Từ khi giai đoạn 1 của dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát và rạch Nước Lên hoàn thành, tình trạng ô nhiễm vẫn hiện hữu, rác thải tràn lan, nước kênh đen kịt, đường sá xuống cấp...
Sau gần 7 năm, ngày 23/2 vừa qua, dự án đã khởi công giai đoạn 2 trong niềm vui, sự phấn khởi và kỳ vọng của người dân. Giấc mơ xanh hóa dòng kênh của người dân sắp thành hiện thực khi dự án hoàn thành vào năm 2025.
Tuyến đường dân sinh ven kênh Tham Lương (đoạn qua địa bàn quận Gò Vấp) khói bụi mịt mù vì không được trải nhựa, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Tại khu vực cầu Bến Lội (quận Bình Tân), rác thải chất đống ven bờ kênh. Người dân địa phương cho biết, vào mùa mưa cách đây 2 năm, rác động ở miệng cống khiến nước thoát không kịp, ngập sâu, khiến một người chết vì bị nước cuốn trôi.
Cầu Bình Thuận (quận Bình Tân) bắt qua kênh Tham Lương thường xuyên ùn tắc giao thông. Dự án cải tạo kênh (giai đoạn 2) với hạng mục xây đường giao thông bề rộng từ 7-12m dọc 2 bên tuyến kênh được kỳ vọng sẽ giảm tải cho quốc lộ 1, giải quyết tình trạng ùn ứ phương tiện trên cầu.
Một cây cầu tạm bắc qua kênh Tham Lương chỉ rộng hơn 1m, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Theo ban quản lý dự án, các cây cầu tạm sẽ được dỡ bỏ. Toàn tuyến kênh sẽ xây dựng 12 bến thuyền, 3 cầu giao thông và các nút giao thông dọc tuyến.
Nhìn từ trên cao, kênh Tham Lương đoạn qua địa bàn quận Bình Tân ô nhiễm nặng, nước đen kịt, rác thải trôi đầy kênh. Hai bờ kênh là tuyến đường dân sinh được làm tạm để người dân đi lại.
Bà Đào Bích Liên (59 tuổi), sống dọc bờ kênh Tham Lương (đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh) cho biết, rác động ở các miệng cống, nước thoát không kịp nên cứ có mưa là sẽ ngập.
Nghe tin dự án cải tạo kênh Tham Lương khởi công giai đoạn 2, cả nhà bà Liên mừng đến mất ngủ. Bà tâm sự: "Chúng tôi mong sớm thoát khỏi nỗi ám ảnh cứ mưa là ngập, rác tràn vào nhà, nắng thì bụi bặm, nước từ kênh bốc mùi hôi nồng nặc".
Ở huyện Bình Chánh, dọc hai bờ kênh Tham Lương xuất hiện tình trạng người dân vô tư mang rác đến vứt, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Anh Hòa (người dân địa phương) cho biết đã nhiều lần tự thu gom rác để đốt bớt.
"Họ thường mang rác đến đổ vào ban đêm nên khó có ai canh chừng, quản lý được. Hy vọng sau khi cải tạo tuyến kênh này, tình trạng xả rác bừa bãi sẽ không tiếp diễn nữa", anh Hòa nói.
Lục bình, rác thải tràn lan trên kênh Tham Lương đoạn đi qua quận Tân Bình.
Theo dòng chảy kênh Tham Lương từ sông Sài Gòn qua các quận, huyện đến sông Chợ Đệm, không khó để bắt gặp hình ảnh nước thải sinh hoạt được xả trực tiếp xuống kênh. Ghi nhận của PV Dân Trí, tình trạng này xảy ra nhiều hơn ở quận 12 và Bình Tân.
Bà Vũ Thị Suy (54 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) kể, vì thấy dọc tuyến kênh toàn rác nên cùng người dân xung quanh chung tay dọn dẹp, biến bãi rác thành vườn rau xanh. Hay tin dòng kênh sắp "thay áo mới", bà Suy vui mừng khôn xiết.
Phối cảnh kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sau khi cải tạo (Ảnh: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM).
Dự án sẽ thực hiện nạo vét trên toàn tuyến kênh (31,46km), kè bờ toàn tuyến (63,11km), xây dựng tuyến đường giao thông 2 bên bờ kênh (63,41km); đồng thời hoàn thiện hạ tầng thoát nước, công viên, cây xanh, hệ thống chiếu sáng và 12 bến thuyền.
Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên nối từ sông Sài Gòn đến sông Chợ Đệm, có chiều dài 31,46km, đi qua địa phận 7 quận huyện của thành phố, gồm: Bình Thạnh, quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, và huyện Bình Chánh. Tổng diện tích lưu vực là 14.900ha.
Đây là một trong những con kênh có chiều dài nhất nhì TPHCM, có vị trí quan trọng trong việc liên kết các khu vực của thành phố và vị trí chiến lược trong việc phát triển tuyến giao thông đường thủy nội địa cấp 5, rút ngắn quãng đường di chuyển từ sông Sài Gòn đến sông Chợ Đệm, kết nối tỉnh Đồng Nai với Long An (Đồ họa: Phương Nhi).