Cần có những chế tài xử lý phù hợp

11/08/2016 22:22

Tình trạng sản xuất, sử dụng biển kiểm soát (BKS) ô tô, xe gắn máy giả đã và đang diễn ra ở các địa phương trong cả nước. Mặc dù đã có nhiều đối tượng, đường dây sản xuất và sử dụng BKS ô tô, xe gắn máy giả bị các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, nhưng thực tế vẫn còn một lượng lớn xe ô tô, xe gắn máy đang sử dụng BKS giả không chỉ để lưu hành mà còn nhằm thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.

Thực tế đáng lo ngại

Rạng sáng ngày 24-4-2016, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 2 của Công an tỉnh An Giang đã phát hiện ô tô 7 chỗ hiệu Innova mang BKS quân sự màu đỏ có số hiệu QB 17-22 chạy quá tốc độ cho phép. Lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe để kiểm tra, lái xe đã bất chấp nguy hiểm, cho xe tăng tốc bỏ chạy. Khi bị bắt giữ, qua phối hợp xác minh, các lực lượng chức năng đã phát hiện BKS màu đỏ có số hiệu QB 17-22 là giả. BKS thật của chiếc xe ô tô này là 67A-013.73 do ông Trần Văn Thành, trú tại xã Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) là chủ sở hữu. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện trong xe chứa hơn 5.000 gói thuốc lá nhập lậu, 2 cặp BKS giả khác. Một vụ việc điển hình khác có tính chất nghiêm trọng đó là 2 ô tô tải mang BKS quân sự giả là TH-3169 và TH-3171, chở khối lượng lớn gỗ lậu lưu thông trên Quốc lộ 51 bị Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện vào tháng 11-2015. Tính chất nghiêm trọng trong vụ việc này còn ở chỗ toàn bộ biển số, giấy tờ xe, tem kiểm định, giấy phép lưu hành, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận nộp phí đường bộ đều được các đối tượng trong vụ án làm giả. Trong khi đó nguồn gốc thật sự của 2 chiếc xe tải này là của tư nhân và đã hết hạn đăng kiểm từ năm 2014…

Thuốc lá lậu và BKS ô tô giả do lực lượng CSGT Công an tỉnh An Giang bắt giữ ngày 24-4-2016.

Tìm hiểu tại các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ của các đội CSGT thuộc Công an TP Hà Nội, chúng tôi được biết, ở các bãi này hiện đang lưu giữ một số lượng rất lớn phương tiện vi phạm. Mặc dù phần lớn xe đã quá thời gian tạm giữ nhưng chủ phương tiện vẫn không tới làm thủ tục nộp phạt và nhận lại xe. Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, hầu hết các phương tiện đang tạm giữ quá thời hạn quy định này đều mang BKS giả, trong đó có không ít phương tiện là tang vật của các vụ trộm cướp, nên khi bị phát hiện, vây bắt, các đối tượng đã "bỏ của chạy lấy người" và không quay lại nhận xe. Do đó đã dẫn đến tình trạng nhiều bãi tạm giữ hiện nay không còn chỗ để chứa xe vi phạm.

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016, các lực lượng của Bộ Công an đã phát hiện, tiếp nhận xử lý tổng số 328 vụ việc liên quan đến sản xuất, sử dụng BKS ô tô, xe gắn máy giả; thu giữ 426 BKS giả cùng phương tiện vi phạm. Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) thừa nhận: Hệ lụy từ các loại BKS giả gây ra đối với trật tự an toàn của xã hội hiện nay là rất lớn. Tình trạng sản xuất, sử dụng BKS ô tô, xe gắn máy giả nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả sẽ không chỉ giúp các đối tượng phạm tội có thể hợp thức hóa tài sản trộm cắp mà với những chiếc ô tô, xe gắn máy mang BKS giả được các đối tượng sử dụng để gây án sẽ rất khó khăn cho công tác điều tra, lần tìm manh mối tội phạm...

Đi tìm “nguồn cung”…

Một ngày đầu tháng 8-2016, chúng tôi có mặt tại phố Trần Nhật Duật, TP Hà Nội, nơi được xem là “chợ” của các loại biển số, từ biển số nhà, số ngõ đến BKS của các loại ô tô, xe gắn máy. Trong vai người có nhu cầu làm biển số xe ô tô, chúng tôi được một chủ cơ sở tên là Nhiệm nhanh chóng kéo vào cửa hàng ở vị trí đối diện điểm đón, trả khách của bến xe buýt Long Biên. Tại đây, chúng tôi ngỏ ý muốn làm 3 bộ biển số cho xe ô tô, một biển màu xanh, một biển trắng, một bộ màu đỏ. Ông Nhiệm nhanh chóng đồng ý và giới thiệu biển gì cũng làm được. Mức giá cho các loại BKS ô tô được ông Nhiệm đưa ra là 800.000 đồng một bộ biển màu trắng và 1.000.000 đồng cho bộ biển số màu đỏ hoặc xanh.

Phương tiện và tang vật được các đối tượng vận chuyển trên xe mang BKS giả do Công an TP Hà Nội bắt giữ ngày 11-6-2016.

Chỉ trong vòng gần một tiếng ngồi đợi để lấy biển số, chúng tôi quan sát thấy có hàng chục người đến cửa hàng này để lấy biển số, cả xe gắn máy và ô tô. Đặc biệt, trong số những người đến lấy biển số, có nhiều người có dáng vẻ bề ngoài rất bặm trợn, ngổ ngáo. Đúng như giao hẹn, chúng tôi đã nhận được các BKS giả với những màu sắc, ký hiệu đúng theo yêu cầu do một người đàn ông bịt khẩu trang kín mặt đi xe gắn máy đem tới. Đem chiếc những chiếc biển số mua được của ông Nhiệm đối chiếu với những BKS thật do các cơ quan chức năng cấp, chúng tôi không thể nhận ra điểm khác biệt giữa chúng. Trên các biển số này đều có hình Quốc huy dập chìm, màu sắc không khác, soi đèn vào có phản quang... Cũng theo nguồn tin chúng tôi thu thập được, do thời gian gần đây một số cơ sở sản xuất BKS giả ở khu vực này đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ, tịch thu tang vật và xử lý cho nên bây giờ hầu như rất ít người làm BKS tại đây mà đa số được di chuyển tới các vị trí mới để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Rời phố Trần Nhật Duật, theo giới thiệu của một người lái xe ôm tại khu vực điểm chờ xe buýt Long Biên, chúng tôi tìm đến một cửa hiệu sửa chữa xe gắn máy trên phố Hòa Mã (quận Hoàn Kiếm). Tại đây, sau một hồi lân la và đặt vấn đề muốn làm BKS xe gắn máy, người chủ cửa hiệu này liền "quảng cáo", các loại biển được làm ở đây ngoài những đặc điểm bảo mật giống hệt như BKS thật, còn được làm bằng chất liệu sơn phản quang cao cấp, bảo đảm không bị bong khi cọ rửa... Chúng tôi đồng ý làm một BKS với giá 500.000 đồng, người chủ cửa hàng móc trong túi ngực ra một quyển sổ tay, bảo chúng tôi đọc số để ghi và hẹn 2 giờ sau quay lại. Quan sát cuốn sổ của chủ cửa hàng, tôi thấy ở đó ghi chi chít những con số tương ứng với các loại BKS. Chứng tỏ đã có một lượng lớn BKS xe gắn máy giả được “ra lò” từ đây.

Cần biện pháp xử lý triệt để

Đem những vấn đề ghi nhận được ở trên phản ánh với Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, chúng tôi được ông cho biết: Hiện nay, trên cả nước mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện ô tô, xe gắn máy được cấp đăng ký mới, đặc biệt là ở các thành phố trung tâm, đồng nghĩa với việc này là sự gia tăng một số lượng rất lớn phương tiện hằng ngày tham gia giao thông... Trong khi đó, các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm soát như CSGT, thanh tra giao thông lại mỏng về lực lượng, nên gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với tất cả các phương tiện. Do đó, nếu như người điều khiển các phương tiện mang BKS giả không vi phạm hoặc không có biểu hiện vi phạm thì thật khó phát hiện... Mặt khác, với công nghệ in ấn ngày một hiện đại như hiện nay, đã giúp nhiều đối tượng không khó để có thể hợp thức hóa một chiếc xe trộm cắp cùng với BKS giả và các loại giấy chứng nhận đăng ký, bảo hiểm, đăng kiểm xe giả.

Cũng theo Thượng tướng Lê Quý Vương, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng sản xuất, sử dụng BKS ô tô, xe gắn máy giả, cùng với các biện pháp đấu tranh của lực lượng chức năng, cần phát huy tai mắt của quần chúng nhân dân trong phát hiện, đấu tranh kiên quyết, triệt để với các cá nhân sản xuất biển số giả ở các khu dân cư. Đi kèm với đó cũng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến làm cho người dân nhận thức rõ sử dụng xe gắn BKS giả (không qua đăng ký) là vi phạm luật và sẽ bị xử lý... Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp trong xây dựng những chế tài, biện pháp hợp lý để tham mưu với cấp trên ban hành những quy định nhằm xử lý triệt để tình trạng sản xuất, sử dụng BKS giả.

Bài và ảnh: CHU ANH


Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cần có những chế tài xử lý phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO