Theo AFP, các vụ tấn công nhằm vào căn cứ không quân Al-Kharruba do nhóm Wagner sử dụng ở miền Đông Libya xảy ra rạng sáng 30/6.
Tham mưu trưởng quân đội Libya Mohamad al-Haddad nói rằng hiện chưa rõ nguồn gốc vụ tấn công và vụ tập kích cũng không gây thương vong. Ông phủ nhận chính quyền ở Tripoli có liên quan đến vụ tấn công.
"Máy bay của chúng tôi không nhắm vào bất cứ mục tiêu nào ở miền Đông. Thông tin về vụ việc dường như nhằm kích động một cuộc chiến mới giữa những người anh em Libya và cuốn Libya vào một cuộc xung đột khu vực", ông al-Haddad nói.
Bộ Quốc phòng Libya cũng khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn bị động bởi thông tin này. Chúng tôi tôn trọng lệnh ngừng bắn ký kết hồi tháng 10/2020". Cơ quan này đề cập đến thỏa thuận ngừng bắn với tướng Khalifa Haftar nhằm chấm dứt cuộc tấn công vào thủ đô Libya giai đoạn 2019-2020.
Libya bị tàn phá bởi nội chiến kéo dài kể từ năm 2011 khi chính quyền Muammar Gaddafi bị lật đổ.
Libya có hai chính quyền đối địch cùng tồn tại song song, gồm chính quyền lâm thời miền Tây đặt tại Tripoli, chính quyền còn lại ở miền Đông do tướng Haftar đứng đầu.
Các tay súng từ lực lượng vũ trang tư nhân Wagner và số khác từ Chad, Sudan, Niger, Syria đang hỗ trợ chính quyền của tướng Haftar.
Lực lượng Wagner . Nhóm này được cho là hoạt động ở ít nhất 8 quốc gia châu Phi, cung cấp các dịch vụ chiến đấu, bảo vệ cơ sở khai mỏ và đảm bảo an toàn của các quan chức cấp cao. Đổi lại, Wagner được tham gia bảo vệ các mỏ kim cương, khu khai thác vàng và có thể hưởng lợi từ việc đó.
Sau cuộc nổi loạn hôm 24/6 của Wagner, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Wagner sẽ tiếp tục các hoạt động ở châu Phi. Tuy nhiên, trong bình luận mới nhất hôm 30/6, ông Lavrov nhấn mạnh, các hợp đồng giữa Wagner với các quốc gia châu Phi trong tương lai là vấn đề của chính phủ những nước này.
Kể từ sau vụ nổi loạn cuối tuần trước, ông trùm Wagner Yevgeny Prigozhin chưa bình luận về tương lai của lực lượng quân sự tư nhân này và ông gần như biến mất khỏi công chúng. Theo thỏa thuận với Nga, ông Prigozhin đồng ý chuyển đến Belarus, song hiện không rõ Wagner có chuyển trụ sở hoạt động đến nước này hay không.
Báo New York Times dẫn ảnh chụp vệ tinh của Planet Labs (Mỹ) ngày 26/6 cho biết, Belarus đang nhanh chóng xây dựng một số công trình tạm thời tại một căn cứ quân sự bỏ hoang, được cho là để lực lượng Wagner đồn trú ở nước này.
Một sân thể thao có diện tích hơn 32.300m2 trong cơ sở quân sự có hàng rào đã được chuyển đổi, được lấp đầy bởi ít nhất 6 dãy có vẻ là các cấu trúc tạm thời, giống những chiếc lều lớn. Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy công trình xây dựng tương tự tại các khu vực trống bên cạnh sân thể thao.
Trong một diễn biến liên quan khác, trang tin độc lập Hajun cho biết, một trại dã chiến đủ sức chứa gần 9.000 người đã được xây dựng ở Belarus. Theo ảnh chụp vệ tinh, doanh trại dã chiến này có khoảng 300 lều. Đây có thể là nơi Wagner sẽ đồn trú sau vụ nổi loạn bất thành ở Nga. Tuy nhiên, hiện chưa ghi nhận sự xuất hiện của trang thiết bị quân sự ở khu vực này.
Các dữ liệu theo dõi chuyến bay cho thấy, máy bay liên quan đến ông trùm Wagner qua lại giữa Nga và Belarus nhiều lần kể từ sau vụ nổi loạn bất thành. Tuy vậy, cả Nga và phương Tây đều thừa nhận không biết tung tích của ông Prigozhin.
"Chúng tôi không có thông tin đủ tin cậy để xác định tung tích của ông ta. Lầu Năm Góc nói rằng một phần lực lượng Wagner vẫn còn ở Ukraine, nhưng không rõ số lượng bao nhiêu và là nhiệm vụ gì", người phát ngôn hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 30/6 cho hay.