Gerald R. Ford (Mỹ) |
Các tàu sân bay lớp Gerald R. Ford là sự kế thừa của các tàu sân bay lớp Nimitz. Dự kiến sẽ có tổng cộng 9-10 tàu sân bay mới thuộc lớp này được đóng. Đây sẽ là những tàu chiến lớn nhất và mạnh nhất từng được chế tạo. Các tàu sân bay này sẽ là lực lượng tấn công chủ lực của Hải quân Mỹ trong suốt thế kỷ XXI.
Thiết kế thân tàu của lớp Ford tương tự như của lớp Nimitz. Các tàu sân bay mới được thiết kế lại và được trang bị các hệ thống giám sát và điều khiển tự động hiệu quả hơn. Nó sẽ có thể chở một nhóm hàng không gồm 85 máy bay, trực thăng hoặc máy bay không người lái. Cũng như bao gồm máy bay tác chiến điện tử F-35 JSF và F/A-18E/F, EA-18G, E-2D Advanced, trực thăng MH-60R và MH-60S.
Nimitz (Mỹ). |
Có tổng cộng 10 tàu sân bay thuộc lớp này được đóng, trong đó có 3 chiếc từ thiết kế ban đầu và 7 chiếc từ thiết kế cải tiến. Đây là những tàu chiến lớn nhất vào thời điểm đó. Với nhà máy điện hạt nhân, chúng có thể mang theo 80 máy bay và trực thăng, chủ yếu là F/A-18E/F, máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowlers, máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye và trực thăng MH-60R, MH-60S.
Lớp Nimitz có hệ thống tự vệ tự động chống lại tên lửa chống hạm hành trình bằng cách tích hợp và phối hợp các hệ thống vũ khí với tác chiến điện tử.
Đô đốc Kuznetsov (Nga) |
Được Hải quân Nga đưa vào hoạt động năm 1991, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov nhỏ hơn hàng không mẫu hạm Mỹ nhưng mang nhiều vũ khí tấn công mạnh mẽ hơn. Kuznetsov có thể mang theo khoảng 40 máy bay và trực thăng, bao gồm cả Su-33 và MiG-29K, các phiên bản khác nhau của trực thăng đổ bộ đường không Ka-27. Đô đốc Kuznetsov cũng là một tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng, không chỉ là một tàu sân bay. Nó mang theo một số vũ khí tấn công hạng nặng, đáng chú ý là 12 bệ phóng tên lửa chống hạm Granit.
Liêu Ninh (Trung Quốc) |
Tàu tuần dương Varyag là tàu lớp Kuznetsov thứ hai rời cảng ở thành phố Nikolaev, ngày nay thuộc Ukraine. Nó được đặt đóng vào năm 1985 và hạ thủy vào năm 1988, sau khi Liên Xô sụp đổ, việc tài trợ cho chế tạo con tàu đã dừng lại. Thân tàu chưa hoàn thành cuối cùng đã được bán cho Trung Quốc sau đó được khôi phục và trang bị lại.
Tàu sân bay này được Hải quân Trung Quốc đưa vào biên chế vào năm 2012 với tên gọi “Liêu Ninh”. “Liêu Ninh” có thể chở tới 50 máy bay và trực thăng. Sau khi sửa chữa, tàu Trung Quốc bị mất toàn bộ vũ khí hạng nặng tấn công của lớp Đô đốc Kuznetsov, giờ chỉ mang vũ khí phòng thủ tầm ngắn.
Queen Elizabeth (Anh). |
Tàu sân bay lớp Queen Elizabeth được đóng vào năm 2009 và đưa vào biên chế Hải quân Hoàng gia Anh vào năm 2017. Queen Elizabeth có thể mang theo 40 máy bay các loại, gồm tối đa có 36 tiêm kích tàng hình F-35. Cấu hình triển khai trong thời bình, tàu sẽ mang theo 12 chiếc F-35B, 24 chiếc với cấu hình chiến đấu tiêu chuẩn cùng một số trực thăng. Tàu sân bay Elizabeth có chiều dài 284 m, rộng lớn nhất 73 m, mớn nước 11 m, lượng choán nước toàn tải 70.600 tấn. Tàu được trang bị 2 động cơ tuabin khí và 2 động cơ diesel với tổng công suất 61.687 mã lực, tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ, dự trữ hành trình 10.000 hải lý.
Charles de Gaulle (Pháp) |
Đây là một con tàu sân bay hạt nhân tương đối hiện đại, được đưa vào phục vụ Hải quân Pháp vào năm 2001. Charles de Gaulle hiện là soái hạm của Hải quân Pháp. Nó là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất được chế tạo bên ngoài Mỹ.
Charles de Gaulle có thể chở hơn 40 máy bay và trực thăng. Nhóm không quân bao gồm 30 máy bay chiến đấu đa năng Rafale, máy bay cảnh báo radar E-2C Hawkeye, trực thăng được đại diện là SA 365F Dauphin hoặc AS322 Cougar.
Vikramaditya (Ấn Độ) |
Vikramaditya là chiếc tàu sân bay lớn nhất, hiện đại nhất của Hải quân Ấn Độ, được hoán cải từ tuần dương hạm Baku đóng từ thời Liên Xô. Con tàu này được Nga bán cho Ấn Độ vào năm 2004 trong một hợp đồng trị giá 2,3 tỉ USD.
Vikramaditya có chiều dài 283,5m; chiều rộng 59,8m; lượng giãn nước tối đa 45.400 tấn. Vikramaditya có thể chở khoảng 30 máy bay và trực thăng, bao gồm cả trực thăng MiG-29KU và MiG-29KUB, Ka-31. Nhóm không quân gồm 30 máy bay và 6 máy bay trực thăng.
Sao Paulo (Brazil) |
Sao Paulo là một tàu sân bay lớp Clemenceau. Ban đầu được đưa vào biên chế Hải quân Pháp vào năm 1963, với tên gọi “Foch”. Sau đó, con tàu được bán cho Brazil vào năm 2000 với giá 12 triệu USD và đổi tên thành Sao Paulo (A12) - tại đây nó trở thành soái hạm mới của Hải quân Brazil.
Sao Paulo có thể chở tới 40 máy bay và trực thăng. Phi đội máy bay chủ lực trên tàu sân bay Brazil là A-4KU Skyhawk. Tuy nhiên, hàng không mẫu hạm này hiện chủ yếu phục vụ cho công tác đào tạo phi công. Khả năng tấn công của nó bị hạn chế.
Cavour (Italy) |
Cavour là một tàu sân bay hạng nhẹ, được đưa vào hoạt động năm 2008. Nó hiện là soái hạm mới của Hải quân Italy. Sau khi quá trình hoán cải hoàn thành, máy bay chiến đấu tàng hình có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B sẽ thay thế loại AV-8B Harrier hiện có, đồng thời có thể hoạt động như một trung tâm chỉ huy. Cavour có thể chở xe tăng chiến đấu chủ lực và xe lội nước trong nhà chứa máy bay.
Chakri Naruebet (Thái Lan) |
Tàu sân bay “Chakri Naruebet” được đóng ở Tây Ban Nha, được đưa vào hoạt động bởi Hải quân Hoàng gia Thái Lan vào năm 1997. Trên thực tế, nó là tàu sân bay nhỏ nhất trên thế giới, chỉ có lượng choán nước 11.500 tấn - nhiều hơn một chút so với một tàu khu trục của Mỹ.
“Chakri Naruebet” có thể chở khoảng 30 máy bay và trực thăng. Nhóm không quân gồm máy bay AV-8S Matador và trực thăng S-70B Seahawk, Sea King hoặc CH-47 Chinook. Tuy nhiên Chakri Naruebet thiếu trang bị vũ khí phòng ngự.
Thanh Bình (lược dịch)