PV: Xin bà cho biết một số vấn đề liên quan đến chất thải nhựa hiện nay mà Thành phố quan tâm và định hướng công tác quản lý đối với chất thải nhựa của TP.HCM ?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ:
Tại TP. HCM, mỗi ngày có khoảng 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh, được thu gom xử lý. Trong đó, thành phần chất thải có giá trị, có thể tái chế chiếm khoảng 20 - 25% (bao bì nhựa, giấy, kim loại,…). Hiện nay, một phần chất thải nhựa có giá trị cao được người dân phân loại bán phế liệu, một phần tiếp tục được phân loại và tái chế tại các nhà máy xử lý tập trung của thành phố, phần còn lại (chủ yếu là bao bì nhựa màng mỏng ít có giá trị) được thu gom xử lý cùng các loại CTRSH khác.
Nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng sản phẩm nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần, việc thu hồi và tái chế bao bì nhựa chưa hiệu quả cùng với tình trạng thải bỏ bừa bãi rác thải nhựa vẫn còn diễn ra là những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý môi trường của TP.HCM.
Cùng thực hiện các cam kết của Việt Nam đối với chất thải nhựa, TP.HCM đã triển khai các kế hoạch nhằm kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn thành phố với các chỉ tiêu cụ thể.
Ngày 29/7/2019, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch về thực hiện phong trào Chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2021. Sau hơn 2 năm triển khai, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là những chuyển biến về nhận thức và hành vi của cộng đồng trong tiêu dùng và thải bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Tiếp đó, ngày 27/7/2020, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Ngày 24/5/2021, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành Quyết định số 1905/QĐ-UBND về Kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn với nhiều giải pháp đồng bộ và cụ thể.
PV: Bà có thể chia sẻ thêm về những giải pháp cụ thể mà TP.HCM sẽ thực hiện để kiểm soát và xử lý chất thải nhựa trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ:
Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục tập trung đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giải quyết vấn đề thải bỏ rác bừa bãi nhằm kiểm soát ô nhiễm do rác thải nhựa, gắn với thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban thường vụ Thành ủy.
Trong đó, sẽ tăng cường việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; khuyến khích phân loại tại nguồn đối với chất thải nhựa nhằm giúp cho các hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa thuận lợi hơn, kinh tế hơn. Nhóm chất thải còn lại (không thể tái sử dụng, tái chế), được định hướng đốt, tái sinh năng lượng sản xuất điện, phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu 80% CTRSH sẽ được xử lý theo hướng tái chế, tái sử dụng và tái sinh năng lượng.
Thành phố cũng sẽ tích cực tìm kiếm, phối hợp với các tổ chức, đơn vị có quan tâm đến lĩnh vực thu gom, tái chế chất thải nhựa để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả tái chế. Từ đó, từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa và sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ phát động các tổ chức đoàn thể, các địa phương thường xuyên tổ chức các phong trào, chiến dịch truyền thông về chất thải nhựa, kết hợp các hoạt động thu gom chất thải nhựa có thể tái chế; ra quân làm sạch các điểm tồn đọng rác ở nơi công cộng, khu đất trống, sông, kênh, rạch... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường, vứt bỏ chất thải, chất thải nhựa bừa bãi ở nơi công cộng theo quy định.
PV: Việc thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân, đặc biệt là thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy khi mua hàng sẽ được TP.HCM thực hiện thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ:
TP.HCM đặt mục tiêu 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố sẽ sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt để thay thế túi ni lông khó phân hủy. Đồng thời, các tiểu thương tại các chợ dân sinh sẽ giảm 50% sử dụng bao bì ni lông khó phân hủy sinh học trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Để đạt được mục tiêu trên rất cần đến nhiều giải pháp đồng bộ. Trước mắt, TP.HCM đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách..., không phát túi ni lông khó phân hủy cho người đi mua sắm mà thay bằng túi sinh học, dễ phân hủy, thân thiện với môi trường; đồng thời, khuyến khích người tiêu dùng tự mang túi, giỏ khi đi mua sắm nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông, góp phần bảo vệ môi trường từ việc giảm nhựa.
PV: Để nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn trong việc giảm rác thải nhựa, TP.HCM đã và sẽ áp dụng những giải pháp nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ:
UBND TP.HCM đã yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội phải gương mẫu, tích cực đi đầu trong việc giảm thiểu, tái sử dụng chất thải nhựa; không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần; hạn chế sử dụng băng rôn dùng một lần chuyển sang ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông, ứng dụng kỹ thuật số, phát huy mặt tích cực của mạng xã hội phục vụ cho công tác tuyên truyền.
Hiện 100% các cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị như: không sử dụng nước uống đóng chai (có thể tích 330ml - 500ml) mà chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (>20 lít) hoặc tự đun nấu, đồng thời không sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa...
Bên cạnh đó, thành phố duy trì triển khai các giải pháp xây dựng lối sống thân thiện môi trường tại các cơ quan công sở theo mô hình “Văn phòng xanh, công sở xanh”; huy động sự tham gia một cách thiết thực, chủ động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên các tổ chức đoàn thể trong hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần…
PV: Xin cảm ơn bà!