Từ ngày 7 - 9/9, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có mưa to và rất to. Lượng mưa đo được tại các trạm như: Hưng Thị là 259,0 mm; Cúc Phương là 195,2 mm; Nho Quan là 289,1 mm; Bến Đế là 235,4 mm; Gián Khẩu là 215,9 mm. Nước lũ trên sông Bôi và sông Hoàng Long dâng cao đã gây ngập lụt hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông thuộc huyện Nho Quan và Gia Viễn của tỉnh Ninh Bình.
Báo cáo của huyện Nho Quan ngày 9/9 cho biết, toàn huyện có 477 căn nhà ở của người dân bị ngập lụt do mưa lũ gây ra. Có gần 100 công trình phụ trợ, hàng trăm ha lúa và hoa màu của người dân bị ngập sâu trong nước.
Tại huyện Gia Viễn, trên 651 hộ dân với hơn 2.400 nhân khẩu thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh sống bên sông Hoàng Long bị ngập lụt. Tuyến đường vào thôn ngập sâu trong nước lũ khiến các hộ dân tại đây bị chia cắt.
Ông Trần Văn Động ở thôn Kênh Gà (xã Gia Thịnh) cho biết, các hộ dân chúng tôi sống bên mép sông nên cứ mưa lớn, nước lũ đổ về là ngập đường, nước tràn vào nhà. Vì thế bà con ở đây sống chung với lũ đã quen. Đợt này mưa lớn, nước lũ dâng nhanh nên suốt đêm qua gia đình tôi phải chuyển đồ đạc lên cao. Nước ngập nhà, sân vườn nên sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.
Nước ngập qua mặt cầu tại Gia Viễn, người dân phải dùng thuyền để di chuyển qua cầu.
"Trước tình hình mưa lũ những ngày qua, UBND xã đã thành lập đội xung kích để huy động bất cứ lúc nào, cùng với đó xã cũng chuẩn bị nhiều thuyền lớn để sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn khi đỉnh lũ cao", ông Nguyễn Huy Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn - nói.
Ông Nguyễn Cao Các - Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan - cho biết, toàn huyện có 107 ha lúa và hoa mầu cùng 68ha lúa cá bị ngập. Bên cạnh đó có trên 530 hộ bị ảnh hưởng do mức nước dâng ở mức dưới 1m. Chủ yếu diện tích bị ảnh hưởng tại các xã: Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Tường, Gia Thủy, Gia Lâm, Đức Long...
"Để ứng phó với tình hình mưa lũ hiện nay, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ; tổ chức tuần tra, thực hiện canh gác 24/24 giờ tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, khu vực không đảm bảo an toàn; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sẵn sàng ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ", Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan nói.
Đường ngập lụt, người dân tại Ninh Bình phải di chuyển bằng thuyền. Trong ngày 9/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã ban hành Văn bản số 74/BCH-VP về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập úng tại các vùng trũng thấp và lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra thực tế hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu, các công trình đang thi công dở dang theo phương châm "4 tại chỗ"; đặc biệt là các hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du (nhất là hồ Yên Thắng, huyện Yên Mô, hồ Đồng Chương, huyện Nho Quan và đập dâng Thác La, huyện Nho Quan).
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình yêu cầu Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị khi có yêu cầu, sẵn sàng xử lý tình huống có thể xảy ra.