Sở Y tế tỉnh Cao Bằng ghi nhận 18 trẻ có biểu hiện như trên, bao gồm 2 nam, 16 nữ tại điểm trường Nà Rại, thuộc Trường Tiểu học Cốc Pàng, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Các em học sinh này có triệu chứng chung giống nhau như ngất, khóc thét, la hét, sợ hãi, kích động và đánh người. Thời gian các em xuất hiện triệu chứng khoảng 3-5 phút, tăng dần lên 10-30 phút. Sau đó, các em ngủ lịm khoảng 10 - 20 phút thì tỉnh lại và tiếp xúc bình thường.
Ngay sau đó, các ngành chức năng của tỉnh Cao Bằng đã kiểm tra, đánh giá các vấn đề về tâm lý, sức khỏe của các em. Qua khai thác, thu thập thông tin từ các thầy, cô giáo tại điểm trường Nà Rại và phụ huynh, học sinh chỉ có các biểu hiện bất thường khi ở nơi đông người, không xuất hiện lúc ở một mình.
Các bất thường này chủ yếu xuất hiện khi học sinh đang ở trường học, có tính chất lây lan, càng tập trung nhiều người chú ý, chăm sóc lại càng có nhiều em xuất hiện triệu chứng như vậy.
Các cơ quan chức năng sau khi kiểm tra tâm lý của học sinh kết luận trẻ bị rối loạn phân ly.
Các bác sĩ đã hướng dẫn cho các giáo viên xử lý khi xảy ra ca bệnh, nhanh chóng đưa học sinh bị bệnh ra ngoài phòng riêng, yên tĩnh để theo dõi.
Thông báo cho gia đình học sinh biết và phối hợp theo dõi, chăm sóc trẻ; đối với các trường hợp học sinh có biểu hiện lên cơn tái lại nhiều lần trong ngày và kéo dài nhiều ngày, đề nghị nhà trường báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình học sinh thực hiện biện pháp chăm sóc và theo dõi tại nhà từ 5 đến 7 ngày, nếu tình trạng học sinh ổn định, tiếp tục học tập bình thường.
Theo BSCK II Huỳnh Thanh Hiển – Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần, TP.HCM hội chứng rối loạn phân ly hay còn gọi là chứng bệnh giả vờ.
Bác sĩ Hiển cho biết rối loạn phân ly được coi là nhóm bệnh tâm thần học, tên hay gọi là hysteria. Tại bệnh viện, các bác sĩ cũng hay gặp bệnh nhân bị rối loạn phân ly đến khám với các chẩn đoán như: hạ canxi huyết, suy nhược thần kinh, rối loạn thần kinh thực vật, kích thích…
Ở học sinh, người trẻ hay bị hội chứng rối loạn phân ly tập thể, một trẻ có biểu hiện ra hội chứng dây chuyền nhiều trẻ bị theo.
Ví dụ người gặp thần tượng của mình họ la hét, phấn khích và có người ngất, co giật nhưng co giật không giống với động kinh. Một số trường hợp có rối loạn cảm giác như tê bì, mất cảm giác, rối loạn các giác quan như mù, điếc nhưng tính chất như giả vờ bị.
Trong trường hợp phân ly tập thể, các triệu chứng thường gặp là ngất, rối loạn vận động, co giật, cơn kích động cảm xúc.
Các rối loạn phân ly này không ảnh hưởng tới sức khỏe của người mắc. Rối loạn phân ly có khuynh hướng thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng, nhưng có thể tái phát trong trường hợp vẫn còn các sự kiện gây sang chấn.
Nhiều trường hợp bác sĩ khám cho bệnh nhân đã kiểm tra kỹ, các triệu chứng hay thiếu sót không thể giải thích đầy đủ bởi các bệnh nội khoa hay do hậu quả trực tiếp của một chất hoặc một hành vi hay nhận thức
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây ra rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể, vì vậy bệnh lý này còn được gọi là bệnh lý chức năng.
Các biểu hiện của bệnh thường phát sinh trong khoảng thời gian ngắn sau các sự kiện gây sang chấn, những vấn đề không giải quyết được gây căng thẳng. Đôi khi, các sang chấn nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên cũng có thể là yếu tố thuận lợi cho phân ly, ví dụ như áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè không tốt…
Rối loạn phân ly chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, kết hợp với nâng cao thể trạng và bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp. Quá trình điều trị thường cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ y tế, gia đình và người bệnh.
Để phòng bệnh, bác sĩ Hương cho biết gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường giáo dục, quản lý con em mình, bồi dưỡng nhân cách, lối sống tốt đẹp, lành mạnh, tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, biết khắc phục khó khăn tránh các stress tâm lí trong sinh hoạt, học tập và công tác.
K.Chi