Hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có khoảng 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Tại TPHCM, nhiều dự án bất động sản "khủng" của tập đoàn này nằm ở các vị trí đắc địa, với giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Trong ảnh, tòa nhà Công ty CP đầu tư Times Square (26-36 Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM) do tỉ phú Chu Lập Cơ làm chủ tịch hội đồng quản trị. Tòa nhà này được dùng để thế chấp cho các khoản vay tại Ngân hàng SCB.
Bên trong tòa nhà Times Square có khách sạn The Reverie Saigon, đây là một trong những khách sạn 6 sao đầu tiên ở Việt Nam.
Khách sạn The Reverie Saigon được thiết kế theo phong cách hoàng gia Ý, từng được xếp hạng ở vị trí thứ 4 trong danh sách 50 khách sạn tốt nhất thế giới.
Cách tòa nhà Times Square khoảng 100m là khu phức hợp mua sắm - khách sạn Union Square cũng thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Khu phức hợp với 4 mặt tiền đường Nguyễn Huệ, Lê Lai, Lê Thánh Tôn và Đồng Khởi (quận 1).
Khu phức hợp Union Square có tổng diện tích sàn lên đến 91.000m2 với quy mô 6 tầng hầm và 9 tầng nổi. Hiện đang được các thương hiệu thời trang, nội thất nổi tiếng thuê lại để kinh doanh.
Cũng nằm trên đường Nguyễn Huệ, tòa nhà số 19-25 hiện là trụ sở chính của Ngân hàng SCB.
Ngày 3/1/2020, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận cho SCB thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính. Trụ sở có địa chỉ tại số 19-21-23-25 Nguyễn Huệ (quận 1).
Đối diện trụ sở SCB là tòa VTP Building cũng thuộc quyền sở hữu của công ty cổ phần đầu tư Vạn Thịnh Phát. Tòa nhà được đưa vào hoạt động vào năm 1993 với kết cấu 2 hầm, 15 tầng.
Dự án Saigon One Tower nằm tại góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (quận 1) được Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Viva Land (thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mua lại hồi cuối năm 2021. Dự án sau đó đã được đổi tên thành IFC One Saigon và khoác lên mình một "chiếc áo mới" khi được thay lớp kính bên ngoài nhưng đến nay, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, công trình này vẫn còn đang dang dở, chưa được hoàn thiện.
Dự án này từng kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng kiến trúc của thành phố hoa lệ.
Nằm trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), tòa nhà VTP Office Building trước đây là trụ sở của Ngân hàng SCB cũng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Một trụ sở của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nằm trên đường Trần Hưng Đạo (sau lưng trụ sở cũ của Ngân hàng SCB).
Ở khu vực quận 5, khách sạn Windsor Plaza với hai mặt tiền đường Sư Vạn Hạnh và An Dương Vương cũng thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Được biết, đây là một trong những khách sạn cao cấp đầu tiên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bên trong quần thể khách sạn này còn có trung tâm thương mại An Đông Plaza.
Dự án Thuận Kiều Plaza (quận 5) được một công ty con thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại vào năm 2015. Dự án là một khu cao ốc gồm 3 tòa với tổng diện tích xây dựng được giới thiệu là 10ha.
Dự án này được xây sửa lại và đổi tên thành The Garden Malll vào năm 2017.
Căn biệt thự cổ ở địa chỉ số 110-112 Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM) diện tích gần 3.000m2 của bà Trương Mỹ Lan, có 3 mặt tiền là đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu.
Căn biệt thự này được bà Trương Mỹ Lan thông qua Công ty MINERVA mua lại với giá 35 triệu USD (khoảng 700 tỷ đồng) vào năm 2015.
Tòa nhà Sherwood Residence tọa lạc trên đường Pasteur (quận 3) thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đây là nơi ở của bà Trương Mỹ Lan trước khi vướng vào vòng lao lý.
Dự án Mũi Đèn Đỏ (quận 7) với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 6 tỷ USD, là một trong số những tài sản không đủ pháp lý được bà Trương Mỹ Lan nâng khống giá trị để chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng tại SCB.