẻ vạch sơn cấm vượt (sơn nét liền) ở những vị trí đồi núi dốc, khuất tầm nhìn. Còn ở các điểm đường bằng phẳng, thông thoáng quan sát nên bố trí vạch sơn cho vượt (vạch sơn nét đứt) để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông phía sau chủ động vượt lên khi đảm bảo an toàn.

Việc bỏ dải phân cách giữa cho vượt không phải là giải pháp duy nhất nhưng đây là cách giúp phương tiện linh hoạt lưu thông trên đường.

Có thể nhìn vào tuyến cao tốc 2 làn hạn chế Hoà Lạc – Hoà Bình (26 km). Tuyến đường này chỉ cấm vượt ở những đoạn đường đồi núi dốc, khuất tầm nhìn, còn lại đa số được vẽ vạch sơn cho phép vượt nên ít có tình trạng ùn ứ, gây ức chế cho lái xe phía sau.

Về tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật cả hai đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn và Hoà Lạc - Hoà Bình dù được gắn mác "cao tốc", nhưng thực chất chỉ tương đương đường cấp ba đồng bằng. Do vậy nếu hạ tiêu chuẩn cao tốc, về lý thuyết đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn còn đảm bảo an toàn hơn đường Hoà Lạc - Hoà Bình do tuyến đường này không cho các phương tiện đi hỗn hợp trên đường (cấm xe máy).

Thứ hai, dù cao tốc 2 làn Cam Lộ - La Sơn được phân kỳ đầu tư dựa trên nhu cầu lưu lượng phương tiện khu vực Huế - Quảng Trị chưa cao. Với chiều dài hơn 98 km, nếu chạy Bắc – Nam, quãng đường không rút ngắn là bao so với đi QL1, thế nhưng khi đưa vào khai thác, một lượng lớn phương tiện đã được phân lưu đi vào tuyến.

Chính việc cao tốc Cam Lộ - La Sơn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa đưa vào vận hành thu phí, nên để tránh các trạm thu phí (Đông Hà, Phú Bài, Hải Vân) trên QL1, các phương tiện, nhất là xe tải, xe container và xe khách đã phân lưu đi sang cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Điều này gây nên tình trạng quá tải, ùn ứ trong điều kiện lưu thông bị hạn chế.

Vì thế, Cục Đường bộ có thể nghiên cứu cắm biển cấm xe tải trọng lớn đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn tại hai đầu tuyến, phân luồng đi sang QL1. Quy định này chắc chắn sẽ góp phần giảm tải cho cao tốc Cam Lộ - La Sơn, hạn chế những xung đột của xe tải trọng lớn, giảm thiểu tai nạn.

Thực tế quy định cấm xe tải trọng trên 10 tấn đã được thực hiện trên cao tốc Mai Sơn – QL45 khi tuyến đường này được đưa vào khai thác tạm từ tháng 4/2023 - tháng 12/2023.

Việc không áp dụng biện pháp cấm xe tải trọng lớn đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện nay có thể được lý giải bằng nhiều cách khác nhau nhưng thực tế nếu để xe tải trọng lớn lưu thông trên đường cao tốc 2 làn thì tốc độ di chuyển chậm, mất an toàn giao thông, không phát huy được năng lực đầu tư của tuyến đường hiện có.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cần khắc phục ngay bất cập chết người trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO